Sứa bờm sư tử là loài sứa lớn nhất thế giới. Đây cũng là loài có cơ thể dài nhất trong thế giới động vật đại dương. Khi vươn dài xúc tu, cá thể sứa bờm sư tử có chiều dài lớn nhất là 36,5m.
Sứa bờm sư tử phân bố giới hạn ở vùng nước lạnh gồm phương bắc của Bắc Cực, phía bắc Đại Tây Dương và phía bắc Thái Bình Dương. Loài sứa này có nọc độc gây tê liệt cơ, dẫn tới trụy tim và ngạt thở.
Với kích thước lớn như vậy, các chuyên gia cho biết, sứa bờm sư tử đặc biệt nguy hiểm với người đi bơi. Những xúc tu dài của chúng có thể châm chích nạn nhân ở cự ly xa mà họ không biết để để phòng.
Những loài sứa độc nhất hành tinh
Sứa Irukandji
Đây là loài sứa tí hon và rất khó nhìn thấy bằng mắt thường khi chúng chỉ nhỏ bằng một đầu que diêm, khoảng 5mm.
Sứa Irukandji có quan hệ họ hàng với sứa hộp và được coi là động vật có độc tố nguy hiểm nhất Trái Đất. Độc tố của sứa Irukanji mạnh hơn 100 lần so với rắn hổ mang. Các xúc tu lẫn vỏ ngoài của chúng đều có thể chích người, đặc biệt các xúc tu là những vũ khí lợi hại của chúng. Các xúc tu có thể dài tới 2,5m, chứa nhiều gai giúp tiêm chất độc vào đối phương.
Sứa Irukandji chỉ để lại vết cắn không đau, nhưng sau khoảng 30 phút, độc tố tác động thẳng lên hệ thần kinh trung ương và gây ra một số dấu hiệu được gọi là hội chứng Irukandji gồm ói mửa, ra mồ hôi, nhức đầu, đau vùng dưới của lưng, nhịp tim tăng, áp suất động mạch tăng cao, phù phổi. Các triệu chứng trên kéo dài trong vài giờ hay trong nhiều ngày và có thể gây tử vong vì suy tim.
Sứa tầm ma biển
Loài sứa có tên Sea Netle (sứa tầm ma biển) vì hình dạng cơ thể chúng giống cây tầm ma. Chúng có 24 xúc tu, chiều dài trung bình 1,8m.
Chất độc bơm từ những xúc tu đủ để khiến đối phương cảm thấy đau nhức nhưng thường sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng. Sứa tầm ma biển thường được tìm thấy ở những khu vực Vịnh Chesapeake thuộc bờ viễn Đông Hoa Kỳ.
Sứa mặt trăng
Đây là loài sứa khá phổ biến, ngay cả khi bạn ở trong bể bơi cũng dễ dàng bắt gặp chúng.
Sứa mặt trăng cũng chích người nhưng với hàm lượng độc tố khá nhẹ và không được coi là nguy hiểm đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, chúng thường bị những ngư dân và người đi biển phóng đại là loài gây chết người. Trên thực tế, sứa mặt trăng là loài vô hại.
Sứa đạn đại bác
Sứa đạn đại bác cũng bị những người bơi lội gán cho tội danh là kẻ giết người bằng độc tố.
Tuy nhiên chúng cũng như sứa mặt trăng, hiền lành, vô hại và hiếm khi chích người. Sứa đạn đại bác thường xuyên bị mắc lưới của các ngư dân.
Sứa kẻ gây chiến
Chúng còn có tên gọi Portuguese man o'war hay Physalia physalis, loài sứa lông châm có tua và nọc độc gây đau đớn dữ dội và nguy hiểm đối với người.
Chúng sở hữu bề ngoài đẹp mắt nhưng lại là một trong những loài sứa gây chết người nguy hiểm nhất trên thế giới. Vết chích của chúng như một vết đánh bằng roi da khiến người ta đau đớn trong vài ngày liền.
Nọc độc của chúng có thể gây sốt và choáng, sau đó khiến tim hoặc phổi ngừng hoạt động và dẫn đến tử vong.