Tối qua, trong quán café kiểu Tibetan huyền bí và thanh tịnh, tôi nghe một đoạn đối thoại sau đây giữa một người đàn bà ngoài 40 và một cô gái trẻ:
- Chị và anh ấy ly thân rồi, em cứ yên tâm. - Vậy là anh ấy không nói dối em.
- Không. Nhưng mà về tài sản thì em đừng trông mong. Phần lớn tài sản là do chị làm ra, và chị phải giữ cho bọn trẻ. Nếu ra đi, anh ấy chỉ có chiếc ô tô mà thôi. Đấy là lý do anh ấy chưa chịu ra đi.
- Thật thế hả chị?
Người đàn bà thanh lịch, giọng nói nhẹ nhàng, không giấu vẻ chua cay. Cô gái chừng ngoài 20, nhưng vẻ lanh lợi không trốn được sau gương mặt kháu khỉnh, cặp chân rất thon và dáng ngồi như chú nai con.
Sau cuộc trò chuyện ít gay cấn nhưng nhiều bẽ bàng này, ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Cô gái sẽ từ bỏ người tình “đã già lại không có tài sản” hay tha thiết tìm người đàn ông cô đơn của cô, vỗ về, cảm thông với tình cảnh éo le của anh, chờ ngày ca bài ca “một chiếc Audi Q5, hai trái tim vàng”?
Người đàn bà sẽ đắc thắng trở về ngôi nhà tiện nghi nhưng không còn hơi ấm của mình, khinh khỉnh nhìn người chồng đầu gối tay ấp một thời giờ đã trở nên vinh thân phì gia, tinh thần thì bạc nhược U50; hay chạy tới với người tình trẻ U30, sau phút nồng say, vục đầu vào gối cho những cay đắng tuôn rơi?
Không ít vở kịch như vậy vẫn được diễn mỗi ngày dưới những mái nhà, từ sang cả đến giản dị, từ villa cho đến căn hộ.
Có 101 lý do để làm như vậy. Họ đã chán nhau lắm, nhưng chưa thể từ bỏ những thói quen, tài sản sở hữu và những mối liên hệ chằng chéo mà cuộc hôn nhân 10 – 15 năm của họ đã tạo dựng. Có những cặp mà tờ hôn thú có giá trị đảm bảo cho những thương vụ lớn đang dở dang hay những khoản vay hàng chục tỷ trong nhà băng chưa đến ngày đáo hạn.
Những vở diễn chỉ có hai diễn viên, khán giả không mua vé nhưng cát-sê của mỗi người đến cả triệu đô la (không thua gì các minh tinh Holywood), nếu là bạn, bạn có chấp nhận không?
Cũng nhiều khi một trong hai người đã tổn thương quá nhiều, nhưng chấp nhận chịu đựng, vì không muốn gây xáo trộn cho con cái và song thân, khi những đứa trẻ cần tập trung cho kỳ thi và cha mẹ già trí lực mong manh, không chịu nổi một cú sốc tâm lý cỡ 12 độ richter như vậy.
Những người này không vì cái bản ngã, sự ích kỷ của mình mà dám phá vỡ một tổng thể chung. Vì xét cho cùng, họ đã chọn nhau, đã yêu và quyết sống với nhau, đã xây dựng một gia đình và các thành viên của nó, giờ đã hết muốn gắn bó, nhưng gia đình và các thành viên vô tội của nó thì không thể ngày một ngày hai bục vỡ theo cảm xúc và ý muốn nhất thời của mỗi cá nhân.
Về tình trạng này, thiền sư Osho từng hóm hỉnh: “Như tôi biết, 99% cuộc hôn nhân kết thúc vào lúc tuần trăng mật chấm dứt. Nhưng thế thì bạn bị tóm rồi, thế thì bạn không còn đường thoát nữa. Thế thì toàn thể xã hội, luật pháp, tòa án - mọi người đều chống lại bạn nếu bạn bỏ vợ, hay vợ bỏ bạn. Thế thì toàn thể nền đạo đức, tôn giáo, tu sĩ, mọi người đều chống lại bạn. Thực tế xã hội nên tạo ra đủ loại rào chắn có thể có đối với hôn nhân và không rào chắn nào với li dị” (Osho – Tình yêu và hôn nhân).
Cũng có thể ở tuổi này, sau đổ vỡ, họ nhận ra cái sự vô thường của đời sống. Chẳng có gì là vĩnh viễn, tình yêu, sự đắm say lại càng mong manh, chẳng có người tình nào mãi mãi đáng yêu khi đã trở thành vợ hay chồng. Và thế thì cứ tạm như vậy, cái gì đến thì đến, nếu ai đến sau, mà đủ sức vượt qua những chướng ngại này, thì đó đúng là số phận.
Nhưng nếu chọn vở diễn này, hạnh phúc của họ phải đi qua cánh cửa hẹp. Người phụ nữ khi không còn xuân sắc, tối nào cũng phải ở nhà lo cho con và bố mẹ chồng thì người đàn ông mới của cô ta cũng phải can đảm và rộng lượng lắm mới vượt qua được. Chưa kể cuộc sống hai mặt cũng đẩy họ vào những trạng thái tâm lý không dễ chịu. Nhưng “hai mươi nhân hai” rồi, việc làm lại mọi thứ từ đầu có thật sự dễ dàng không?
Tôi có một cô bạn thời sinh viên, giờ cô cũng sống như vậy, trong gia đình nhiều tiện nghi mà ít tiếng cười. Cô là chủ một doanh nghiệp lớn, chuyên xuất khẩu đồ gỗ. Đứa con gái xinh xắn năm nay 13 tuổi là kết quả của mối tình với người đàn ông đến sau, khi cuộc hôn nhân của cô đã vỡ. Cả chồng cô, cô và người tình của mình đều biết rõ, chỉ đứa bé là không được biết. Nó sinh ra, lớn lên với một bản lý lịch bị đánh tráo. Nó yêu quý người nó gọi bằng bác (nhưng có chung dòng máu) và nó rất ngạc nhiên và phẫn nộ khi cha nó có bồ nhí, mà mẹ nó chẳng có phản ứng ghen tuông gì.
Vấn đề là mẹ nó cũng chẳng chịu lấy bố (ruột) của nó vì ông còn trong cuộc hôn nhân với 3 đứa con có giá thú. Còn ông bố (khai sinh) rất ngại lập gia đình lần nữa, khi chẳng tìm được ai hơn mẹ nó và biết chắc mình không thể sinh con như người ta.
Ông chồng hờ của cô bạn tôi thường hay mang bà vợ xinh đẹp giỏi giang của mình ra như một tấm chắn gió khi mà bồ nhí của anh ta có nguy cơ lấn lướt đòi dân chủ và công khai hóa.
Trước chung chăn, nay thành “roomate” (bạn cùng phòng); trước là vợ chồng, nay người này thành khách trọ thân thiện của người kia, trong chính ngôi nhà tráng lệ của mình - những diễn viên ấy có cảm thấy dễ chịu với vai diễn cát-sê cả triệu đô này không?
Chỉ mình họ biết!
Chúng ta không thể phán xét gì, nếu không phải người trong cuộc.
Xét cho cùng, cõi sống thật vô thường. Nên hay không nên, được hay mất đều tương đối. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, chẳng ai sinh ra trên đời chỉ để rước lấy sự cô đơn và nỗi khổ đau, chẳng ai muốn tung tăng đi tìm tình yêu để rồi mắc kẹt trong cái lưới “roomate” quái quỷ và vở kịch hôn nhân buồn tẻ này cả! Bản thân mình, sau khi đi qua một cuộc hôn nhân, tôi cũng nhận ra: Ái tình và hôn nhân đúng là hai sinh vật cực kỳ đỏng đảnh và khác biệt, như con công với con gà. Chúng ta phần lớn cùng say đắm một con công, rồi trèo đèo lội suối rình rập tìm mọi cách bắt về, để rồi đồng lòng vặt lông, biến nó thành... con gà. Khi nhận ra, thảy đã muộn rồi!
Vì thế, từ nay, nếu có gặp tình yêu đích thực của đời mình, tôi cũng sẽ không nhẫn tâm làm cái việc đến khiếp là đi "waxing" nàng công xinh đẹp...
Bởi ngắm nhìn con công trụi lông còn làm bộ xòe cánh là việc rất ngán, nhưng phết bơ, bỏ nó vào lò nướng là một hành động phi thường mà tôi luôn thiếu dũng khí.
Theo Đẹp