Liên quan đến sự việc giám đốc 1 doanh nghiệp giết thịt chim hoang dã rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, theo anh Hưng - thành viên một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, giống chim bị giết thịt là Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng (bộ Sả).
"Cao cát bụng trắng hay còn gọi là Cao cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng hoàng (hay còn gọi là Phượng hoàng đất - PV), nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng hoàng.
Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng, đuôi, cánh có đốm trắng, trong khi đó Hồng hoàng có lông dưới bụng màu đen", anh Hưng cho biết.
Cao cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng hoàng (hay còn gọi là Phượng hoàng đất - PV), nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng hoàng. Ảnh: Hội chim cảnh
Cũng theo anh Hưng, vì 2 con chim trong bức ảnh đã bị vặt lông nên không thể dựa vào màu sắc để phân biệt. Tuy nhiên, quan sát ở vùng má, bọng mắt và mỏ của chim có thể nhận ra điểm khác biệt.
2 con chim bị giết thịt có phần mũ ở trên hẹp và cao, phần mút mũ nhọn nhô ra phía trước. Ngoài ra, mỏ của Cao cát có màu vàng nhạt, chóp mũ có vệt đen.
Phần da trần quanh mắt của Cao cát có màu xanh nhạt hay xanh ánh đỏ, một đám da ở họng có màu xanh phớt tím. Trọng lượng của chúng chỉ từ 1,2 - 1,5 kg.
Trong khi đó, đặc trưng nổi bật nhất của Hồng hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và cân nặng 2,15 – 4 kg.
Hình ảnh thịt chim quý được đăng tải lên facebook.
"Theo công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Cao cát nằm ở mục II, trong khi Hồng hoàng quý hiếm hơn thì nằm ở mục I", anh Hưng cho biết.
Cụ thể, những động vật ở mục I như Hồng hoàng là nhóm loài bị đe doạ tuyệt chủng do săn bắt hoặc buôn bán.
Việc buôn mẫu vật của những loài này phải tuân theo những quy chế nghiêm ngặt để không tiếp tục đe doạ sự tồn tại của chúng và chỉ có thể thực hiện được trong những trường hợp ngoại lệ.
Trong khi đó, nằm ở mục II như Cao cát là những loài mặc dù hiện chưa bị đe doạ nghiêm trọng nhưng vẫn có nguy cơ tuyệt chủng nếu việc buôn bán các mẫu vật của loài này không tuân theo những quy chế nghiêm ngặt, nhằm tránh việc sử dụng không phù hợp với sự tồn tại của chúng.
Việc buôn bán mẫu vật liên quan đến chúng phải được kiểm soát hữu hiệu.
Cao cát bụng trắng hiện đang sinh sống chủ yếu ở Myanmar, Thái Lan, Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cao cát bụng trắng có ở hầu khắp các rừng rậm rạp từ Bắc chí Nam.
Chim Cao cát là loài động vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. (Ảnh: Du lịch Nha Trang)
Vì chưa phải là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Cao cát vẫn có thể được nuôi để làm cảnh và làm thịt nếu được cấp phép. Được biết, loài Cao cát khá dễ nuôi, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại trái cây rừng và cả các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái,...
"Hiện vẫn chưa rõ 2 con Cao cát mà người đàn ông chia sẻ trên facebook có nguồn gốc hoang dã hay được nuôi thương mại nên chưa thể kết luận được về hành vi này", anh Hưng cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, một con Cao cát cảnh có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.
Được biết, chiều 26/11, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước cũng đã vào cuộc xác minh sau khi nhận được phản ánh về sự việc trên.
Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nghiêm cấm những hành vi săn bắt, giết thịt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép hoặc tàng trữ, buôn bán trái phép đối với sản phẩm, bộ phận của các loài động vật hoang dã thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tùy theo mức độ, những hành vi đó có thể xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.