10 điều ngộ nhận về giáo dục, phụ huynh Việt nên nhìn nhận lại một cách khách quan!

Nguyễn Hằng |

Còn ngộ nhận thì giáo dục thì chưa thể hy vọng được cải thiện. Dưới đây là 10 điều ngộ nhận phổ biến và nguy hại nhất.

Cả đời tôi gắn bó chặt chẽ với ngành giáo dục với tư cách học sinh, sinh viên, giáo viên rồi phụ huynh nên tôi có dịp quan sát giáo dục ở những nước khác, qua đó, tôi có thể thấy xã hội Việt Nam đã ngộ nhận quá nhiều về giáo dục.

Và còn ngộ nhận thì giáo dục còn chưa thể hy vọng được cải thiện. Và sau đây là những ngộ nhận theo tôi là phổ biến và nguy hại nhất:

1. Chỉ đến trường mới là giáo dục

Đó là một quan niệm sai lầm! Giáo dục có hai loại. Giáo dục chính thức ở nhà trường và giáo dục không chính thức ở gia đình và xã hội. Cả hai hình thức đều quan trọng như nhau đối với sự hình thành nhân cách của con người và cả cuộc đời của bạn.

Thậm chí giáo dục ở gia đình và xã hội còn quan trọng hơn nhiều so với giáo dục ở nhà trường trong việc dạy kỹ năng sống và hình thành nhân cách.

2. Nhà trường và giáo viên phải chịu trách nhiệm 100% về kết quả học tập của học sinh

Lại là một sai lầm nữa! Học sinh chỉ ở trường khoảng năm giờ đến tám giờ một ngày, thời gian còn lại là gia đình và xã hội, đấy mới là nơi các em thực sự sống và thể hiện bản thân.

Vì vậy, nếu không có một động lực học tập đúng đắn, không được gia đình và xã hội tạo điều kiện khuyến khích, không học sinh nào có thể học tốt.

3. Kiến thức qua đi nhưng bằng cấp thì còn lại, vì vậy, bằng cấp quan trọng hơn kiến thức

10 điều ngộ nhận về giáo dục, phụ huynh Việt nên nhìn nhận lại một cách khách quan! - Ảnh 1.

Quan niệm sai lầm về bằng cấp. Ảnh: Internet.

Một sai lầm nghiêm trọng! Bằng cấp may lắm chỉ mở được cánh cửa việc làm cho bạn, còn kiến thức và kỹ năng mới giúp bạn tồn tại trong cuộc đời. 

Thực tế sẽ nhanh chóng bóc trần bản chất kiến thức của bạn và bạn sẽ phải đối mặt với sự xấu hổ ê chề khi tiếp xúc với những đồng nghiệp hằng ngày.

4. Để con trẻ có thể chuyên tâm học đạt điểm số cao nhất, không nên bắt chúng làm việc nhà

Những chuyện ấy không quan trọng, khi lớn chúng tự khắc biết làm hoặc có thể thuê người làm. Đây là nhầm lẫn kinh khủng nhất vì mục đích của việc sinh ra trên đời của mỗi con người là để được làm người, không phải để trở thành cái máy.

10 điều ngộ nhận về giáo dục, phụ huynh Việt nên nhìn nhận lại một cách khách quan! - Ảnh 2.

Một con người dù cố gắng đến mấy cũng không thể thu thập được nhiều kiến thức bằng một cái máy tính cỡ trung bình.

Nhưng cái làm con người hơn máy tính là tự mình hành động. Việc tước mất của trẻ con khả năng tự lo cho bản thân, tự sống trên đời là tước đi quyền được sống như người của chúng. Chưa kể sự bất lực ấy sẽ bắt con trẻ cả đời phụ thuộc vào người khác.

Nữ hoàng Anh thỉnh thoảng vẫn tự tay nấu ăn cho gia đình, vì sao con chúng ta không làm được?!

5. Việc được vào học những trường danh giá sẽ có thể thay đổi đứa trẻ hoàn toàn

Vì vậy, đó chính là khoản đầu tư cần thiết để đảm bảo con bạn có tương lai tươi sáng?

Không phải bỗng dưng giáo dục được gọi là trồng người, vì nó cũng tương tự trồng cây, có đơm hoa kết trái thơm ngọt không phụ thuộc vào: một là giống cây trồng; hai là thổ nhưỡng. Cây ôn đới mà trồng ở xứ nhiệt đới thì dù có chăm sóc đến mấy cũng không thể cho quả ngọt.

Việc cho con học trường nào phụ thuộc vào khả năng của đứa bé và vào điều kiện cụ thể của trường. Tôi từng biết những bố mẹ chạy chọt cho con vào trường chuyên lớp chọn nhưng con không theo được, cuối cùng bị trầm cảm, rất đáng thương.

Hãy để con cái có được môi trường giáo dục phù hợp với năng lực và sở thích của con, như vậy con mới có thể phát triển bình thường.

6. Điểm số là mục đích chính của việc học

Từng là học sinh giỏi rồi là giáo viên lâu năm, tôi nhận thấy điểm số chỉ có tính tương đối vì nó chỉ đánh giá sự tuân thủ của trẻ với hệ thống cho điểm hiện hành. Những trẻ có cá tính thường không đạt điểm cao nhưng ra đời lại thành đạt nhiều hơn những trẻ ngoan.

Và mỗi con người đều có những năng lực riêng cần được tôn trọng và tôn vinh. Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói, "Một đứa trẻ học giỏi Toán đáng được đề cao thì những đứa trẻ chăm quét nhà cũng nên được khen", nhờ vậy ông mới góp phần đào tạo được những tài năng như Ngô Bảo Châu.

Tôi có dịp làm việc với một nữ giáo sư người Việt ở Canada, rất năng động và thông minh. Cô từng là bạn học của một giảng viên FTU, luôn kể là cô này học rất giỏi, điểm luôn cao hơn cô nhiều nên thi đỗ ngay vào Đại học Ngoại thương, còn cô chỉ đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ, rất tủi thân.

Nhưng cô học tốt nên có học bổng đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài rồi thành giảng viên ở Canada. Thời điểm ấy cô bạn ở trường tôi vẫn chưa có bằng tiến sĩ và tất nhiên cơ hội phát triển thua xa ở Canada. Mình bảo:

"Thôi, em đừng tiếc không vào được Ngoại thương nữa, vì nếu vào được thì bây giờ em chưa chắc đã có nổi bằng tiến sĩ ở Việt Nam".

7. Đại học là con đường tốt nhất để mở cánh cửa vào đời

Đây chính là hậu quả của việc sính bằng cấp, coi người đi học là quan trọng nhất trong xã hội. Xã hội có rất nhiều nghề nghiệp, nhiều cơ hội cho mọi khả năng, mọi trình độ.

Không có nghề nghiệp nào vinh quang và cũng không có nghề nghiệp nào thấp hèn, chỉ có người làm nghề vinh quang hay thấp hèn. Một người lao công tử tế còn có chỗ đứng trong đời vững chắc hơn một ông tiến sĩ tồi.

10 điều ngộ nhận về giáo dục, phụ huynh Việt nên nhìn nhận lại một cách khách quan! - Ảnh 3.

Đại học không phải là con đường duy nhất. Ảnh: mhmk-international

Người xưa từng nói: "Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra", Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng "Tôi là một con lừa" và "Con đường Hồi giáo" năm 18 tuổi đã trượt đại học, thay vì tuyệt vọng cô đã chọn vào Cao đẳng Ngoại ngữ rồi đi làm báo và bây giờ là giảng viên trường Đại học Amsterdam.

Ở nước ngoài, sinh viên thường được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội chứ không chỉ chú tâm vào học. Nhiều em còn nghỉ học một năm trước hoặc trong khi học đại học để đi làm, đi du lịch, đi thiện nguyện lấy kinh nghiệm trước khi bước vào đời.

Nhưng bố mẹ Việt mà nghe vậy chắc nhiều người ngất. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em đã định hình được con đường đi của mình, đóng góp tích cực cho xã hội, thậm chí lên tiếng phản biện như sinh viên Czech năm 1990 hay sinh viên Hongkong năm 2014.

Còn sinh viên Việt Nam vẫn còn đang chờ bố mẹ nuôi ăn và kiếm việc làm cho, thậm chí đi làm rồi nhiều em vẫn còn sống bám vào bố mẹ. Trước khi than khổ, bố mẹ Việt nên nhìn lại mình.

8. Con gái không cần học nhiều như con trai vì đằng nào cũng lấy chồng, sẽ có chồng lo cho mình

Sai hoàn toàn. Về mặt pháp luật con gái và con trai đều bình đẳng, chúng ta muốn con gái mình được tôn trọng, yêu thương nhưng lại muốn chúng sống đời phụ thuộc, như vậy có vô lý không? Suốt đời, tôi đã chứng kiến phụ nữ học tập và làm việc không kém gì đàn ông.

Khi nói chuyện với các giáo viên Hàn Quốc, họ cũng công nhận dù ở Hàn Quốc phụ nữ ít đi làm hơn Việt Nam nhưng phụ nữ cũng học giỏi hơn. D

o thiên chức sinh con, có những giai đoạn phụ nữ sẽ nên ưu tiên cho gia đình hơn nhưng ngoài thời gian đó, phụ nữ hoàn toàn có cơ hội phát triển bình đẳng với nam giới.

Trên thế giới và ở Việt Nam có rất nhiều phụ nữ giỏi giang và thành đạt mà vẫn có gia đình bình thường như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Hãy để con gái có cơ hội phát triển bình đẳng trong gia đình thì mới có thể được bình đẳng trong xã hội và tránh nguy cơ sa vào cảnh đói nghèo nếu không may gia đình tan vỡ.

9. Giáo dục Việt Nam hoàn toàn tệ hại

Vì vậy, chỉ có học nước ngoài con cái mới có được học vấn mong muốn. Đồng ý là giáo dục Việt Nam có nhiều nhược điểm, nhưng không có nền giáo dục hoàn hảo trên thế giới này. Giáo dục Việt Nam vẫn sản sinh ra nhiều người tài như Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình

10 điều ngộ nhận về giáo dục, phụ huynh Việt nên nhìn nhận lại một cách khách quan! - Ảnh 4.

Ngô Bảo Châu, nhà khoa học nổi danh thế giới của Việt Nam. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Nếu gia đình có điều kiện và người học có khả năng, có quyết tâm thì rất nên ra nước ngoài để các em có thêm cơ hội phát triển. 

Còn nếu không đủ những điều kiện trên thì cứ để con cái học trong nước. Quan trọng là nếu con em ta chăm chỉ học hành, có khả năng thì ở đâu chúng cũng sẽ phát triển.

Còn nếu chúng lười biếng, ỷ lại thì không nền giáo dục nào đủ sức thay đổi chúng như thực tế nhiều nhà giàu gửi con ra nước ngoài đã cho thấy.

10. Trong thời gian đi học, việc học là quan trọng nhất, không nên yêu đương làm mất thì giờ, ảnh hưởng đến việc học

Trong quá trình dạy học, tôi từng được nhiều bố mẹ gửi gắm để ý xem con họ có yêu đương gì không để còn kịp thời ngăn chặn. Đây là điều rất nực cười và vi phạm thô bạo quyền sống của con trẻ, nhất là khi các em đã quá 18 tuổi.

Tôi từng hỏi lại họ: "Thế anh/chị có bao giờ chỉ ăn mà không thở hay chỉ thở mà không ăn cả ngày không? Anh/chị vẫn làm được cả hai, đúng không? Thế tại sao anh chị lại không tin con cái có thể vừa học vừa yêu?"

Cuộc sống của con người luôn có nhiều nhu cầu đòi hỏi được thỏa mãn cùng một lúc, trong đó với tuổi trẻ, nhu cầu yêu đương là mạnh mẽ nhất. Tình yêu nảy nở trong trường đại học là phù hợp nhất vì các em còn trong trắng, vô tư và trình độ lại tương đồng.

Các em sẽ có cơ hội trưởng thành bên nhau, nhờ vậy khi nên vợ nên chồng sẽ dễ hòa thuận hơn là những mối tình nơi công sở. 

Còn nếu không thành, các em sẽ còn nhiều thời gian để tìm đối tượng phù hợp hơn. Và khi được hạnh phúc, con người làm việc hiệu quả hơn nhiều.

Tôi từng chứng kiến nhiều đôi sinh viên yêu nhau, cùng nhau phấn đấu, hỗ trợ cho nhau nên đều đạt kết quả xuất sắc. 

Và tôi cũng từng chứng kiến nhiều sinh viên, nhất là con gái, vì nghe lời bố mẹ mà bỏ qua cơ hội yêu đương, đến khi đi làm thì không tìm được đối tượng nào phù hợp, nhân duyên lỡ dở.

Mong rằng các bậc bố mẹ và cả các em sinh viên hãy hiểu đúng về giáo dục để chọn con đường tốt nhất cho mình.

Những kiến thức trên được trích từ cuốn sách "Born to be happy? – Sống để hạnh phúc?" do Alphabooks mua bản quyền từ tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. Cuốn sách là một chuỗi những cuộc trò chuyện của cô Nguyễn Hoàng Ánh về nỗi bất an của xã hội này: Trăn trở làm người, tìm ra được giá trị của bản thân, và mục đích chúng ta sống. Sách đã được phát hành trên toàn quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại