Cái đàn ông cần cứu rỗi, oái ăm thay, chính là hệ quả của những tôn vinh mà họ được nhận. Tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Nghe có quen không hả đàn bà?
Mỗi khi làm đào tạo cho các công ty vào đúng tháng 11, tôi thường dán lên mép một cái ria giả và nói về chính sách bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi không cạo râu trong tháng 11 để tuyên truyền về những vấn đề sức khoẻ mà đàn ông đang gánh chịu.
Hai phần ba các cuộc tự sát là đàn ông, chỉ một phần mười nạn nhân các cuộc hãm hiếp đàn ông dám lên tiếng. Ở châu Âu thì gần như 80% quyền nuôi con thuộc về mẹ. Đàn ông bị phân biệt đối xử một cách vô thức trong các công việc mặc định là phụ nữ giỏi hơn như nhân sự, giáo dục, y tế, nghệ thuật và đàm phán.
Cái giá phải trả cho việc trở thành Đàn ông đích thực là những thương tổn tâm lý không có đường giải thoát. Sống thế khác gì biến đời mình thành cái nồi áp suất? (Ảnh minh họa)
Việc "đặt đàn ông lên bàn thờ" cũng tác hại hệt như việc tôn vinh phụ nữ một cách mù quáng. Mặt trái của việc được ca ngợi là Hiền Thục, là phụ nữ hiểu mình phải cúi đầu gọi dạ bảo vâng. Mặt trái của tấm bằng khen Đảm Đang là trách nhiệm làm việc đến kiệt sức mà không dám ca thán. Mặt trái của chiếc vương miện Hy Sinh là áp lực cắt thịt mình nấu cho người khác rung đùi ngồi hưởng.
Đàn ông cũng vậy. Ca ngợi sự mạnh mẽ tức là khuyến khích đàn ông phải sống như là vô cảm, là gián tiếp bắt đàn ông phải gồng mình quá cả sức chịu đựng, là nước mắt chỉ được lặn vào trong, là uẩn ức đau thương nhưng sống vẫn phải lạnh lùng, là buồn và thất vọng không được sẻ chia, là đến cả khi tuyệt vọng cũng không được dễ dàng tìm nơi nương tựa.
Điều này góp phần lý giải phần lớn các nạn nhân của rượu, chất kích thích và tự sát là đàn ông. Ca ngợi đàn ông như một trụ cột gia đình cũng vậy. Khi trách nhiệm cá nhân trở thành trách nhiệm giới tính, đàn ông phải vác một gánh nặng tài chính không thể chối từ hoặc yêu cầu san sẻ.
Niềm tự hào là trụ cột gia đình trở thành con dao hai lưỡi khi đàn ông há miệng mắc quai. Đã chót đeo vào cổ tấm huy chương "trụ cột" thì phải trở thành một cỗ máy kiếm tiền, kiệt sức cũng phải kiếm tiền, không đam mê cũng phải kiếm tiền, từ bỏ ước mơ cũng vì đồng tiền, quỵ luỵ nhục nhã có khi cũng chỉ vì phải mang tiền về nhà, bởi vì mình đã trót là trụ cột.
Việc quá tôn vinh đàn ông cũng tác hại hệt như việc tôn vinh phụ nữ một cách mù quáng (Ảnh minh họa)
Đã trót đội lên đầu vầng hào quang "trụ cột" cũng tức là đeo vào vai cái gông cùm của hai chữ "danh dự". Nó làm đàn ông dễ vỡ như một vết thương mới lên da non, động cái là chảy máu.
Vợ làm ra tiền bằng mình nên khó nghĩ. Vợ làm ra tiền nhiều hơn mình nê khó chịu. Vợ thăng tiến nhanh hơn mình nên thấy tổn thương. Thấy đàn bà giỏi hơn mình nên sợ dè bỉu. Thấy thằng khác giỏi hơn mình nên thấy ghét rồi hoang mang. Thấy thiên hạ giỏi hơn mình nên thấy thất vọng rồi lạc lối.
Trong cái vòng xoáy luẩn quẩn của gôm cùm trụ cột, đàn ông thường lao vào cuộc chinh chiến để chiến thắng với người khác chứ không phải chiến thắng chính-bản-thân mình.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Điều dở nhất chúng ta có thể làm là, như một bài báo tôi tình cờ đọc được, kêu gọi phụ nữ hãy dịu dàng hơn nữa, hãy tâm lý hơn nữa, hãy biết lắng nghe hơn nữa, hãy nhịn nhục hơn nữa, vì đàn ông thực ra đáng thương và mong manh lắm.
Thật là một giải pháp lạ lùng, vì nó có khác gì cho người bị bệnh đái tháo đường ăn đường thay cơm, cho người béo phì húp mỡ thay nước? Gánh nặng gông cùm của Hy Sinh không được hoá giải bằng việc đã hy sinh rồi thì hy sinh thêm (!).
Gánh nặng gông cùm của áp lực phải trở thành một kẻ kiếm tiền mạnh mẽ không được hoá giải bằng việc lau cái trụ cột sạch bong, sạch hơn cả ngày xưa, rồi tiếp tục để nó gánh tránh nhiệm là cột trụ.
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tự xoá bỏ gông cùm cho nhau. Đừng hy vọng quá nhiều thì sẽ không bao giờ thất vọng quá lớn (Ảnh minh họa)
Đừng vẽ lên hy vọng một ông chồng lý tưởng là kẻ chu cấp tài chính, cũng đừng mất công mong cô vợ tương lai sẽ như một ô sin chỉ biết chăm con chăm nhà. Đừng coi bạn trai như vệ sĩ, cũng đừng coi bạn gái như một kẻ yếu ớt lúc nào cũng cần bảo vệ.
Đừng mong đàn ông lúc nào cũng trơ gan cùng tuế nguyệt, cứng như đá vững như đồng, cũng đừng mong phụ nữ phải liễu yếu đào tơ, dịu dàng, ngoan ngoãn.
Thế đi. Vì chỉ có thế thì chúng ta mới có cơ hội tìm cho đời mình một nét vẽ mới, khám phá một góc cạnh mới, dựng xây nên một cá tính mới.
Nếu không coi chồng là kẻ chu cấp tài chính, vợ sẽ có cơ hội thấy mình trở thành doanh nhân, chồng tìm được niềm vui tưởng như không bao giờ tồn tại trong việc chăm sóc con cái.
Đừng vẽ lên hy vọng một ông chồng lý tưởng là kẻ chu cấp tài chính, cũng đừng mất công mong cô vợ tương lai sẽ như một ô sin chỉ biết chăm con chăm nhà (Ảnh minh họa)
Nếu không bắt bạn trai phải mạnh mẽ, bạn gái sẽ có cơ hội thấy mình quyền lực, quyết đoán, bạn trai sẽ có cơ hội được chạm vào phần phức cảm rất người, rất thật, rất chân thành, không cần gian dối của thế giới cảm xúc.
Một khi còn thốt ra được câu "đàn ông con trai gì mà..." hay "đàn bà con gái sao lại...." thì tức là bạn đang là nạn nhân của định kiến xã hội. Phán xét kẻ khác đồng nghĩa với việc mình cũng sẽ bị người đời phán xét. Nhận một lời khen giới tính cũng là quàng vào cổ thêm một cái gông.
Dây trói của người này cũng là xích xiềng với kẻ khác. Dù dây trói ấy nạm kim cương và xích xiềng ấy làm bằng vàng mười, dây trói và xích xiềng muôn đời chỉ có một nghĩa vụ: Giết chết tự do.