Chồng em là bác sĩ, trưởng khoa ở một bệnh viện. Từ trước đến nay, em rất tin tưởng chồng và anh ấy sống cũng bình thường, yên ổn. Nay mới vỡ ra là anh có bồ ở ngay nơi làm việc, với một cô y tá trưởng. Chuyện này đã lâu, ai cũng biết, chỉ em là người biết sau cùng! Chuyện vỡ lở chỉ vì cô y tá đó bỏ rơi anh ấy và anh đang rất bối rối, khổ sở.
Cũng đến lúc này anh mới nhận tội và xin em đừng làm gì ầm ĩ. Mọi người khuyên em bỏ qua vì anh đã nhận sai, có người còn bảo em cũng có lỗi vì không theo sát anh ấy, để chuyện xong rồi mới biết. Em lại nghĩ, tự nhiên anh ấy đâu có nhận lỗi, nếu cô kia không bỏ rơi… Anh quay về “bất đắc dĩ” như thế, liệu có gì bảo đảm không?
Quỳnh Nga (Q.10, TP.HCM)
Thân gửi em Quỳnh Nga
Có người nói: “Không có gì hay hơn là một sự trở lại”. Trong khi đó, người khác lại bảo: “Bát nước đã đổ thì hốt lại sao đầy?”. Đó là do cách nhìn khác nhau trước một sự việc, mức độ khoan dung và thực trạng tình cảm của người trong cuộc. Thông thường, khi phải chấp nhận sai lầm của bạn đời, người trong cuộc hay bám víu xem xét từ những việc không liên quan tới thực chất tình cảm. Ít người dám quả quyết: “Tôi còn yêu. Người ấy tốt, đáng yêu” mà họ thường nói: “Tôi vì con cái, vì sợ đối đầu với đổ vỡ, sợ xáo trộn cuộc sống, vì tài sản cơ ngơi, vì tòa án xét xử, chia chác kiện cáo mệt mỏi…”. Nếu không vì những “vật cản” này, không biết có bao nhiêu người sẽ quyết không cam chịu. Việc cần xem xét nhất là tình thương yêu giữa hai người có còn không?
Vậy em có suy tính tới các vấn đề đó, khi xem xét lời nhận lỗi, quay về của anh ấy? Em có lỗi gì không? Cái “không theo sát” mà mọi người nói với em, theo Hạnh Dung hiểu, không chỉ là nắm bắt biết anh đi đâu, giờ nào (những thứ bây giờ gần như không ai kiểm soát được nhau do điều kiện công việc đa dạng trong xã hội) - nghĩa là dù không phải “quản lý”, “sở hữu”, nhưng vợ chồng phải biết “theo sát” các biến động tình cảm, vui buồn, yêu thương hạnh phúc, sự cần thiết có nhau. Việc này chỉ người trong cuộc mới cảm nhận chính xác. Có thể em bận rộn, rồi nếp sinh hoạt thành thói quen, không để ý đến anh ấy nữa về mặt tâm hồn. Người thì vẫn đi về ăn ngủ, đưa tiền bạc, thậm chí vẫn quan tâm con cái (thế là phụ nữ yên tâm rồi), nhưng tình cảm đã khác, đã kín như bưng, hồn đã ở đâu đâu, cánh cửa của nội tâm đã đóng lại từ lâu rồi. Đó, đó mới là khiếm khuyết của đời sống vợ chồng. Cái thứ yếu (sinh hoạt, thói quen sống…) đã đưa lên thay cái chủ yếu nhất của mối quan hệ vợ chồng (tình yêu, sự gắn bó, sự cần có nhau trong suy nghĩ buồn vui, ham muốn). Chuyện anh ấy quay về có “bất đắc dĩ” hay không, em nên tìm hiểu tâm trạng thật của chồng hiện nay. Do sợ dư luận, sợ tan vỡ gia đình, do buồn đau vì mất mát, muốn tìm về nơi chốn bình yên là gia đình? Và vấn đề cốt lõi là, khi quay lại với em, anh ấy có thể tìm thấy tất cả những thứ mình cần hay không?
Nếu tha thứ hết thì người có lỗi có vẻ được ưu tiên quá, người không có lỗi phải hy sinh, chịu thiệt thòi để kéo họ lại sao? Đúng thế, nếu ta coi họ là người thân yêu. Người ruột thịt bị bệnh, ta lao vào chăm sóc cứu chữa được, tại sao ta không thể làm thế với người mà ta yêu đang bị “bệnh tinh thần”?
Còn để bảo đảm cho sự quay trở về có chắc chắn lâu bền không, không ai bên ngoài dám trả lời. Sức mạnh nội tại của hai vợ chồng, ý thức trách nhiệm, tình thương, lòng trắc ẩn, sự tử tế… - nếu từ xưa nó có, một thời gian chểnh mảng yếu ớt, thì nay phải tìm cách cho nó trở lại, mạnh mẽ lại. Còn nếu từ xưa nó vốn đã không có, nay lại thêm các toan tính, thù ghét, thì tất nhiên là kết quả cũng không như mong đợi đâu.
Theo Phunuonline.com.vn