Phá vỡ thông lệ ngoại giao
Việc hai miền trên bán đảo Triều Tiên đi vào hoà dịu với nhau đã gây bất ngờ lớn trong những ngày tháng đầu tiên của năm 2018, nhưng bất ngờ còn lớn hơn là Mỹ và Triều Tiên đồng ý có cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử. Phía Triều Tiên chủ động đưa ra lời mời gặp gỡ, thận trọng và kín kẽ bằng thông điệp miệng gửi nhờ Hàn Quốc chuyển tới Mỹ bởi giữ dư địa để lùi trong trường hợp thiện chí bị tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng bác bỏ.
Ông Trump đã nhanh chóng nhận lời mời, quyết đoán và bất chấp truyền thống ngoại giao của Mỹ cũng như thông lệ trong thế giới ngoại giao nói chung. Truyền thống ngoại giao của Mỹ là coi cuộc gặp của tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên như một phần thưởng của Mỹ cho việc Triều Tiên đáp ứng mọi yêu cầu và điều kiện của Mỹ. Chẳng phải những người tiền nhiệm của ông Trump như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều đã hành xử như thế với Triều Tiên hay sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ truyền thống ngoại giao trong tuyên bố đối thoại với Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Truyền thống ở Mỹ cũng còn là tổng thống trao đổi với cộng sự trước đã rồi mới quyết định theo khuôn mẫu "câu trả lời thích hợp sẽ được người thích hợp đưa ra theo cách thích hợp vào thời điểm thích hợp".
Khi ông Trump nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công cán châu Phi và người này bị bất ngờ không kém gì mọi người khác. Ông Trump không những chỉ quyết đoán và quyết hết mà còn chẳng coi trọng gì Bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng Mỹ.
Thông lệ trong thế giới ngoại giao là cuộc thượng đỉnh thường không phải là cuộc đàm phán mà chỉ để chính thức hoá kết quả đàm phán, lãnh đạo cấp cao chỉ hội đàm chứ không đàm phán, bởi thế thường đàm phán thành công hoặc phải chắc chắn thành công thì mới có cuộc gặp cấp cao.
Trước ông Trump không có cuộc cấp cao Mỹ - Triều nào vì không bên nào chịu đáp ứng điều kiện tiên quyết của phía bên kia và đàm phán không được tiến hành chứ chưa nói đến kết thúc với kết quả nào. Bây giờ, ông Trump hành xử khác hẳn.
Cho tới nay, chưa có tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ điện đàm thôi chứ không nói đến gặp trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên. Jimmy Carter năm 1994 và Bill Clinton năm 2009 đã đi Triều Tiên nhưng đều sau khi không còn tại vị nữa. George W. Bush nguyền rủa Triều Tiên là "ma quỷ" còn Barack Obama thà "kiên nhẫn chiến lược" chứ không chấp nhận đối thoại trực tiếp với Triều Tiên.
Các ông Clinton, Bush và Obama đều muốn chắc ăn, đều muốn nắm dao đằng chuôi, đều không tin Triều Tiên và đều theo phương châm Mỹ không bằng vai phải lứa với Triều Tiên. Ông Trump thì lại chấp nhận rủi ro để mưu thành đại sự. Cả phía Triều Tiên cũng vậy khi chủ động mời chào Mỹ đi vào đối thoại và tiếp xúc trực tiếp.
Chấp nhận rủi ro mưu đại sự
Thông điệp đối thoại từ Triều Tiên được gửi qua phái đoàn Hàn Quốc tới Mỹ. Ảnh: KCNA
Cái rủi ro ở đây hiện hữu trên hai phương diện. Thứ nhất là hiện chưa thể chắc chắn được là cuộc cấp cao Donald Trump - Kim Jong-un sẽ diễn ra. Chỉ cần một động thái nhỏ ở phía này hay bên kia, một tweet của ông Trump hay một phát biểu của Triều Tiên thôi với nội dung nhạy cảm chứ không cần đến hành động lớn cũng có thể đủ để huỷ hoại cuộc gặp. Rủi ro luôn tiềm ẩn ở câu hỏi về điều kiện tiên quyết.
Cho tới nay, mọi thông tin đều không phải chính thức từ phía Triều Tiên mà đều qua thông báo của Hàn Quốc và được phía Mỹ xác nhận. Ông Trump đề cập "cam kết của Triều Tiên" chứ không nhắc đến điều kiện tiên quyết của Mỹ hay Triều Tiên. Cái mập mờ này giúp cho cả hai phía đều vẫn luôn có thể dễ dàng và nhanh chóng thoái lui từ nay cho tới tận thời điểm tiến hành cuộc thượng đỉnh, dự kiến vào cuối tháng 5 này.
Thứ hai là cuộc gặp có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại. Tính cách cá nhân của ông Trump và ông Kim Jong-un, mức độ phức tạp, nan giải và nhạy cảm của vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như sự tin cậy lẫm nhau không có giữa Mỹ và Triều Tiên làm cho cuộc gặp này vô cùng khó thành công. Vì thế, hai bên nhằm tới thành công nhưng rõ ràng không thể không chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bị thất bại.
Hai bên chấp nhận rủi ro vì muốn tận dụng cơ may thành công và vì thật ra bên nào cũng lại có cái lợi riêng trong trường hợp thất bại. Ông Trump và ông Kim Jong-un đều nắm thực quyền và toàn quyền trong tay, có thể quyết ngay và luôn. Người nào cũng có cái lý riêng biện minh cho thế của mình trong cuộc cấp cao này.
Ông Trump cho rằng Triều Tiên bị Mỹ làm cho khó khăn quá nên mới xuống thang. Triều Tiên lại tính vì đã có được tên lửa và vũ khí hạt nhân như thế nên mới buộc được Mỹ chấp nhận đối thoại.
Nếu cuộc gặp cấp cao thất bại, bên này sẽ đổ hết trách nhiệm cho bên kia. Ai cũng sẽ quả quyết là đã thiện chí hết mức, kiên nhẫn tột cùng và nỗ lực tối đa nên nếu Mỹ sử dụng biện pháp quân sự thì không ai có thể nói Mỹ hiếu chiến và nếu Triều Tiên có tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân thì cả thế giới không thể phản đối được nữa.
Chấp nhận rủi ro để mưu thành chuyện lớn, ông Trump và ông Kim Jong-un rất có thể giải quyết được vấn đề nan giải dai dẳng lâu nay. Cuộc gặp này thành công thì chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sẽ thay đổi rất nhiều và cơ bản, khu vực Đông Bắc Á sẽ khác hẳn về mọi phương diện, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran cũng bị tác động mạnh.
Thiên hạ sẽ nhìn ông Trump bằng con mắt hoàn toàn khác trước. Suy diễn một cách lô gic thì sẽ thấy trước cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên sẽ phải diễn ra cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ ba.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang ở trước cơ hội có bước ngoặt lịch sử.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại