16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21

Jung Bé |

Thế mới biết, không phải giải thưởng nào cũng gọi được tên người xứng đáng nhất.

1. Nam phụ xuất sắc nhất: Benicio Del Toro (Traffic)

Chiến thắng xứng đáng: Joanquin Phoenix (Gladiator)

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 1.

Tại lễ trao giải Oscar năm 2001, nam diễn viên người Puerto Rico, Benicio Del Toro đã giành được giải "Nam phụ xuất sắc nhất" cho vai diễn trong phim "Traffic". Điều đáng nói là cũng trong phim này, anh đã giành được giải tại SAGs (Lễ trao giải của Hiệp hội diễn viên điện ảnh Mỹ) cho "Nam chính xuất sắc nhất". 

Chính vì những tiêu chí không trùng khớp của Oscar và SAGs năm 2001, người ta cho rằng mà giải "Nam phụ xuất sắc" tại Oscar năm đó nên thuộc về nam diễn viên người Mỹ Joanquin Phoenix cho vai diễn Commodus trong phim "Gladiator".

2. Kịch bản gốc hay nhất: "Gosford Park"

Chiến thắng xứng đáng: "Memento" 

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 2.

Nhiều người tiếc nuối cho bộ phim "Memento" của đạo diễn Christopher Nolan khi phim này không thể giành giải "Kịch bản gốc hay nhất" tại Oscar 2002. So với "Memento", một tác phẩm với lối kể chuyện "giật lùi" độc đáo, thì kịch bản "Gosford Park" dường như kém hấp dẫn hơn. 

Cách bố trí những đoạn hồi ức, nhận thức, đau buồn, tự lừa dối, và sự trả thù trong "Memento" khiến bộ phim trở nên thu hút kỳ lạ. "Memento" luôn nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất của thập niên 2000. 

Trong khi đó, bộ phim bí ẩn "Gosford Park" do biên kịch Julian Fellowes chắp bút lại có nội dung đơn giản hơn kể về một vụ giết người sau đêm tiệc của giới thượng lưu.

3. Phim hay nhất: Chicago

Chiến thắng xứng đáng: Lord Of The Rings The Two Towers

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Đầu những năm 2000, phim nhạc kịch bất ngờ trở thành xu thế và điều này góp phần đem đến 6 giải Oscar cho "Chicago". Tuy nhiên, cho đến nay đây vẫn là một trong những phim giành giải Oscar gây thất vọng nhất lịch sử. Không nhiều người, kể cả những người yêu nhạc kịch nhắc tới bộ phim này trong một thập kỷ qua.

Đáng lẽ ra, "Lord of The Rings: The Two Tower" mới là cái tên được xướng lên cho giải thưởng danh giá này.

4. Nam chính xuất sắc: Sean Penn (Mystic River)

Chiến thắng xứng đáng: Bill Murray (Lost In Translation)


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 4.

Không phải là vai diễn của Sean Penn trong "Mystic River" không hay, nhưng so với Bill Murray và những gì ông thể hiện trong "Lost In Translation" là một khoảng cách vô cùng khác biệt. 

Nhân vật Bob Harris do Bill Murray thủ vai đã lột tả được cái chất cô đơn lạc lõng đến ngột thở trong "Lost In Translation". Dù nhân vật này rất kiệm lời và lặng lẽ, nhưng chỉ qua những lời nói thầm, những lần thở dài hay ánh mắt chán chường mệt mỏi, khán giả cảm nhận được nỗi buồn của những kẻ lạc lõng tại Tokyo. 

Cho đến bây giờ, khán giả vẫn nuối tiếc về giải Oscar mà Bill Murray đã để lỡ vào tay Sean Penn tại Oscar 2004.

5. Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất: Spider-Man 2

Chiến thắng xứng đáng: I, Robot


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 5.

"Spider-Man 2" mặc dù được khen ngợi về kỹ xảo hoành tráng nhưng so với "I, Robot", một số người vẫn cảm thấy bom tấn về người nhện chưa thực sự xứng đáng. 

Trong "I, Robot", khán giả sẽ thấy phim kết hợp tốt các yếu tố viễn tưởng, hình sự và hành động, mà vẫn đảm bảo được chiều sâu cốt truyện. Tác phẩm thực sự đã làm người xem mãn nhãn và hoàn toàn hài lòng với cách xây dựng các công trình, xe cộ.., cho đến những kỹ thuật công nghệ tiên tiến…đều rất đẹp mắt và tinh vi. 

6. Phim hoạt hình hay nhất: Wallace And Gromit: Curse Of The Were-Rabbit

Chiến thắng xứng đáng: Corpse Bride

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 6.

Rất nhiều người công nhận rằng, bộ phim hoạt hình gothic "Corpse Bride" của Tim Burton và Mike Johnson có chiều sâu, sức hấp dẫn, kịch tính và nhân văn hơn hẳn tác phẩm nói về một con quái vật thèm rau "Wallace And Gromit: Curse Of The Were-Rabbit". 

7. Phim nước ngoài hay nhất: The Lives Of Others

Chiến thắng xứng đáng: Pan's Labyrinth

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 7.

Có lẽ vì mang đề tài và thông điệp đậm chất xã hội, "The Lives Of Others" đã giành giải Oscar phim  năm 2007. Phim đã thu về hơn 77 triệu USD trên toàn thế giới kể đến tháng 11 năm 2007, khai thác đề tài điệp báo ở Đông Đức, đến khi bức tường Berlin sụp đổ. Phim do Florian Henckel đạo diễn. 

Trong khi đó, "Pan's Labyrinth" lại là một câu chuyện hiện đại kết hợp viễn tưởng hết sức thú vị. Dù không mang lại những giá trị như phim về chính trị xã hội, "Pan's Labyrinth" vẫn có chỗ đứng riêng bởi nó như là khúc ca của người lớn, những người luôn mơ về cổ tích giữa hiện thực trần trụi.

8. Biên tập âm thanh xuất sắc nhất: The Bourne Ultimatum

Chiến thắng xứng đáng: No Country For Old Men

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 8.

Tại Oscar năm 2008, bộ phim về điệp viên "The Bourne Ultimatum" chiến thắng 3 giải "Hòa âm hay nhất", "biên tập âm thanh hay nhất" và "biên tập phim xuất sắc nhất". Thế nhưng khi nói đến âm thanh, người ta vẫn nhớ đến tác phẩm hình sự độc đáo "No Country For Old Men". 

Trong "No Country For Old Men", hai anh em đạo diễn Joel và Ethan Coen đã xuất sắc tạo nên một không khí lặng lẽ bao trùm, ít âm nhạc nhưng lại khiến khán giả sởn gai ốc vì hồi hộp đến thót tim, nghẹt thở.

9. Kịch bản gốc hay nhất: Milk

Chiến thắng xứng đáng: In Bruges


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 9.

Nếu so sánh giữa kịch bản của "Milk", một bộ phim về chính trị gia đồng tính, với "In Bruges", nhiều khán giả sẽ lựa chọn tác phẩm bạo lực và đầy kịch tính kia hơn. Nỗi thất vọng lớn nhất tại Oscar 2009 có lẽ chính là việc "In Bruges" không nhận giành được giải "Kịch bản gốc hay nhất".

10. Phim hay nhất: The Hurt Locker

Chiến thắng xứng đáng: Inglourious Basterds

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 10.

Nếu bỏ qua bom tấn "Avatar" năm đó, thì cuộc đụng độ của hai bộ phim cùng nói về chiến tranh là "The Hurt Locker" và "Inglourious Basterds" rất hấp dẫn.

Chắc chắn không nhiều người ngạc nhiên rằng "The Hurt Locker" đã đoạt giải Oscar cho phim hay nhất bởi nó rất phù hợp với không khí chính trị Mỹ vào thời điểm đó. Nhưng liệu nó có xứng đáng hay không là một vấn đề khác.

Trong khi "The Hurtk Locker" nói về hiện thực khốc liệt và "cơn nghiện" chiến tranh của lính Mỹ tại Iraq, thì "Inglourious Basterds" lại nghiêng về sự lãng mạn, hài hước của những người lính Đức quốc xã. Khán giả cho rằng, "The Hurt Locker" giống một bộ phim tài liệu và thiếu đi cái gọi là "vị nghệ thuật".

11. Đạo diễn xuất sắc: Tom Hooper,  The King's Speech

Chiến thắng xứng đáng: Darren Aronofsky, Black Swan


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 11.

Có một điều ai cũng công nhận rằng "The King's Speech" thành công phần lớn nhờ diễn viên xuất sắc, còn về đạo diễn thì chưa hẳn. Để tìm một ứng cử viên xứng đáng hơn, chúng ta có Darren Aronofsky, đạo diễn tài ba của "Black Swan".

Với cách kể chuyện bằng hình ảnh đầy tinh tế trong "Black Swan", Darren Aronofsky đem tới một góc nhìn mới về sự hoàn hảo, về tấn bi kịch của nghệ thuật và cả vẻ đẹp của "Hồ thiên nga". 

Tại lễ trao giải Oscar năm 2011, người ta dường như tin chắc đạo diễn Darren Aronofsky sẽ có được tượng Vàng cho "Đạo diễn xuất sắc". Thế nhưng ông đã bị bỏ lỡ một cách đầy đáng tiếc. 

12. Nam phụ xuất sắc nhất: Christopher Plummer (Beginners)

Chiến thắng xứng đáng: Jonah Hill (Moneyball)


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 12.

So với diễn viên gạo cội Christopher Plummer, thì "chàng béo" Jonah Hill trong "Money Ball" được kỳ vọng sẽ thắng giải "Nam phụ xuất sắc" tại Oscar 2012. Phim "Money Ball" đưa đến cho khán giả cái nhìn mới về thể thao, và diễn xuất hài hước dí dỏm của Jonah Hill chứng minh được anh thực sự có tiềm năng. 

13. Nữ phụ xuất sắc nhất - Anne Hathaway  (Les Misérables)

Chiến thắng xứng đáng: Amy Adams (The Master)


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 13.

Mặc dù Anne Hathaway có nhiều lời khen ngợi cho vai diễn "nàng Fantine khốn khổ" trong "Les Miserables", thế nhưng chiến thắng của cô không được lòng công chúng, Mọi thứ trong bài bài phát biểu của nữ diễn viên tại Oscar 2013 được cho là quá cứng nhắc và không có cảm xúc thật, như thể cô đã biết trước mình được giải.

Trong khi đó, người hâm mộ đã hi vọng chiến thắng thuộc về Amy Adams với vai diễn sâu sắc trong "The Master". Cho đến nay, việc Amy Adams để lỡ Oscar năm đó vẫn còn được nhắc tới đầy tiếc nuối. Cô xứng đáng được công nhận cho những nỗ lực của mình.

14. Phim tài liệu xuất sắc: "20 Feet From Stardom"

Chiến thắng xứng đáng: The Act Of Killing

16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 14.

hn"20 Feet From Stardom" không hẳn là tệ, nhưng việc nó đánh bại "The Act Of Killing", một trong những phim tài liệu xuất sắc nhất thập kỷ qua là điều vô cùng khó hiểu. 

Trong "The Act Of Killing", đạo diễn Joshua Oppenheimer tiếp cận đối tượng theo kiểu khác, anh vờ vui vẻ, anh khiến mấy tên giết người cảm thấy như mình đang đóng phim tiểu sử cho Hollywood. Thế là chúng thật thà… khai hết, diễn lại hết. Từ đó người xem chứng kiến được tội ác một cách chân thật nhất, sống động nhất.

15. Nam chính xuất sắc:  Eddie Redmayne (The Theory Of Everything)

Chiến thắng xứng đáng: Michael Keaton (Birdman)


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 15.

Sự tái xuất của Michael Keaton trong "Birdman" xuất sắc đến mức cây bình phim - Peter Dubruge của tờ Variety - phải thốt lên rằng "đây thực sự là sự tái xuất thế kỷ". Mặc dù "Birdman" thắng lớn ở Oscar 2015, thế nhưng khán giả vẫn chưa thỏa mãn vì sự bỏ lỡ của Michael Keaton cho danh hiệu "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất".

16. Phim hoạt hình xuất sắc: Inside Out

Chiến thắng xứng đáng: Anomalisa


16 tượng Vàng Oscar gây tranh cãi nhất thế kỷ 21 - Ảnh 16.

"Inside Out" thực sự là một bộ phim hoạt hình thành công về thương mại. Phim hay, đầy cảm xúc về con người, gia đình, tuổi thơ. Mặc dù vậy, "Anomalisa" cũng xứng đáng cho tượng Vàng Oscar 2016 theo một cách riêng. 

Với một dàn diễn viên lồng tiếng chỉ có ba người, David Thewlis và Jennifer Jason Leigh đảm nhận hai nhân vật chính và Tom Noonan lồng tiếng cho vai phụ, "Anomalisa" vẫn khiến khản giả xúc động bởi nó là một trong những phim tuyệt đẹp, hấp dẫn, tình cảm nhất mà bạn từng xem. Đơn giản bởi nó đến từ Charlie Kaufman, nhà biên kịch, đạo diễn độc đáo bậc nhất của nền điện ảnh nước Mỹ đương đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại