10 bức di chúc và bí ẩn quanh chuyện Tưởng Giới Thạch chọn người kế nhiệm

Thủy Thu |

Ở Đài Loan trước đây, nhiều người nghi ngờ rằng Tưởng Giới Thạch không hề viết di chúc chọn con trai là Tưởng Kinh Quốc kế nhiệm.

Đêm 5/4/1975, Tưởng Giới Thạch qua đời do bệnh tim tái phát, hưởng thọ 88 tuổi. Ngày hôm sau, giới truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin và công bố di chúc của Tưởng.

Bốn lần "lộ diện" cuối đời

Những năm cuối đời, tình hình sức khỏe của Tưởng Giới Thạch ngày càng suy giảm. Đặc biệt, sức khỏe Tưởng chuyển biến xấu sau biến chứng của vụ tại nạn ô tô năm 1969.

Ngoài ra, ông ta còn mắc một số bệnh như tiền liệt tuyến, bệnh tim phổi, sau cùng dẫn đến chứng run chân tay nên không thể viết chữ. Vì thế, thói quen viết nhật ký từ hàng chục năm trước của Tưởng cũng bị bỏ bê.

Theo Giáo sư Trần Hồng Dân - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc cận đại và Tưởng Giới Thạch thuộc Đại học Chiết Giang, đối với xã hội Đài Loan lúc bấy giờ, an toàn cá nhân của Tưởng là bí mật lớn nhất.

Nếu Tưởng Giới Thạch không thường xuyên xuất hiện trước công chúng sẽ dẫn đến nhiều suy đoán trái chiều. Vì thế, gia tộc họ Tưởng đã tiến hành những lần lộ diện công khai hoặc đưa ra những bức ảnh gia đình nhằm chứng minh ông ta vẫn còn sống.

10 bức di chúc và bí ẩn quanh chuyện Tưởng Giới Thạch chọn người kế nhiệm  - Ảnh 1.

Tưởng Kinh Quốc (đứng) và Tưởng Giới Thạch. Ảnh: Internet

Từ năm 1973, Tống Mỹ Linh đã lên kế hoạch cho bốn lần lộ diện của Tưởng.

Tháng 7/1973, truyền thông Đài Loan đã công bố bức ảnh chụp chung của Tưởng với vợ chồng người cháu Tưởng Hiếu Dũng tại hôn lễ.

Tháng 11/1973, Thư ký trưởng Ủy ban trung ương Quốc dân đảng Trương Ngọc Thụ đã dẫn 10 cán bộ đến bệnh viện trung tâm thăm Tưởng.

Lần thứ ba, Tưởng Giới Thạch có ảnh chụp chung với vợ chồng Tưởng Hiếu Vũ khi họ đi thăm ông ở Đài Bắc, xóa tan tin đồn rằng ông ta đã chết trước đó.

Lần thứ năm vào đầu năm 1975, Tưởng Giới Thạch đã có cuộc tiếp kiến Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Đài Loan Walter McConaughy. Đây là lần xuất hiện mang tính chính trị của Tưởng.

Giới quan sát nhận định chính những động thái trên của Tưởng đã giúp Đài Loan duy trì ổn định chính trị sau cái chết của ông ta, dù khi đó sự việc này có tác động rất lớn đến xã hội Đài Loan bấy giờ.

10 bức di chúc và người kế nhiệm

Theo Trần Hồng Dân, dư luận Đài Loan vẫn thắc mắc về tính chân thực của những bức di chúc này bởi một mặt nó mang đầy khẩu hiệu chính trị và nâng cao bản thân; mặt khác do chính quyền Đài Loan tuyên bố, Tưởng qua đời trong trạng thái hôn mê.

Điều này dẫn đến nghi vấn Tưởng không thể viết di chúc chọn Tưởng Kinh Quốc làm người kế nhiệm trước khi qua đời.

Tuy nhiên, Trần Hồng Dân cho hay, 10 bức di chúc của Tưởng không phải đều viết ở những năm cuối đời mà bắt đầu viết từ những năm 1920.

Theo đó, ba bản di chúc được viết trong những năm 1920, 1931 và 1934 đều liên quan đến việc thừa kế tài sản của Tống Mỹ Linh và các con của Tưởng.

Đặc biệt nhất, sau khi đến Đài Loan, trước khi tiến hành phẫu thuật tiền liệt tuyến (1962), Tưởng Giới Thạch đã viết một di thư liên quan đến việc kế nhiệm.

Khi đó, Trần Thành, một chính trị gia có tiếng ở Đài Loan vốn được cho là người sẽ kế nhiệm khi Tưởng qua đời.

Nhưng Tưởng Giới Thạch đã đưa ra đề xuất, sẽ chọn Viên Thủ Khiêm hoặc Tưởng Kinh Quốc cho vị trí Viện trưởng hành chính - một trong những chức vụ quan trọng tại Đài Loan.

Được biết, tại thời điểm đó, lý lịch của Tưởng Kinh Quốc khá sơ sài, chức vụ cũng thấp nên nếu được lựa chọn vào vị trí trên, Tưởng Kinh Quốc sẽ củng cố được địa vị kế nhiệm của mình.

Đến năm 1972, khi Tưởng Kinh Quốc chính thức trở thành Viện trưởng hành chính và do Trần Thành đã mất từ 7 năm trước đó (1965) nên địa vị người kế nhiệm của ông này cũng nhờ đó được củng cố vững chắc.

Do đó, những di chúc về sau của Tưởng Giới Thạch đã không đề cập đến vấn đề nhân sự mà chỉ bàn về kế hoạch "phản công đại lục".

Theo Trần Hồng Dân, ngay từ đầu, Tưởng Giới Thạch không có ý nghĩ "truyền ngôi cho con" bởi quan hệ cha con Tưởng vốn không mất tốt đẹp và việc bồi dưỡng Tưởng Kinh Quốc làm người kế nhiệm vốn có hai thách thức.

Thứ nhất là thái độ của Mỹ. Tưởng Kinh Quốc từng thăm viếng Mỹ khoảng năm, sáu lần với mục đích tăng cường sự tiếp xúc với Washington.

Thứ hai là sự ngăn cản trong nội bộ, đặc biệt xuất phát từ phía Trần Thành.

Một số ý kiến cho rằng, ban đầu Tưởng Giới Thạch không có ý định chọn Tưởng Kinh Quốc làm người kế nhiệm.

Tuy nhiên, do các chiến hữu cũng như các cán bộ trẻ, ngoài Trần Thành thì đều không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu Tưởng nên ông chỉ có thể chọn Tưởng Kinh Quốc làm người kế nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại