Nếu bạn đang có ý định đặt chân đến một vùng đất mới trong năm 2023, hãy xem qua danh sách dưới đây trước khi thực hiện, bởi sự đắt đỏ của những quốc gia này có thể khiến bạn phải suy nghĩ lại.
Website Numbeo đã thống kê danh sách 10 quốc gia đắt đỏ nhất thế giới dựa trên các chi phí sinh hoạt, bao gồm hàng tạp hóa, nhà hàng, phương tiện đi lại, Internet và tiện ích, nhưng không bao gồm tiền thuê nhà.
Numbeo lấy thành phố New York của Mỹ làm chuẩn với 100 điểm và tính ra chỉ số chi phí sinh hoạt của các quốc gia và thành phố. Các quốc gia đạt điểm dưới 100 sẽ có mức sống rẻ hơn so với New York và các quốc gia có điểm trên 100 thì đắt hơn.
Dưới đây là top 10 quốc gia có chỉ số chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới năm 2023 theo dữ liệu mới nhất của Numbeo:
10. Đan Mạch
Điểm chỉ số: 78,6
Đan Mạch là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới và không dành cho những người muốn sống một "cuộc đời bình dị". Giá nhà hàng ở đây được xếp vào top cao nhất trên thế giới. Đặc biệt, Copenhagen - thủ đô của Đan Mạch là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Cuộc sống bên ngoài thủ đô không đắt bằng nhưng cùng không rẻ hơn là mấy. Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ cũng đi đôi với một cuộc sống chất lượng cao nếu bạn muốn có một trải nghiệm sống đáng mơ ước tại nơi này.
9. Jersey
Điểm chỉ số: 80,0
Jersey là một quốc gia nằm ở Châu Âu. Với điểm chỉ số chi phí sinh hoạt là 80,0, Jersey đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia đắt đỏ nhất thế giới để sinh sống vào năm 2023. Jersey có sản lượng kinh tế bình quân đầu người cao tính theo sức mua tương đương, vượt xa tất cả các nền kinh tế phát triển lớn trên thế giới. Tổng thu nhập quốc dân năm 2009 là 3,7 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, đó không phải là dấu hiệu cho thấy sức mua của mỗi cư dân và mức sống thực tế ở Jersey có thể so sánh với mức sống ở Vương quốc Anh bên ngoài trung tâm London.
8. Iceland
Điểm chỉ số: 83,3
Quốc đảo Bắc Âu này đứng thứ 8 trong danh sách 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới năm 2023 với số điểm chỉ số 83.3. Nơi đây từ lâu đã là điểm đến nổi tiếng của các blogger du lịch thế hệ trẻ và những người yêu thiên nhiên trong những năm gần đây. Iceland có các quy định nghiêm ngặt khi nhập khẩu hàng hóa nước ngoài, dẫn đến giá hàng hóa ở nước này thuộc hàng cao nhất thế giới.
7. Singapore
Điểm chỉ số: 85,9
Quốc đảo Singapore là điểm quy tụ tự nhiên của các đường hàng hải tại Đông Nam Á. Vai trò là một thương cảng nhộn nhịp khiến nước này trở thành quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ thứ 7 trên thế giới vào năm 2023. Việc chăm sóc trẻ em ở Singapore cũng là một trong những dịch vụ đắt đỏ nhất trên thế giới, tiêu tốn của một gia đình trung bình khoảng 18.000 USD mỗi năm.
Singapore có nền kinh tế thị trường phát triển cao. Quốc đảo này là một trong bốn con hổ châu Á và dẫn đầu các nước khác về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.
6. Na Uy
Điểm chỉ số: 88,6
Na Uy đứng thứ 6 trong danh sách này với tư cách là quốc gia đắt đỏ nhất để sống trong số các quốc gia Scandinavia. Na Uy có thuế suất VAT cao - 25% - khiến hầu hết các chi phí hàng ngày của người dân nơi này tăng lên. Trong khi thực phẩm có mức thuế thấp hơn chỉ 15%, nhưng vẫn được coi là cực kỳ đắt đỏ. Thêm vào đó, Na Uy là nơi đắt thứ ba trên thế giới khi mua hàng tạp hóa.
5. Barbados
Điểm chỉ số chi phí sinh hoạt: 88,8
Sống ở Barbados phải đối mặt với những thách thức về nhập khẩu. Đó cũng là lý do khiến quốc đảo này trở thành một trong những nơi đắt đỏ nhất hành tinh. Barbados là quốc gia giàu thứ 52 trên thế giới về GDP bình quân đầu người. Đất nước này có một nền kinh tế hỗn hợp phát triển tốt, và mức sống khá cao. Theo Ngân hàng Thế giới, Barbados là một trong 83 nền kinh tế có thu nhập cao trên thế giới. Giáo dục là mặt được quốc gia này coi trọng và rót rất nhiều tiền vào hệ thống này. Do đó, đảo quốc này cũng có tỷ lệ người biết chữ cao nhất thế giới, lên tới 99,6%.
4. Bahamas
Điểm chỉ số: 90,9
Bahamas là một quốc gia được tạo thành từ hơn 700 hòn đảo với diện tích là 470.000 km2. Hầu hết hàng hóa ở Bahamas phải được nhập khẩu, đây là một yếu tố khiến chi phí sinh hoạt tại quốc gia này lọt top những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới.
Hơn nữa, xét về GDP bình quân đầu người, Bahamas là một trong những quốc gia giàu nhất ở châu Mỹ. Tiền tệ (đồng đô la Bahamian) ở quốc gia này được chốt tỷ giá 1-1 với đồng đô la Mỹ. Giá cả ở Bahamas cao một phần do thị trường nhà ở cạnh tranh và thuế nhập khẩu cao.
3. Quần đảo Cayman
Điểm chỉ số: 103.4
Quần đảo Cayman là một lãnh thổ hải ngoại của Anh tự trị ở phía tây biển Caribbean. Đây là một trung tâm nổi tiếng thế giới về dịch vụ tài chính. Quần đảo Cayman nổi tiếng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty nổi tiếng nước ngoài. Đến đây, khách du lịch sẽ phải tiêu không ít tiền cho đồ ăn và thức uống. Một bữa ăn ngoài cơ bản sẽ tiêu tốn ít nhất 20-30 USD trong khi cà phê có giá khoảng 7 USD/ly.
2. Thụy Sĩ
Điểm chỉ số: 114,2
Không có gì ngạc nhiên khi Thụy Sĩ đứng thứ 2 trong danh sách những quốc gia có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới. Cả Geneva và Zurich của Thụy Sĩ đều nằm trong số 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Ở Thuỵ Sỹ, thực phẩm, đồ uống, khách sạn, nhà ở, nhà hàng, hay bảo hiểm y tế… đều đặc biệt đắt đỏ. Chi phí cho các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa cao ngất ngưởng, thậm chí là đắt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Do vậy, đối với nhiều khách du lịch nước ngoài, giá cả khiến nhiều người e dè khi mua sắm. Thụy Sĩ có một nền kinh tế ổn định, thịnh vượng và công nghệ cao. Ngoài ra, đây là nền kinh tế lớn thứ hai mươi trên thế giới tính theo GDP danh nghĩa và lớn thứ ba mươi tám tính theo sức mua tương đương.
1. Bermuda
Điểm chỉ số chi phí sinh hoạt: 141,8
Bermuda đã trở thành quốc gia đắt đỏ nhất thế giới để sinh sống vào năm 2023. Đây là quốc đảo thuộc khối thịnh vượng chung UK, nổi tiếng với những bãi biển trải dài với màu nước ngọc lam tuyệt đẹp. Thủ đô Hamilton cũng được đánh giá là một trong những thành phố đắt nhất hành tinh.
Giống nhiều quốc đảo khác, Bermuda hầu như không sản xuất thực phẩm hoặc hàng tiêu dùng và hoàn toàn phụ thuộc vào hàng hóa được vận chuyển đến, thường là từ Mỹ. Do đó, đây là quốc gia có chi phí mua hàng tạp hóa cao nhất trên thế giới.
Hơn nữa, thuế nhập khẩu ở Bermuda cao ngất, dẫn đến mọi thứ từ thực phẩm đến nhiên liệu cũng có giá trị bán lẻ cao. Trên thực tế, thuế nhập khẩu là nguồn thu lớn thứ hai của chính phủ sau thuế trả lương. Du lịch chính là ngành công nghiệp lớn thứ hai của Bermuda, với hơn nửa triệu du khách hàng năm, hơn 80% trong số đó đến từ Hoa Kỳ. Các nguồn khách quan trọng khác là từ Canada và Vương quốc Anh.
(Theo Numbeo; Infos10.com)