Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm 2016 đã khép lại và danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán đã được xác định. Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục duy trì vai trò chính yếu trong danh sách khi vừa chiếm các vị trí hàng đầu, vừa có tài sản tăng vọt so với năm trước.
Trong đó, Faros và Novaland lên sàn là 2 sự kiện có tác động lớn tới top 10 người giàu nhất. Cổ phiếu của 2 doanh nghiệp bất động sản này đã đưa 3 người lần đầu tiên lọt vào top 10.
Danh sách top 10 năm nay cũng ghi nhận đến 4 gương mặt mới, gồm ông Trịnh Văn Quyết (#1), ông Bùi Thành Nhơn (#4), ông Đỗ Hữu Hạ (#9) và bà Lê Thị Ngọc Diệp (#10).
Đáng chú ý, trong danh sách top 10, có đến 3 cặp vợ chồng doanh nhân, đó là vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng - bà Phạm Thu Hương, vợ chồng ông Trần Đình Long - bà Vũ Thị Hiền và vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết - bà Lê Thị Ngọc Diệp. Cả 3 người chồng chính là top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Dưới đây là danh sách đầy đủ:
#1 - Trịnh Văn Quyết
Tuổi: 41
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: FLC, ROS
Giá trị tài sản: 33.806 tỷ đồng
Năm 2016 là năm đột phá của ông Trịnh Văn Quyết trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Hồi đầu năm, ông Trịnh Văn Quyết chỉ sở hữu 63 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng giá trị tài sản khoảng 500 tỷ đồng.
Trong năm 2016, ông Quyết đã mua thêm hơn 51 triệu cổ phiếu, nâng lượng sở hữu tại FLC lên 114,2 triệu cổ phiếu, giá trị đến cuối năm là 594 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải FLC, cổ phiếu của công ty xây dựng Faros (ROS) mới là mã đưa ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán năm nay.
ROS lên sàn từ đầu tháng 9 với giá chỉ 10.500 đồng nhưng sau đó đã liên tục tăng trần, có lúc lên tới 126.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng hơn 11 lần.
ROS tăng mạnh đã lần lượt đưa ông Trịnh Văn Quyết vượt qua những cột mốc quan trọng, đầu tiên là vào top 2 người giàu nhất sàn chứng khoán, sau đó là sở hữu tài sản tỷ đô và cuối cùng là vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tuy đã có lúc để vị trí giàu nhất trở lại với ông Phạm Nhật Vượng, nhưng thương vụ mua 10 triệu cổ phiếu ROS trong những ngày cuối năm đã đảm bảo vị trí giàu nhất sàn chứng khoán của ông Quyết. Số cổ phiếu ROS ông Quyết sở hữu có giá trị 33.212 tỷ đồng.
#2 - Phạm Nhật Vượng
Tuổi: 48 tuổi
Lĩnh vực: Bất động sản - đa ngành
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 30.410 tỷ đồng
Cuối năm 2015, ông Phạm Nhật Vượng nắm khoảng 523 triệu cổ phiếu VIC, giá trị tài sản đạt 24.332 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Vingroup trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% và thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 22,5% nên số cổ phiếu ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ tăng lên hơn 724 triệu, tương ứng giá trị tài sản 30.410 tỷ đồng.
Tuy tài sản tăng đáng kể so với năm trước nhưng ông Phạm Nhật Vượng không giữ được vị trí giàu nhất trên sàn chứng khoán do sự nổi lên của ông Trịnh Văn Quyết. Giá cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán tương đối ổn định, dao động quanh mốc 42.000 đồng/cổ phiếu suốt một thời gian dài.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tái ản 2,2 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 1.011 trên thế giới, tăng 107 bậc so với năm 2015.
Điểm đáng chú ý nhất của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản năm qua là việc tấn công vào phân khúc nhà bình dân. Vingroup đã tuyên bố năm 2017 tới sẽ đầu tư xây dựng căn hộ VinCity, giá chỉ từ 700 triệu đồng/căn hộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái của Vingroup sẽ thay đổi cục diện thị trường bất động sản phân khúc bình dân trong năm tới, vốn là phân khúc có lượng tiêu thụ lớn nhất hiện nay.
Ngoài bất động sản, Vingroup cũng đang hướng đến nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử....
#3 - Trần Đình Long
Tuổi: 55
Lĩnh vực: Thép
Cổ phiếu: HPG
Giá trị tài sản: 9.147 tỷ đồng
Tài sản của ông Trần Đình Long trên sàn chứng khoán tăng mạnh trở lại trong năm 2016, sau khi mất tới 13% trong năm 2015.
Tính đến cuối năm 2016, ông Trần Đình Long sở hữu gần 212 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 9.147 tỷ đồng.
Năm 2016, Tập đoàn Hoà Phát tiếp tục gặt hái lợi nhuận lớn từ ngành thép, nhưng lợi nhuận lớn cũng khiến Hoà Phát sắp đương đầu thêm một đối thủ cạnh tranh lớn, là Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen khi thấy Hoà Phát lãi từ thép 2.000 tỷ/quý đã phát biểu giữa Đại hội cổ đông: "Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư". Hoa Sen khi đó đang có kế hoạch đầu tư dự án thép Cà Ná quy mô lên tới hơn 10 tỷ USD.
Hoà Phát trong năm qua cũng đã mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp như nhiều tập đoàn lớn khác và bắt đầu nhập lợn giống từ Đan Mạch. Sau 3 chuyến hàng, Hoà Phát đã nhập 1.800 con lợn giống, mục tiêu trong tương lai xuất bán 500.000 lợn thịt hàng năm.
#4 - Bùi Thành Nhơn
Tuổi: 58
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: NVL
Giá trị tài sản: 7.584 tỷ đồng
Cổ phiếu của Novaland (NVL) chỉ mới lên sàn chứng khoán được 3 phiên nhưng đã đưa ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị trở thành người giàu thứ 4 trên thị trường chứng khoán.
Sở hữu 126,2 triệu cổ phiếu NVL, ông Bùi Thành Nhơn nắm 21,4% vốn tại Novaland và khối tài sản của ông hiện có giá trị 7.584 tỷ đồng. Novaland lên sàn cũng ngay lập tức trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường. Tập trung chủ yếu tại thị trường TPHCM, Novaland hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong phân khúc nhà ở trung-cao cấp.
Báo cáo của Novaland cho biết, 40 dự án của công ty hiện có tổng diện tích sàn lên tới gần 10 triệu m2 và 11 dự án sắp triển khai có tổng diện tích sàn 4,1 triệu m2. Doanh thu và lợi nhuận năm 2016 đều tăng vọt so với 2015 và có thể còn tăng mạnh hơn nữa trong năm 2017.
#5 - Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng)
Tuổi: 47
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 5.240 tỷ đồng
Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng năm qua cũng nhận cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu, giúp số cổ phiếu tăng lên 124,8 triệu, giá trị tài sản 5.240 tỷ đồng.
So với năm trước, bà Phạm Thu Hương tụt 2 bậc do sự xuất hiện của ông Trịnh Văn Quyết và ông Bùi Thành Nhơn. Bà Hương hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
#6 - Phạm Thuý Hằng (em gái bà Phạm Thu Hương)
Tuổi: 42 tuổi
Lĩnh vực: : Bất động sản
Cổ phiếu: VIC
Giá trị tài sản: 3.500 tỷ đồng
Cũng sở hữu cổ phiếu VIC, bà Phạm Thuý Hằng tụt 1 bậc trong top người giàu với tài sản trị giá 3.500 tỷ đồng.
Bà Phạm Thuý Hằng hiện sở hữu 83,4 triệu cổ phiếu VIC. Bà Phạm Thuý Hằng là em gái bà Phạm Thu Hương và cũng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
#7 - Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long)
Tuổi: n/a
Lĩnh vực: Thép
Cổ phiếu: HPG
Giá trị tài sản: 2.649 tỷ đồng
Nhờ chia thưởng cổ phiếu và HPG tăng giá, tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long cũng tăng mạnh trong năm 2016.
Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, tài sản của bà Hiền vươn lên 2.649 tỷ đồng và đứng vị trí người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán.
Khác với bà Phạm Thu Hương hiện làm Phó Chủ tịch Vingroup, bà Vũ Thị Hiền không đảm nhiệm chức vụ nào tại Tập đoàn Hoà Phát.
#8 - Trương Thị Lệ Khanh
Tuổi: 55
Lĩnh vực: Thuỷ sản
Cổ phiếu: VHC
Giá trị tài sản: 2.634 tỷ đồng
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn hiện sở hữu 45,6 triệu cổ phiếu của công ty, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49,4%.
Dưới sự điều hành của bà Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn tiếp tục chứng tỏ mình là doanh nghiệp chế biến cá tra hàng đầu hiện nay.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã đem về lợi nhuận 456 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch cả năm.
#9 - Đỗ Hữu Hạ
Tuổi: 61 tuổi
Lĩnh vực: Bất động sản, buôn bán ô tô
Cổ phiếu: HHS
Giá trị tài sản: 2.571 tỷ đồng
Ông Đỗ Hữu Hạ hiện là Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và là Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS).
TCH vừa lên sàn chứng khoán hồi đầu tháng 10/2016, giúp ông Đỗ Hữu Hạ lần đầu tiên lọt vào top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Ông Đỗ Hữu Hạ hiện sở hữu 4,8 triệu cổ phiếu HHS, trị giá 17,5 tỷ đồng và 151 triệu cổ phiếu TCH, trị giá 2.553 tỷ đồng.
#10 - Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Trịnh Văn Quyết)
Tuổi: n/a
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phiếu: ROS
Giá trị tài sản: 2.317 tỷ đồng
Bà Lê Thị Ngọc Diệp là vợ ông Trịnh Văn Quyết. Bà Diệp hiện sở hữu 20,2 triệu ROS và nhanh chóng lọt vào top 10 người giàu nhất nhờ cổ phiếu này tăng giá mạnh.
Tương tự bà Vũ Thị Hiện, bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng không đảm nhiệm vị trí điều hành nào tại FLC và Faros. Khối tài sản của bà Diệp là 2.317 tỷ đồng.
* Ngoại bảng
(#6) Nguyễn Đức Tài
Tuổi: 47
Lĩnh vực: Điện máy
Cổ phiếu: MWG
Giá trị tài sản: 3.588 tỷ đồng
Danh sách top 10 nói trên được xác định dựa trên số lượng cổ phần trực tiếp nắm giữ của các cá nhân.
Tuy nhiên, để phản ánh đầy đủ hơn, chúng tôi xin ghi nhận thêm trường hợp ngoại bảng của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Thế giới di động.
Cụ thể, tính đến hết phiên giao dịch ngày cuối năm, 31/12/2016, ông Tài chỉ sở hữu trực tiếp hơn 3,68 triệu cổ phiếu MWG (2,39%) trị giá 574,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính thêm cả công ty Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ do ông Tài làm đại diện, thì tổng số tài sản mà ông Tài đang nắm giữ tại TGDĐ lên đến 3.588 tỷ đồng, tương đương xếp vị trí số 6 trong top 10, đẩy bà Lê Thị Ngọc Diệp khỏi top 10 và các cá nhân còn lại từ vị trí số 6, 7, 8, 9 xuống 1 bậc.
Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ hiện sở hữu gần 19,3 triệu cổ phiếu MWG (12,55%), trị giá 3.013,6 tỷ đồng, tính đến hết ngày 31/12/2016.