Chúng tôi quay lại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội sau đúng một tuần trận vỡ đê khủng khiếp xảy ra. Mọi thứ vẫn vẫn thanh bình cho đến khi chúng tôi đặt chân đến xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến thuộc huyện Chương Mỹ.
Theo sự chỉ dẫn của người dân thì đây là hai xã bị ngập rất nặng sau trận vỡ đê ngày 12-10 vừa qua.
Xã Nam Phương Tiến lúc 17 giờ chiều 19-10, đi qua UBND xã, vào khoảng 100m trong khu vực dân cư, mọi thứ trước mắt đều là nước, rác, bùn ngập các đoạn đường.
Các phương tiện di chuyển như xe đạp, xe máy đều vô tác dụng, mọi đi lại, di chuyển xa hay gần đều bằng xuồng.
“Nước bây giờ đang xuống rồi mới được như thế đấy. Hôm qua, hôm kia tôi còn không vào được nhà, nước dâng hơn nửa tường, máy móc không kịp đưa lên cao là hư hỏng hết.
Cả nhà sinh hoạt trên tầng hai, bất tiện lắm” – chú Hùng, người dân xã Nam Phương Tiến cho hay.
Việc di chuyển bằng xe máy rất khó khăn do nước vẫn còn ngập khá cao . Ảnh:TUYẾN PHAN
Bất lực trước con đường vào thôn vì không có phương tiện, chúng tôi đi ngược lại phía khác của xã. Vẫn là nước, một đoạn ngập dài gần 200m chia cắt hai bên đường, phía trong là trường mầm non, trường tiểu học, một đoạn nhà dân ngập rất sâu.
Người dân muốn vào được bên trong nhà mình buộc phải lội nước. Chúng tôi cũng lội, nước ngập qua gối, vượt qua rác, bùn, đá nhỏ dưới chân thì cũng vào được phía trong xã Nam Phương Tiến.
“Đi vào đây mà xem, nước dâng ngập cả nóc nhà, bây giờ vẫn chưa rút. Trong này này, nhiều nhà dân lắm, nhà tôi cũng trong đó.
Thấy không, tôi cầm nón đi lang thang suốt ngày, qua nhà này nhà kia ở nhờ chứ làm gì có nhà mà về, vẫn ngập sâu cả nóc trong đấy” – cô Mai, người phụ nữ cầm nón bảo hiểm dắt chúng tôi đi vào xóm Đình.
Toàn bộ ruộng đồng chìm trong biển nước, mênh mông không có chút hi vọng. Nếu không thấy những ngọn cây chuối nhô lên giữa dòng nước chắc hẳn không ai nhận ra đó từng là một khoảng ruộng mưu sinh của người dân.
Vẫn tất tả dọn dẹp ngôi nhà, vợ chồng chú Nguyễn Văn Dũng lội trong biển nước, lâu lâu lại ngóc đầu lên.
“Đâu cũng thấy nước, mấy nay sống trên tầng hai, người sống chung với lợn, gà, chó, mèo. Nước lũ lên nhanh quá, phải đưa đàn lợn lên trên đấy chứ không là mất hết.
Xuống dưới nhà vẫn phải lội bì bõm, không biết khi nào nó mới bớt ngập” – chú Nguyễn Văn Dũng than.
Mọi hoạt động đi lại đều được di chuyển bằng thuyền. Ảnh: TUYẾN PHAN
“9 năm rồi mới thấy trận lụt nặng như thế. Bà già đang ngồi trong nhà ôm cháu thì nghe loa phóng thanh xã kêu vỡ đê. Mạng già sức yếu chỉ biết leo lên tầng cao, cứu được cái thân mình, thân con cháu là mừng rồi.
Gà, lợn chết hết", bà Vũ Thị Bình, 76 tuổi, Xóm Đình, thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến kể lại.
Hoạt động dọn dẹp nhà cửa vẫn tất tả đến hơn 19 giờ tối, khi trời đã nhá nhem, chúng tôi đi ngược ra UBND xã. Nước vẫn chưa rút thêm chút nào, chúng tôi lội nước đi ra giữa những chiếc xuồng con con của người dân.
Cậu bé Lê Minh Hiếu, học sinh lớp 5, trường tiểu học Nam Phương Tiến A có vẻ thích thú với việc chèo xuồng. Hiếu chèo ra, chèo vào khoảng hơn 10 vòng chỉ để được nghịch nước.
“Con được nghỉ học từ ngày vỡ đê, các thầy cô không đi dạy ạ. Nghỉ nhiều ngày rồi nhưng mấy ngày thì con không nhớ”- Lê Minh Hiếu nói.
Rời vùng ngập ở thôn Hạnh Bồ về lại xã, UBND xã vẫn sáng đèn hỗ trợ người dân. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hay, UBND xã duy trì lịch trực 24/24 đối với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phân công người kiểm tra thường xuyên các điểm ngập để nắm bắt tình hình.
Hiện nhân lực tại chỗ có gần 275 người cộng thêm 450 chiến sĩ Quân đội hỗ trợ người dân trong những ngày ngập. Điểm ngập sâu nhất ghi nhận tới thời điểm này là hơn 4m, toàn xã có đến 831 hộ bị cô lập chiếm 4.412 khẩu, 530 hộ ngập úng.
Thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, ruộng vườn, chưa kể hơn 5.577 gia súc, 96.321 gia cầm bị ảnh hưởng nặng nề.
“Hiện xã đã cung cấp nước sạch, mì gói, nến cho người dân các điểm ngập. Tuy nhiên do nước rút chậm, khả năng người dân tiếp tục sống trong ngập úng còn lâu, vì vậy cần rất lớn sự hỗ trợ từ TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ để có những nhu yếu phẩm tốt nhất cho người dân”– ông Vĩnh nói.
Rời điểm ngập khi trời đã nhá nhem tối, đi dọc những con đê hai bên vẫn còn mênh mông nước, chúng tôi vẫn không thể rời tai khỏi loa phát thanh thôn, “Tình trạng ngập nước vẫn đang khá nặng, bà con nên cẩn thận với những đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp đồ đạc ở những điểm tập kết.
Bà con nên cẩn thận với những vùng nước sâu, không cho trẻ bơi lội một mình, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”...