2 ông Tập-Vương đến Vạn Lý Trường Thành từ 2 hướng trong cùng 1 ngày, TQ muốn nói gì với Mỹ?

Thủy Thu |

Vào ngày 20/8, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bước lên Vạn Lý Trường Thành từ điểm khởi đầu phía Tây, trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị đặt chân ở phía Đông.

Hội nghị lần thứ 9 giữa Ngoại trưởng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra bắt đầu từ ngày 20/8 đã diễn ra tại một địa điểm độc đáo - cửa ô Cổ Bắc Khẩu - địa danh thuộc dãy Vạn Lý Trường Thành - nằm ở phía Bắc của Bắc Kinh.

Liên quan đến ý nghĩa lựa chọn địa điểm này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giải thích rằng, "người phương Đông có thể hiểu rõ về biểu tượng văn hóa và mật mã văn minh của Vạn Lý Trường Thành".

Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành thị sát tỉnh Cam Túc, nằm phía Tây Bắc nước này. Ông Tập cũng đã bước lên đài quan sát Quan Thành của cửa ô Gia Dục, cửa ô đầu tiên khởi điểm từ phía Tây của Trường Thành. Tại đây, ông Tập nói rằng, Vạn Lý Trường Thành là một "biểu tượng quan trọng của dân tộc Trung Hoa".

Theo giới quan sát, việc loạt hoạt động quan trọng của Bắc Kinh đồng thời diễn ra ở hai phía Đông-Tây Trường Thành dường như đang truyền tải một tín hiệu nhất định.

2 ông Tập-Vương đến Vạn Lý Trường Thành từ 2 hướng trong cùng 1 ngày, TQ muốn nói gì với Mỹ? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng ba nước Trung-Hàn-Nhật gặp gỡ tại Trung Quốc nhằm thảo luận về các vấn đề như thương mại kinh tế. Ảnh: VCG

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV miêu tả, "nhà lãnh đạo tối cao đặt chân tới chân núi Kỳ Liên, bước trên con đường tơ lụa cổ đại, băng qua hành lang gập ghềnh đan xen lịch sử và thời đại, mộng tưởng và hiện thực".

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, điều này cho thấy Trung Nam Hải lại lần nữa lấy chuyện xưa nói chuyện nay để chỉ ra những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh cuộc chiến thương mại cũng như sự cạnh tranh giữa hai nước xung quanh trật tự quốc tế mới.

"Trên thực tế, phản ứng dây chuyền ở Đông Bắc Á do sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang định hình lại trật tự ở khu vực này...Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách đạt được một tầm nhìn đầy tham vọng hơn về "Cộng đồng vận mệnh châu Á" thông qua việc hợp nhất "Cộng đồng Đông Á", Đa chiều viết.

Bắc Kinh muốn "hợp nhất" Đông Bắc Á

Câu nói "người phương Đông có thể hiểu rõ về biểu tượng văn hóa và mật mã văn minh của Vạn Lý Trường Thành" của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã chỉ ra mối quan hệ của lịch sử và văn hóa ba nước.

Một số ý kiến cho rằng, theo quan điểm của Bắc Kinh, sợi dây quan hệ văn hóa này có thể đóng một vai trò kết dính và đồng cảm trong mối quan hệ phức tạp giữa ba nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nước Nhật-Hàn đang đối mặt với mâu thuẫn thương mại song phương.

"Bắc Kinh hy vọng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ 'đoàn kết thống nhất, đón nhận thách thức' để đối phó với chủ nghĩa đơn phương.Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay đang thử thách khả năng ngoại giao hòa giải linh hoạt và hội nhập khu vực của Bắc Kinh", Đa chiều bình luận.

2 ông Tập-Vương đến Vạn Lý Trường Thành từ 2 hướng trong cùng 1 ngày, TQ muốn nói gì với Mỹ? - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình nói rằng Vạn Lý Trường Thành là "biểu tượng quan trọng của dân tộc Trung Hoa". Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại Diễn đàn Bắc Ngao vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng các nước châu Á phải hợp tác để duy trì môi trường phát triển hòa bình, làm sâu sắc lòng tin chiến lược, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thuận lẫn nhau.

Trước đó, tại hội nghị công tác đối ngoại trung ương vào tháng 11/2014, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng là một thành viên sáng lập "Cộng đồng vận mệnh", Trung Quốc "phải thúc đẩy tình hữu nghị và quan hệ đối tác với các nước láng giềng".

Giới phân tích cho rằng, mặc dù chính sách ngoại giao với các quốc gia khu vực lớn như Mỹ, châu Âu và Nga chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc nhưng nền tảng ngoại giao Trung Quốc vẫn là các nước láng giềng châu Á. Cho dù chiến lược "Cộng đồng vận mệnh nhân loại" hay "Vành đai và con đường" có mang tính toàn cầu thế nào đi chăng nữa nhưng trên thực tế, trọng tâm của nó trước hết là các nước láng giềng của Trung Quốc.

Theo đánh giá, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và ba nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên là thách thức nhất và nó kiểm tra khả năng hòa giải và hội nhập của Bắc Kinh. 

Lấy mở cửa và hội nhập đối phó chiến tranh thương mại

Tại hội nghị ở Trung Quốc, ba Ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn đã thảo luận về loạt các vấn đề như hợp tác kinh tế thương mại, đồng thuận sẽ tích cực thúc đẩy hoàn thành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.

Theo Đa chiều, đối với Trung Quốc, trước áp lực của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, việc hoàn thành đàm phán RCEP thực sự vô cùng cấp bách.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Vương Nghị nói rằng với tư cách là những quốc gia quan trọng trong khu vực, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên cố gắng hoàn thành cuộc đàm phán này trong năm và đẩy nhanh việc thành lập Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy xây dựng "Cộng đồng Đông Á".

Giới phân tích nhận định, trên cơ sở này, Trung Quốc có thể thiết lập vòng tròn phạm vi hợp tác kinh tế riêng, bắt tay với các nước khác để đối phó với rào cản chống toàn cầu hóa và thương mại hóa và những thách thức của Mỹ đối với trật tự quốc tế.

Theo Đa chiều, biểu tượng văn hóa của Vạn Lý Trường Thành cũng thể hiện tính chất kép. Một mặt, nó là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Với sự bảo vệ của Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc đã thiết lập một rào cản chống lại sự tấn công của các bộ tộc du mục phương Bắc. Mặt khác, đó cũng là biểu hiện của trật tự quốc tế kiểu Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng trật tự mới và nước này là trung tâm.

Do đó, Trung Nam Hải sử dụng Vạn Lý Trường Thành như một tín hiệu gửi đến Mỹ và các nước khác trên thế giới ở hai phương diện. Một mặt, đó là sự thống nhất nội bộ, đối phó với Mỹ và mặt khác, Trung Quốc thể hiện tham vọng xây dựng từ "Cộng đồng Đông Á", đến "Cộng đồng vận mệnh châu Á" và thậm chí là "Cộng đồng vận mệnh nhân loại".

Giờ đây, sự hội nhập giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với sự hợp tác của ba nước tại thị trường thứ ba xung quanh chiến lược Vành đai và con đường dường như là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng lại trật tự Đông Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại