Sau khi Washington dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Hà Nội, vị trí thống soái của Nga - như là nhà cung cấp vũ khí chủ lực của Việt Nam - được cho là sẽ bắt đầu dần yếu đi.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Anton Tsvetov từ Hội đồng Nga về quan hệ quốc tế (RIAC) cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận sẽ không dẫn đến bước nhảy vọt trong xuất khẩu vũ khí từ Mỹ và ít nhất trong 10 năm tới, Nga vẫn duy trì vị trí chủ đạo trên thị trường trong phần lớn các mục hàng giá trị cao.
"Nga hẳn sẽ vẫn bảo tồn vị trí thống soái trên thị trường vũ khí Việt Nam trong hầu hết các thể loại giá thành cao, chẳng hạn như máy bay tiêm kích, tàu chiến và các hệ thống phòng thủ tên lửa, chí ít là trong 10 năm tới.
Mỹ cũng có thể chiếm một vài phân điểm, bao gồm trang bị trinh sát biển và theo dõi hàng hải"- InoTV dẫn lời ông Anton Tsvetov cho hay.
Nga vẫn rất tự tin sẽ giữ được vị trí thống soái của mình trên thị trường vũ khí Việt Nam ít nhất là trong 10 năm tới (Trong ảnh: Tàu ngầm Kilo HQ-183 TP Hồ Chí Minh tại buổi lễ thượng cờ năm 2014).
Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm 23/5.
Phần lớn các chuyên gia Nga đều tỏ ra khá bình thản trước dự đoán về cuộc cạnh tranh sắp tới với Mỹ trên thị trường vũ khí Việt Nam, bởi họ cho rằng Việt Nam sẽ chưa sắm ồ ạt vũ khí Mỹ với số lượng lớn.
Theo chuyên gia Nga, Việt Nam sẽ mua máy bay tuần thám P-3 và máy bay vận tải C-130 từ Mỹ.
Trước mắt, theo dự đoán của chuyên gia Nga Vasily Kashin (Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ), Việt Nam sẽ mua máy bay tuần tra chống ngầm P-3 từ Mỹ, bởi "Nga đã ngừng sản xuất các loại máy bay tuần tra cơ bản vào những năm 1990, vì thế chúng ta không có sản phẩm nào trong lĩnh vực này để giới thiệu với Việt Nam".
Sau đó, Việt Nam có thể sẽ mua máy bay vận tải C-130 Hercules của Mỹ. Nhưng theo ông Kashin, lý do cũng là vì "Nga không còn sản xuất bất cứ máy bay nào thuộc dòng tương tự bởi đã có máy bay hạng nặng hơn là IL-76.