"Đánh" cho chừa cái mặt đường – nên chăng?
Đoạn clip đầu tiên ghi lại cảnh một cậu bé người Mỹ bị ngã xe đạp. Mặc dù cú ngã không hề nhẹ bởi xe đang chạy với tốc độ khá nhanh, nhưng cậu không hề khóc, cũng không la hét mà nhanh chóng tự mình đứng dậy
Đây là một hành động đáng khen, khi mà nhiều em bé khác nếu ở vào tình huống đó có thể đã ngồi khóc lóc ăn vạ.
Từ đây, nhiều người nhận ra sự tự giác của cậu bé hẳn nhiên xuất phát từ cách giáo dục của bố mẹ em.
"Đánh" cho chừa cái mặt đường, vừa mắng vừa ôm đứa trẻ dậy, rồi nói: "Con đường/ cái xe hư quá, làm con bị ngã"...là cách mà nhiều bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam làm mỗi khi con cái họ vùng vẫy, khóc lóc nếu chẳng may ngã xe. Còn ở đây, hãy xem cách xử lý của ông bố người Mĩ.
Khi gặp vấn đề, họ không hề mất bình tĩnh mà để trẻ học cách tự giải quyết.
Việc duy nhất ông bố làm là quan sát con và bày tỏ sự đồng cảm đồng thời lý giải nguyên nhân với con khi cậu bé "trình bày sự việc" với bố: "Con đang qua đường thì bị đâm vào bãi cỏ bố ạ!"
- "Ừ, lúc đó con đi khá nhanh đấy chàng trai ạ!" rồi hỏi thăm cậu bé: "Có đau không con?" - Sự can thiệp của người bố vào tình huống này chỉ dừng lại ở đó.
Thông qua phản ứng của người cha trong clip, chúng ta càng có thể thấy rằng, điều tốt nhất cho con là hãy để trẻ học cách tự đứng lên!
Khi trẻ xảy ra vấn đề, không nên quá hoảng sợ, hãy học cách giúp trẻ có thể bình tĩnh và có không gian để tự suy xét, tự giải quyết vấn đề của riêng chúng.
Hầu hết trẻ em Việt, khi gặp những khó khăn hay thất bại, thường sẽ dùng tiếng khóc để mong có được sự đồng cảm, giúp đỡ. Lúc này, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ không thể kìm lòng và "dang tay giúp đỡ".
Chính cách ứng xử của cha mẹ khi con mắc lỗi bị ngã, bị đau sẽ hình thành nên tính cách và thái độ của trẻ khi đối diện với những khó khăn và thất bại mà chúng sẽ gặp sau này.
Nếu con bị ngã và luôn được bố mẹ nâng đỡ xuýt xoa hay đổ thừa cho người khác, thậm chí là các đồ vật xung quanh thì không bao giờ trẻ hiểu được "nguyên nhân - hệ quả" của những việc mình làm, từ đó sinh ra những đứa trẻ yếu đuối, luôn sợ hãi và không bao giờ biết nhận lỗi khi làm sai.
Câu chuyện nhỏ - Bài học lớn.
Thêm một câu chuyện nhỏ nhưng đưa đến bài học lớn về cách dạy con theo kiểu phương Tây, xuất phát từ bữa tiệc sinh nhật của cậu bé 2 tuổi vô cùng đáng yêu.
Sau màn hát bài hát Chúng mừng sinh nhật là phần thổi nến trên chiếc bánh kem.
Có một vấn đề là cậu bé chưa biết cách thổi nến nên ngọn nến không thể bị thổi tắt. Thay vì làm thay con một cách mau lẹ, thì bố mẹ em lại kiên nhẫn khích lệ con trai và để bé tự làm "nhiệm vụ": "Con thổi ở đây này. Con phải mở miệng ra mới thổi được chứ! Thổi đi nào" – Ông bố vừa nói vừa làm mẫu cho con
Tiếp theo, người bố nhanh chóng chạy đi lấy một chiếc ống hút để cậu bé có thể tập trung dồn toàn bộ hơi vào một chỗ để thổi tắt nến.
Cuối cùng, em bé đã làm được. Họ không quên động viên con: "Con thổi được rồi, làm tốt lắm con trai" và vỗ tay chúc mừng cậu bé. Tuy chỉ kéo dài hơn một phút nhưng đoạn clip đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình của người xem.
Có lẽ nhiều cha mẹ vì nghĩ rằng làm giúp con là thể hiện tình yêu thương với con. Nhưng chúng ta không biết rằng, suy nghĩ ấy đang vô tình cướp đi của con trẻ rất nhiều những việc mà lẽ ra nó phải là công việc và trách nhiệm của cá nhân con trẻ. (Ảnh minh họa)
Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một thực tế là nhiều trẻ đã 5-6 tuổi mà vẫn chưa tự làm được những việc cá nhân như: tự xúc cơm, kéo khóa áo, cất đồ dùng cá nhân…
Những đứa trẻ được bao bọc quá kỹ sẽ luôn ỉ lại, dựa dẫm, nhút nhát, khả năng giao tiếp kém và khó lòng tự lập được trong cuộc sống tương lai.
Là cha mẹ, nhất định phải biết được thời điểm nào phù hợp nhất để giúp trẻ thoát khỏi "vỏ bọc của cha mẹ" thông qua cách dạy con tự lập.
Tập cho trẻ làm những việc vừa sức sẽ giúp trẻ dễ đạt được kết quả hơn và trẻ sẽ cảm thấy tự tin, hào hứng làm việc. Đối với những việc làm hơi quá sức của trẻ, cha mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích trẻ cố gắng hoàn thành. Khi trẻ đã làm xong cha mẹ nên có những lời động viên kịp thời.
Việc rèn luyện tính tự lập cho con từ sớm sẽ giúp cho đứa trẻ tự tin, dễ hòa đồng với các bạn và tự làm được những việc đơn giản mà không cần bố mẹ bên cạnh.