Ảnh minh họa: Getty Images
Tổ chức từ thiện chống đói nghèo Oxfam vừa tiết lộ rằng những người giàu nhất thế giới đang gây ra lượng khí thải carbon khổng lồ và không bền vững. Và không giống như những người bình thường, 50 - 70% nguồn ô nhiễm của họ là do các khoản đầu tư của chính họ.
Theo báo cáo được công bố hôm 7/11, trung bình mỗi người trong số 125 tỷ phú giàu nhất thế giới thải ra 3 triệu tấn khí carbon hàng năm, nhiều gấp trên một triệu lần mức trung bình đối với một người thuộc nhóm 90% ít giàu có hơn còn lại.
Các tỷ phú này có tổng cổ phần trị giá 2,4 nghìn tỷ USD trong 183 công ty.
Nghiên cứu trên lưu ý rằng con số ô nhiễm thực tế có thể còn cao hơn vì dữ liệu hiện có về lượng khí thải carbon của doanh nghiệp đã được chứng minh là thấp hơn tác động thực sự. Những tỷ phú và doanh nghiệp không công khai lượng khí thải của họ có khả năng là những người có “dấu chân carbon” cao.
Dấu chân carbon được định nghĩa là lượng khí nhà kính thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con ngườ, tổ chức, sự kiện, hoặc quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Bà Nafkote Dabi, Trưởng nhóm Biến đổi Khí hậu tại Oxfam cho biết: “Những tỷ phú này có lượng phát thải đầu tư bằng với dấu chân carbon của toàn bộ các quốc gia như Pháp, Ai Cập hoặc Argentina”.
Theo bà Dabi, lượng khí thải từ lối sống xa hoa của các tỷ phú, tính cả máy bay phản lực và du thuyền riêng của họ, nhiều gấp hàng nghìn lần so với người bình thường. Tuy nhiên, lượng khí thải carbon từ các khoản đầu tư của họ còn cao gấp một triệu lần.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 125 tỷ phú này trung bình đầu tư 14% vào các ngành gây ô nhiễm như năng lượng và vật liệu như xi măng. Con số này cao gấp đôi mức trung bình đối với các khoản đầu tư vào 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ (S&P 500). Oxfam cho biết chỉ có một tỷ phú trong số trên đã đầu tư vào một công ty năng lượng tái tạo.
Bà Nafkote Dabi tin rằng cần đánh thuế giới siêu giàu cần bị đánh thuế và kiểm soát các khoản đầu tư gây ô nhiễm.