Phi công Mỹ Tommy Janis và trung sĩ tình báo người Colombia là Eduardo Cruz bị du kích FARC bắn chết. 3 người còn lại trở thành tù nhân. Gần 5 năm rưỡi sau, 3 người này mới được cứu thoát cùng 11 người khác. Chiến dịch giải cứu tuy thành công nhưng không kém phần tai tiếng…
Bị bắt
“Đó là buổi sáng ngày 13- 2-2003…”, Keith Stansell, thợ máy của chiếc Cessna nhớ lại những gì đã xảy đến với mình cùng các đồng đội: “Chúng tôi đang ở độ cao 1.500 mét trên không phận Colombia. Ngồi cạnh tôi là cơ trưởng Tommy Janis. Sau lưng tôi có 3 người gồm Tom Howes, cơ phó, Marc Gonsalves, sĩ quan SOCSOUTH và Eduardo Cruz, nhân viên tình báo Colombia. Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi những dấu hiệu bất thường dưới mặt đất vì khu vực này do FARC kiểm soát”.
Khoảng 11 giờ, ống xả của động cơ Pratt&Whitney công suất 675 mã lực bỗng nhả ra từng cuộn khói đen kịt kèm theo những tiếng nổ lụp bụp, nghe rõ từ bên trong máy bay. Giây lát, cơ trưởng Tommy Janis la lớn: “Mất tốc độ rồi. Gọi May đi”.
May là cách nói tắt của thuật ngữ hàng không “Mayday”, nghĩa là cấp cứu khẩn cấp. Lập tức, Keith Stansell vào tần số của trung tâm chỉ huy các chuyến bay trinh sát trên không phận Colombia: “Magic Worker. Đây là Mutt 01. Bạn có nghe thấy tôi không?".
Đầu bên kia im lặng. Keith Stansell thử gọi một lần nữa nhưng vẫn chẳng có ai phản hồi. Ông kể tiếp: “Điều này không tốt. Magic Worker chịu trách nhiệm về chúng tôi mà họ lại im lặng. Tôi chuyển sang tần số của nhóm công tác đặc biệt JIATF East thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đặt tại bang Florida. Vừa nghe tôi báo cáo sơ bộ tình hình, JIATF East hỏi: “Có bao nhiêu người trên đó?"
“Năm”, Keith Stansell trả lời rồi liệt kê từng tên họ: “Chúng tôi đang ở trên dãy núi Cordilleria Oriental, phía Nam Bogota và đang rơi xuống”. Phá vỡ những giao thức được quy định cho những nhiệm vụ đặc biệt, Keith Stansell nói thêm: “Hãy cho tất cả gia đình của chúng tôi biết là chúng tôi yêu họ”.
Từ trái qua: Gonsalves, Stansell và Howes sau khi được cứu thoát.
Mặt đất dưới chân chiếc Cessna dâng lên nhanh chóng. Cả 5 người trên máy bay siết lại dây an toàn. Cơ trưởng Tommy Janis nghiêng đầu sang hẳn một bên tìm chỗ hạ cánh khẩn cấp rồi ông kêu lên: “Tôi thấy một khoảng trống”. .
Dưới sự điều khiển của Tommy Janis, chiếc Cessna lướt xuống một thung lũng, hai bên là hai sườn núi lởm chởm những bụi cây mọc xen lẫn trong những kẽ đá. Giây lát, trước mặt họ là một mảnh đất rộng khoảng sân bóng đá. Giảm tốc độ về gần bằng 0, khóa van tiết lưu nhiên liệu, ngắt tất cả mọi nguồn điện, Tommy Janis cho chiếc máy bay tiếp đất trong tư thế nhảy chồm chồm bởi những hòn đá nằm rải rác.
Keith Stansell kể: “Tôi không biết chúng tôi trượt trong bao lâu nhưng khi không còn tiếng nổ động cơ nữa, tất cả chìm vào im lặng rồi sau đó là tiếng đạp vào cánh cửa. Quay lại, tôi thấy trung sĩ Cruz và Marc Gonsalves đang cố gắng chui ra . Bên cạnh tôi, cơ trưởng Tommy Janis thu thập giấy tờ và những thứ cần thiết dù mặt anh ấy dính đầy máu. Cả 5 người chúng tôi đều còn sống”.
Thoát ra khỏi máy bay, Keith Stansell nhận thấy vết thương của cơ trưởng Tommy Janis nặng hơn ông nghĩ. Một mảng da tuột khỏi má trái, treo lủng lẳng như cái mào của con gà tây. Chưa kịp băng bó cho Tommy Janis thì cả nhóm nghe từng tràng tiếng súng rồi tiếng Cruz hét lớn: “FARC, FARC”.
Không thể chạy đi đâu được nữa, tất cả ngồi im chờ đợi. Khoảng chừng 10 phút, một nhóm du kích FARC xuất hiện. Sau khi lục soát rồi xem xét giấy tờ cá nhân của từng người trên máy bay, tên chỉ huy toán FARC rút khẩu súng ngắn ra bắn vào đầu trung sĩ Cruz và cơ trưởng Tommy Janis. 3 người còn lại tay trói quặt sau lưng, đi theo nhóm FARC vào sâu trong núi. Chẳng ai nghĩ họ sẽ bị giam đến 1.967 ngày.
Trực thăng Mi-17 giả danh tìm kiếm cứu nạn đón những con tin.
Chiến dịch Jaque và những tai tiếng
Ngay sau khi chiếc Cessna bị rơi, Bộ Chỉ huy phương Nam SOCSOUTH, Mỹ, phối hợp với quân đội Colombia tung ra những cuộc hành quân giải cứu nhưng không tìm được bất kỳ một dấu vết gì của những người trên máy bay ngoại trừ xác của Tommy Janis, Cruz và xác máy bay.
Mãi đến tháng 7-2005, phía Colombia mới cài được một điệp viên trong hàng ngũ của FARC nhưng phải đến tháng 1-2008, điệp viên này mới lấy được thông tin về việc FARC đang giam giữ Stansell, Howes và Gonsalves. Chưa hết, điệp viên cho biết còn có thêm 11 người nữa cũng bị giam chung với họ, tất cả đều là quân đội, cảnh sát Colombia, người có cấp bậc cao nhất là trung úy.
Dựa trên báo cáo này, 5 đội biệt kích của SOCSOUTH và 10 đội biệt kích Colombia được tung vào cuộc tìm kiếm. Đến đầu tháng 2, một đội biệt kích Colombia chụp được ảnh tù nhân, trong đó có 3 người Mỹ đang tắm tại một con suối.
Do SOCSOUTH yêu cầu phải có ảnh để nhận dạng nên đã vô tình làm mất đi khoảng thời gian quý báu vì đội biệt kích Colombia phải di chuyển đến vùng an toàn, nơi trực thăng có thể hạ cánh để lấy cuộn phim. Đến lúc nhận dạng xong, 5 đội biệt kích của SOCSOUTH vào nơi giam giữ thì tù nhân đã được FARC chuyển đi nơi khác.
Đầu tháng 6, điệp viên nằm vùng gửi về thông tin mới, lần này nói rõ vị trí nơi ở của 14 tù nhân. Một sự trùng hợp tình cờ là thời điểm ấy, ông Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela đang tiến hành dàn xếp để FARC thả một số con tin như một hành động nhân đạo.
Theo ý kiến của ông Hugo Chavez, nếu FARC đồng ý phóng thích con tin, ông sẽ cử trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất cùng đội ngũ bác sĩ, y tá và phóng viên Đài Truyền hình Telesur đến đón.
Vậy là Chiến dịch Jaque ra đời dưới sự lãnh đạo của tướng Cleveland, chỉ huy SOCSOUTH. Chiến dịch này dựa trên sự lừa đảo bằng cách mạo danh Tổ chức phi chính phủ Sứ mệnh Nhân đạo quốc tế (Global Humanitaria), xâm nhập mạng lưới liên lạc của FARC rồi tung tin rằng Venezuela sẽ thực hiện một video “tuyên truyền cho chính nghĩa của FARC”.
Việc tuyên truyền được thể hiện bằng cách ngoài số con tin mà FARC dự định phóng thích, Global Humanitaria (giả) đề nghị họ cũng nên cho trình diện trước ống kính những con tin khác, đặc biệt là các con tin người Mỹ với sự chứng kiến của Alfonso Cano, Tư lệnh FARC. Như vậy thế giới sẽ nhận ra rằng FARC không phải là một tổ chức khủng bố, mà là một lực lượng đang “đấu tranh cho nền dân chủ ở Colombia”.
Một nhóm du kích FARC dõi theo chiếc trực thăng chở Ramírez, chỉ huy của họ.
Kế hoạch lừa đảo thành công ngoài dự kiến. Gerardo Aguilar Ramírez, chỉ huy của FARC ở tỉnh Guaviare, nơi giam giữ con tin không những chỉ thông báo cho Global Humanitaria (giả) số người sẽ được phóng thích, tất cả đều là thường dân mà Ramírez còn cho biết ngày giờ, địa điểm sẽ diễn ra sự trình diện của 14 con tin gồm 3 gián điệp Mỹ, 11 sĩ quan, nhân viên tình báo Colombia.
Chưa hết, theo gợi ý của Global Humanitaria, Ramírez còn đồng ý đi theo trực thăng đến một địa điểm bí mật ở biên giới Venezuela để gặp thủ lĩnh FARC là Alfonso Cano, nơi sẽ diễn ra lễ phóng thích.
Cái bẫy giăng ra quá hoàn hảo. Con mồi xem ra đã vào lưới. Và thế là bộ máy điều hành Chiến dịch Jaque bắt tay vào hành động. Bằng cách lấy 1 trực thăng Mi-17 của không quân Colombia rồi sơn lại thành 2 màu trắng đỏ, phù hợp với quy định quốc tế về tìm kiếm cứu nạn.
Nó không chỉ giống với chiếc trực thăng của Venezuela vẫn đang sử dụng trong công tác bảo đảm an toàn ở các mỏ khai thác dầu khí mà tất cả thành viên tham gia giải cứu trong vai bác sĩ, y tá, phóng viên truyền hình đều phải biết nói tiếng Tây Ban Nha và có vẻ ngoài giống như người Venezuela.
11 giờ trưa ngày 2-7-2008, chiếc Mi-17 hạ cánh xuống một khoảng đất trống dọc theo con theo sông Apaporis, thuộc tỉnh Guaviare, Colombia, sau khi đã lượn vòng để những biệt kích trên máy bay xác định địa hình và lực lượng FARC bên dưới nhằm có phản ứng kịp thời nếu vụ lừa đảo thất bại. Trong lúc trên trời, một máy bay không người lái Mỹ liên tục theo dõi họ.
Khi cánh quạt trực thăng chưa ngừng hẳn, nhóm phóng viên gồm 3 người xuống trước với máy quay phim, micro thu âm còn nhóm bác sĩ, y tá 9 người theo sau với túi đồ nghề.
Tất cả đều mặc áo khoác có in hình lãnh tụ du kích Cuba Che Guevara và dấu Chữ thập đỏ nhưng bên trong áo là những khẩu tiểu liên UZI chỉ dài 45cm. Rất nhanh chóng, Gerardo Aguilar Ramírez xuất hiện cùng một cận vệ. Cả hai đều đeo súng ngắn. Sau vài câu chào hỏi, ông ta quay lại phía bìa rừng, vẫy tay.
Giây lát, 15 con tin xuất hiện dưới sự áp tải của 4 du kích FARC, trong đó có 3 người Mỹ. Tất cả đều bị trói nên các “bác sĩ, y tá” phải đỡ họ lên máy bay. Sau này Keith Stansell, thợ máy của chiếc Cessna Caravan kể lại: “Tất cả chúng tôi bị lùa đi vào sáng sớm ngày 2-7. Sau khi qua sông bằng thuyền, chúng tôi được cho biết là sẽ đến nơi ở mới. Không ai nghĩ rằng chỉ vài phút nữa, mình sẽ được tự do”.
Khi trực thăng chuẩn bị cất cánh, một “bác sĩ” đề nghị Ramírez cùng gã cận vệ bỏ súng vào một cái túi cho an toàn. Lúc đã lên cao, các biệt kích nhìn xuống thì mới thấy từ trong rừng, hơn 60 tay súng FARC chạy ra bãi đất trống, đưa tay chào tạm biệt.
Một vài người vẫy tay chào lại còn Ramírez và vệ sĩ của ông ta nhanh chóng bị chụp một cái túi màu đen vào đầu, hai tay bị còng. 3 tù nhân người Mỹ và 11 người Colombia được tự do sau 1.967 ngày giam cầm còn người thứ 15 là cựu ứng cử viên Tổng thống Colombia Ingrid Betancourt.
Vụ giải thoát con tin được cho là “thành công vượt bậc” của SOCSOUTH và của quân đội Colombia nhưng nó để lại nhiều tai tiếng. Tất cả mọi ý kiến công kích đều cho rằng Mỹ và quân đội Colombia đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva khi sử dụng máy bay dưới vỏ bọc tìm kiếm cứu nạn để tiến hành nhiệm vụ quân sự.
Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng lên tiếng phản đối việc sử dụng biểu tượng của hội trong việc đánh lừa FARC thay vì giải quyết bằng biện pháp phi bạo lực. Chưa hết, Hội Chữ thập đỏ còn cho biết quân đội Colombia đã chuẩn bị 39 máy bay trực thăng CH-47 để vận chuyển 1.000 quân cùng các cố vấn Mỹ.Tất cả sẽ có mặt tại nơi đón tiếp con tin trong vòng chưa đầy 15 phút nếu việc đánh lừa FARC thất bại và chắc chắn đổ máu sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, Tổ chức phi chính phủ Global Humanitaria - Sứ mệnh Nhân đạo quốc tế - còn cáo buộc quân đội Colombia đã tạo ra trang web giả mạo cũng như sử dụng số đăng ký của họ nhằm đánh lừa FARC. Ông Cinta Pluma, Giám đốc Global Humanitaria khẳng định Global Humanitaria chưa hề có bất kỳ một liên hệ nào với Chiến dịch Jaque cũng như FARC.
Đáp lại những công kích này, cả SOCSOUTH lẫn quân đội Colombia đều im lặng. Tháng 2-2009, Gerardo Aguilar Ramírez, chỉ huy FARC ở tỉnh Guaviarel bị Tòa án tối cao Colombia cho phép dẫn độ về Mỹ với các tội danh đổi ma túy lấy súng đạn, buôn lậu 1.000kg cocain vào Mỹ, âm mưu viện trợ, hỗ trợ vật chất cho tổ chức khủng bố FARC và bị kết án 27 năm tù.