Tôi kết hôn cách đây 8 năm và đã có 2 đứa con rất đáng yêu. Vợ chồng tôi đều thành đạt sớm, mỗi người có công ty riêng, đời sống vật chất đầy đủ... Chúng tôi tự nguyện lấy nhau, mặc dù không có tình yêu. Sai lầm lớn nhất của tôi là nghĩ rằng, cứ là vợ chồng rồi sẽ yêu nhau, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng lớn.
Cho đến một ngày tôi gặp Duyên, một cô gái dịu dàng, dễ thương. Ban đầu chỉ là bạn, dần dần tôi phát hiện ra chúng tôi rất hợp nhau.
Rồi vợ tôi biết, gia đình tôi thật sự rạn nứt vì xung đột triền miên, chúng tôi đã chuẩn bị chia tay. Tôi gửi trọn tình yêu vào Duyên, nhưng cô ấy thì rất buồn và phải chịu nhiều sức ép tâm lý nên đã chuyển đi thành phố khác sống. Một năm sau Duyên có bạn trai mới, nhưng chúng tôi vẫn không quên nhau được, và Duyên cũng không thực sự yêu người kia.
Cuối cùng chúng tôi lại tìm nhau, bao buồn vui, nhớ nhung khao khát những ngày xa cách càng làm chúng tôi gắn bó. Mặc người đời dị nghị, chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm. Tôi định giải quyết ly hôn xong và chuẩn bị tâm lý cho các con tôi để chúng không bị sốc, rồi chúng tôi sẽ về với nhau.
Tôi định sau khi chia tay sẽ thường xuyên ghé thăm, chăm sóc các con. Rất may, Duyên là người vị tha, yêu thương con tôi như người mẹ hiền và tạo điều kiện cho tôi thăm nom chúng. Tuy nhiên, vợ tôi không muốn vậy, cô ấy gieo vào đầu trẻ thơ những hình ảnh xấu xa về cha chúng, cô ấy muốn chúng thù ghét và tránh xa tôi. Cô ấy nói với gia đình là sau khi ly hôn sẽ cấm tôi tới thăm con!
Tôi đã gặp để thuyết phục vợ tôi, nhưng quả là rất khó. Xin cho biết, tôi phải làm thế nào để cô ấy hiểu được rằng, cách xử sự như vậy không chỉ làm tổn thương bọn trẻ ngay lúc này mà còn cả tương lai lâu dài của chúng?
Quang Thọ(Hà Nội)
Anh Quang Thọ thân mến,
Từ chối quyền và nghĩa vụ làm vợ/chồng (ly hôn) là một giải pháp được cả xã hội và pháp luật chấp nhận, trong khi từ chối quyền, trách nhiệm làm cha mẹ lại không được chấp nhận, lý do đơn giản là, ly hôn có thể làm cho cuộc sống của hai bên tốt hơn, trong khi việc từ chối quyền, nghĩa vụ làm cha mẹ sẽ khiến tất cả các bên phải chịu những hậu quả xấu, đặc biệt là trẻ em.
Điều này chắc hẳn vợ anh có thể dễ dàng hiểu được, nhưng vì những bức xúc cá nhân mà cô ấy không muốn có bất kỳ liên hệ gì với anh nữa, điều này cũng có thể thông cảm. Tuy nhiên, với tư cách một người mẹ thì chắc chắn cô ấy không muốn con mình bị thiệt thòi do thiếu bố, mà để giải quyết vấn đề này thì anh là người duy nhất và không thể thay thế. Bởi vậy, ở đây (ít nhất là về lý thuyết) anh hoàn toàn có cơ hội đưa ra một giải pháp hợp tình hợp lý.
Có vẻ như anh có phần chủ quan khi vội vã khen ngợi người tình mới (thương yêu con anh “như mẹ hiền”), cũng như lên án vợ mình (“gieo rắc” hình ảnh “xấu” vào đầu lũ trẻ). Anh nên hiểu rằng, cuộc đời là một chuỗi những thay đổi khó lường, lời nói bao giờ cũng dễ hơn hành động. Nếu thực tế anh là người sống đàng hoàng và không phạm phải nhiều lỗi lầm mang tính đạo đức thì anh đâu ngại bị “gieo rắc” hình ảnh xấu về mình cho bọn trẻ.
Vấn đề là liệu anh có đủ bản lĩnh và sự kiên trì với vợ mình không, anh có khả năng “bóc tách” chuyện cá nhân giữa anh và vợ để dứt điểm chuyện đó một cách đàng hoàng không? Nếu anh thành công thì việc anh giữ quan hệ được với các con một cách thường xuyên là hoàn toàn có thể. Lúc này, người “bội bạc” là anh, người chủ động “ra đi” cũng là anh, bởi vậy vợ anh có lý do chính đáng để đau khổ và hận anh, việc cấm anh thăm con đã được cô ấy sử dụng như một “biện pháp trừng phạt”. Thái độ của cô ấy có thay đổi hay không tùy thuộc vào thời gian và hành động cũng như cách ứng xử cụ thể của anh.
Lời khuyên dành cho anh là: hãy làm chủ câu chuyện của mình, đừng lôi kéo và làm khổ thêm một người nữa là Duyên. Nói thẳng ra, anh phải có tinh thần tự quyết và tự chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình. Từ trong suy nghĩ anh cũng đừng bắt đầu bằng “bởi vì vợ tôi... nên tôi...”. Chúc anh nhanh chóng có được phương hướng giải quyết.
Theo Lao Động