16 triệu USD và Mỹ chỉ diệt được 36 lính IS, sứ mệnh chính trị của "Bom mẹ" thực ra là gì?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Vụ thả "bom mẹ" xuống Afghanistan là bằng chứng mới về chủ ý của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì không thể không nghĩ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và quan trọng khi lần đầu tiên Mỹ sử dụng loại bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất ở Afghanistan.

Loại bom này được Mỹ chế tạo ra năm 2003 nhằm mục đích công phá những hệ thống hầm ngầm kiên cố ở Iraq. Nó có tên gọi là Massive Ordnance Air Blast, MOAB. Từ tên tắt này mà nó có biệt danh Mother of All Bombs, tạm dịch là Mẹ của các loại bom.

Năm 2007, Nga chế tạo ra loại bom có sức công phá còn cao hơn MOAB của Mỹ gấp mấy lần và vì thế được gắn cho biệt danh "Cha của các loại bom", tên gọi trong tiếng Anh là Aviation Thermobaric Bomb of Increased Power, ATBIP.

16 triệu USD và Mỹ chỉ diệt được 36 lính IS, sứ mệnh chính trị của Bom mẹ thực ra là gì? - Ảnh 1.

Bom MOAB của Mỹ (trái) và ATBIP của Nga (phải).

Nga chưa từng sử dụng ATBIP và Mỹ vừa rồi lần đầu tiên sử dụng MOAB ở Afghanistan. Nhưng nhìn vào kết quả trên thực tế thì thiên hạ lại buộc phải đặt ra không ít câu hỏi về mục đích và ý đồ của Mỹ với việc ném quả bom đặc biệt này xuống Afghanistan. Một quả MOAB có giá về chi phí sản xuất gần 16 triệu USD và Mỹ hiện chỉ có cả thảy 20 quả.

Theo thông báo chính thức của chính phủ Afghanistan thì vụ thả bom hôm 13/4 làm cho 36 thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan bị thiệt mạng. Theo số liệu của Mỹ, IS hiện có khoảng từ 3000 đến 5000 chiến binh ở Afghanistan.

Cứ tiếp tục chiến lược và chiến thuật truy sát IS như thế này thì không hiểu Mỹ sẽ còn phải sản xuất ra thêm bao nhiêu quả bom MOAB nữa thì mới xoá sổ được IS ở Afghanistan? Ấy là còn chưa tính đến điều là thông tin của chính phủ Afghanistan về "thành tích của MOAB" hoàn toàn chưa được kiểm chứng.

16 triệu USD và Mỹ chỉ diệt được 36 lính IS, sứ mệnh chính trị của Bom mẹ thực ra là gì? - Ảnh 2.

Qua đó có thể dễ dàng nhận ra được ngay là sức công phá khủng khiếp của MOAB không có giá trị đáng kể về quân sự mà nó đã thực hiện sứ mệnh chính trị cho chính quyền mới ở Mỹ không chỉ ở Afghanistan mà còn ở cả một vài nơi nữa trên thế giới.

16 triệu USD và Mỹ chỉ diệt được 36 lính IS, sứ mệnh chính trị của Bom mẹ thực ra là gì? - Ảnh 3.

Mỹ phòng tên lửa Tomahawk vào Syria.

Thời điểm quả bom này được sử dụng không phải ngẫu nhiên. Ngay trước đó, 59 quả tên lửa Tomahawk đã được phóng nhằm vào một căn cứ không quân của quân đội chính phủ ở Syria.

Khi MOAB được ném xuống Afghanistan thì Nga đang cùng với 14 quốc gia khác thương thảo về tương lai chính trị cho Afghanistan tại một hội nghị tổ chức ở thủ đô Moscow của Nga mà Mỹ không tham gia cho dù được mời.

Một lực lượng hùng hậu hải quân Mỹ đang kéo về khu vực Đông Bắc Á để bài binh bố trận đối phó với khả năng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, với nhiều quả quyết của phía Mỹ là nếu Bình Nhưỡng lại thử hạt nhân thì Mỹ sẽ hành động quân sự chứ không buông xuôi như lần trước.

Đó là trong trường hợp Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân, chứ Mỹ không "doạ trước" là sẽ hành động như thế nào nếu Bình Nhưỡng chỉ lại phóng tên lửa.

Xem ra, sứ mệnh chính trị của quả "Bom mẹ" này là góp phần thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ và sự sẵn sàng của Mỹ sử dụng mọi tiềm lực quân sự hiện có ở mọi nơi trên thế giới.

Chẳng phải cái gì cũng đều là lần đầu tiên hay sao: Lần đầu tiên dùng tên lửa Tomahawk tấn công Syria khi nguyên cớ thật sự của vụ việc chưa được làm rõ, lần đầu tiên sử dụng MOAB khi về quân sự hoàn toàn không cần đến nó, lần đầu tiên dàn binh sẵn sàng chiến tranh ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

16 triệu USD và Mỹ chỉ diệt được 36 lính IS, sứ mệnh chính trị của Bom mẹ thực ra là gì? - Ảnh 4.

Nó là bằng chứng mới về chủ ý của tân tổng thống Donald Trump sử dụng vũ lực quân sự của Mỹ để thực hiện mục tiêu ở bên ngoài nước Mỹ.

Nó giúp ông Trump khẳng định quyết tâm chống IS đến cùng nhưng đồng thời cũng còn cản phá Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều quốc gia khác đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp khởi động được tiến trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan.

Mỹ sử dụng chiêu thức này để thể hiện rằng Washington vẫn nắm giữ vai trò quyết định ở Afghanistan và gián tiếp "dằn mặt" những ai đang ngả về phía Nga, Trung Quốc, Iran và Pakistan trong cuộc chơi về ảnh hưởng đối với Afghanistan trong tương lai.

Sứ mệnh của "Bom mẹ" còn là hậu thuẫn về chính trị và tâm lý cho sự phô trương sức mạnh quân sự ở khu vực Đông Bắc Á, ẩn chứa trong đó đương nhiên có cả thông điệp răn đe và cảnh báo Triều Tiên.

Đối với Mỹ, bỏ ra gần 16 triệu USD để có được tác động chính trị như thế thật ra còn rẻ hơn nhiều số tiền phải bỏ ra cho 59 quả Tomahowk tấn công Syria mà tác động cả quân sự lẫn chính trị thu về lại chỉ hạn chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại