2% học sinh, SV tham gia trong các đường dây mại dâm bị triệt phá

Anh Thư |

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, gần đây, một nhóm đối tượng được coi là "có học và sang trọng", trong đó có sinh viên tham gia đường dây bán dâm.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa nhận được báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong ngành năm 2018 của Bộ GD&ĐT.

Đối với tình trạng mại dâm, theo đánh giá mới nhất của Bộ LĐTBXH, hiện tượng học sinh sinh viên (HSSV) tham gia mại dâm không nhiều, chỉ chiếm 2% trong số vụ việc vi phạm tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, đây vẫn là mối lo ngại, cần phải có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Hiện tệ nạn mại dâm có sự chuyển đổi hình thức và biến tướng vô cùng tinh vi, phức tạp, khó giám sát quản lý. 

Gần đây nhất, một nhóm đối tượng được coi là "có học và sang trọng", đều có danh hiệu của người mẫu, hoa hậu, trong đó có SV tham gia đường dây bán dâm này như báo chí và dư luận đã quan tâm và đưa tin…

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cho biết, đầu năm 2018, một số đối tượng tự xưng là người của “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” xâm nhập vào một số trường học để tuyên truyền nội dung hoang đường, mê tín dị đoan, trái ngược với văn hóa truyền thống của Việt Nam và lôi kéo một số HSSV tham gia “Hội thánh”.

Ngoài ra, tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục tuy có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp.

Qua điều tra, khảo sát từ các địa phương, năm học 2017-2018 có trên 2.000 vụ HS tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan tới trên 5.000 đối tượng.

Bộ GD&ĐT nhận định các vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của HS, nhà giáo. Tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội và phương hại đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc.

Việc theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của HSSV, đặc biệt là trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn, chưa thiết lập được mạng lưới kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng HSSV toàn ngành.

Cũng theo Bộ LĐTBXH, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Bạo lực học đường tuy có chiều hướng giảm, nhưng lại có diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều vụ việc xử lý chưa triệt để.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại