Báo chí Mỹ đưa tin, trước thời điểm khả năng vỡ nợ có thể xảy ra 11 ngày, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, sẽ gặp trực tiếp tại Nhà Trắng để nối lại các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề trần nợ công.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông McCarthy nói ông và Tổng thống Biden đã có cuộc thảo luận khả quan qua điện thoại vào ngày Chủ nhật. Người phát ngôn của Nhà Trắng xác nhận với NBC News rằng cuộc gặp giữa hai bên sẽ diễn trong ngày 22/5 nhưng chưa xác định cụ thể về thời gian.
Còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày 1/6, thời điểm Bộ Tài chính cảnh báo chính phủ liên bang có thể không trả được tất cả các khoản nợ.
Ngày 21/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh "hạn chót" để nâng trần nợ công vẫn là ngày 1/6, khi khả năng chính quyền nước này có thể cầm cự tới ngày 15/6 là rất thấp, với nhiều hóa đơn tới hạn thanh toán.
Bà Yellen cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.
Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng gay gắt về trần nợ. Đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden cần nhất trí cắt giảm mạnh ngân sách để nhận được sự ủng hộ cho việc nâng trần nợ trước khi Mỹ không còn khả năng thanh toán các hóa đơn, trong khi đảng Dân chủ kêu gọi nâng trần nợ không điều kiện, cáo buộc đảng Cộng hòa gây sức ép để thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình trước hạn chót, thời điểm Mỹ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Kết quả là, các cuộc thảo luận hết lần này đến lần khác trên Đồi Capitol trở nên căng thẳng.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Nhật Bản, Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Giờ là lúc để phía bên kia (đảng Cộng hòa) từ bỏ lập trường quá mức của họ, bởi phần lớn những gì họ đã đề xuất đơn giản là không thể chấp nhận được".
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và bày tỏ hy vọng có thể "đạt được thỏa thuận" về vấn đề đau đầu này.
Giữa tháng 5, Giám đốc truyền thông của IMF, Julie Kozack, nhận định hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu nước này vỡ nợ, khuyến khích tất cả các bên nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc.
IMF cảnh báo về nguy cơ chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế nếu Mỹ vỡ nợ. Bà Kozack nói thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua và cần tránh những tác động nghiêm trọng này.