Ảnh: Cắt từ video trong bài
Một người đàn ông ra sức dùng rìu để bóc vỏ của một cây to (xem ảnh bên dưới). Người này định làm gì với phần vỏ của loại cây này và điều đó liệu có làm nguy hại đến sự phát triển của cây? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết sau.
Lý do người đàn ông bóc vỏ cây này là gì? Ảnh: Techinsider
Thì ra những cây bị bóc vỏ này chính là những cây sồi (tên khoa học: Quercus suber). Chúng được trồng thành một khu rừng lớn ở Bồ Đào Nha nhưng không phải để lấy quả hay lấy gỗ mà mục đích chính là để lấy... vỏ của cây.
Những cây sồi này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái và nền kinh tế đất nước nên được pháp luật Bồ Đào Nha bảo vệ từ năm 1209. Lý do là loại cây này chính là nguồn cung cấp 40 triệu nút bần mỗi ngày.
Hãy cùng khám phá khu rừng sồi ở Alentejo, Bồ Đào Nha để tìm hiểu kỹ hơn về quá trình thu hoạch vỏ sồi cũng như cách thức những nút bần (dùng để đậy nắp chai rượu) ra đời.
Cây sồi sẽ được thu hoạch lần đầu tiên khi chúng đạt 15 năm tuổi, sau đó cứ cách 9 năm thì người ta mới thu hoạch một lần. Ảnh: Insider
Ở đây, người ta sẽ trồng những cây sồi nút bần (cork oak) và chăm sóc chúng cho đến khi cây được 15 năm tuổi. Lúc này người ta sẽ tiến hành thu hoạch vào mùa hè bằng cách sử dụng rìu để bóc vỏ cây ở phần xung quanh gốc ra một cách cẩn thận.
Mỗi gốc cây sẽ có hai người đàn ông làm việc cùng nhau vì đây là một công việc không hề đơn giản nếu thực hiện một mình. Do quy định của pháp luật nên người làm không được làm tổn hại đến loại cây này cho đến khi cây được 15 năm tuổi.
Quá trình tách vỏ cây cũng vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận để không làm cây bị chết. Sau khi thu hoạch lần đầu tiên thì sau đó phải mất 9 năm thì người ta mới tiếp tục thu hoạch chúng. Do đó việc bóc vỏ cây không làm cây bị ảnh hưởng quá nhiều.
Cây sồi lớn tuổi nhất ở đây lên đến 200 năm tuổi và đã được thu hoạch 20 lần.
Những mảng vỏ cây sẽ được vận chuyển tới nơi xử lý. Tại đây, chúng được phơi trên nền xi măng trong suốt 6 tháng rồi mới được chuyển vào nhà máy để đun sôi trong vòng ít nhất 1 tiếng đồng hồ nhằm giúp diệt khuẩn và làm vỏ cây mềm, xốp hơn.
Nút bần từ vỏ sồi. Ảnh: 100% cork
Tiếp đến một chiếc máy dập sẽ tạo nên các nút bần có dạng hình trụ từ vỏ cây sồi. Những nút bần này sẽ được phân phối đến hơn 100 quốc gia khác nhau. Ngay cả phần vỏ cây thừa cũng sẽ được tận dụng để làm gỗ ép hay thậm chí nút bần cho các loại rượu rẻ tiền hơn.
Mỗi năm, Bồ Đào Nha sản xuất 100.000 tấn nút bần (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng trên cả thế giới). Việc trồng loại cây này giúp ngăn ngừa tình trạng sa mạc hóa và góp phần làm thanh lọc khí thải CO2 nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với đất nước Bồ Đào Nha.
Năm 2018, giá trị xuất khẩu nút bần của nước này đạt kim ngạch 1,2 tỷ đô la và gần 1,1 tỷ đô la vào năm 2019. Hiện nay, việc sử dụng nút bọc từ sợi tổng hợp nên giá trị xuất khẩu của Bồ Đào Nha đã giảm đi 1 nửa, tuy vậy đây vẫn là ngành công nghiệp mang lại giá trị cao.
Xem video:
Đây là cách mà 40 triệu chiếc nút bần chai rượu được sản xuất