Những anh chàng lấy vợ cho xong

lananh |

Lấy vợ khi không yêu, nhiều chàng trai buồn bã ngay trong ngày trọng đại của đời mình.

Đang tâm sự với cô bạn gái đêm trước ngày cưới mình, Trúc nhận được tin nhắn "lạc" từ số máy của chú rể: "Lấy vợ cho xong việc thôi, vui gì. Anh chán lắm. Cuộc sống của em thế nào?".

Ảnh minh họa

Đang tức tối, định gọi lại mắng chồng thì Trúc nhận được tin thứ hai: "Anh nhắn nhầm. Em thông cảm". Trúc biết thừa địa chỉ đến chính xác của tin nhắn kia chính là cô người yêu cũ của chú rể, nhưng cô không muốn làm ầm lên vì sợ ảnh hưởng đến ngày trọng đại của mình. Bản thân cô biết Quang không hào hứng gì với đám cưới này.

Là chàng trai thông minh, lịch lãm, suốt hơn chục năm ở Hà Nội học rồi làm việc, Quang từng có vài mối tình sâu đậm nhưng không thành. Cuối cùng, theo ý gia đình, anh bỏ lại tất cả ở thủ đô, về Bắc Ninh nối nghiệp bố, làm giám đốc một cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy. Vì đã qua tuổi băm, nên anh liên tục bị phụ huynh thúc giục lập gia đình. Nản khi nghĩ tới việc phải đi cưa cẩm, Quang đồng ý để mẹ giới thiệu cho một cô gái mà theo lời gia đình anh là đẹp cả người lẫn nết. Sau hai tháng làm quen, tìm hiểu, gặp nhau được khoảng 5 -7 lần, anh chấp nhận làm đám cưới với cô giáo viên 24 tuổi.

Chính vì "lấy vợ cho hoàn thành ý nguyện của ông bô, bà bô" nên Quang chẳng để tâm chuẩn bị đám cưới. "Cỗ bàn đã có các cụ lo. Quần áo cô dâu, đồ trang điểm... kệ cô ấy rủ bạn gái đi chọn cùng", Quang kể. Đến hôm đám cưới mình, Quang vẫn nhắn tin tâm sự với người yêu cũ và say sưa chén tạc chén thù với đám bạn đến mừng, quên cả đi đón cô dâu.

Cũng lấy vợ cho xong chuyện, ngay trong đêm trước đám cưới, khi gặp lại một người bạn thân, Túc (Hoài Đức, Hà Nội) ngao ngán than thở: "Giờ tao chỉ muốn biến đi đâu đó để khỏi phải làm chú rể".

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hết cấp 3, Túc ra trung tâm Hà Nội, phụ cho một cơ sở sản xuất bánh kẹo. Mấy năm liền, nhờ chăm chỉ, Túc dần tích cóp được chút tiền rồi vay mượn thêm mua một chiếc ô tô của hãng taxi để chở khách. Lo làm ăn, anh chàng cũng không mấy chú ý đến chuyện yêu đương và chỉ có vài mối tình kiểu qua đường. Là con trai út trong nhà, 4 chị gái đều đã lấy chồng, năm ngoái, khi bước vào tuổi 30, anh bị cả nhà thúc ép lấy vợ. "Mỗi lần về là các cụ ca thán, kể khổ, nói sợ đến khi xuống lỗ vẫn không được bế cháu nội, mình nghe mà ù cả tai", anh kể.

Cuối cùng, nghĩ mình cũng đến tuổi phải lấy vợ, Túc nhờ người bạn thân làm mối cho cô em, và chỉ cần sau vài tháng cưa cẩm, nàng gật đầu, là đám cưới được tiến hành. "Thực ra ở cạnh cô ấy mình chả có cảm giác gì, cũng không biết người ta có tình cảm với mình không, nhưng bố mẹ mình có vẻ quý cô nàng, vì tuy hơi chậm chạp nhưng được cái hiền lành, ngoan ngoãn, lại gần nhà", Túc kể lại.

Dù vậy, khi càng gần đến ngày tổ chức, Túc càng tỏ ra chán nản. Sau đám cưới, anh chàng vẫn chạy xe suốt, thỉnh thoảng mới về nhà. "Giờ có vợ ở nhà rồi, ông bà khỏi kêu ca, mình ra ngoài càng yên tâm, mà cũng không muốn về, thấy 'người ta" vẫn cứ xa lạ thế nào", Túc thổ lộ. Anh còn cho biết, vì vốn không có tình cảm với vợ, nên càng ngày anh càng chán khi thấy "nửa kia" của mình quá nhẫn nhịn, chậm chạp. Anh cũng chẳng bao giờ dẫn vợ đi cùng mình tới đâu.

Theo chuyên gia tâm lý Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM, Thông thường, mọi người hay nghĩ chỉ có phái nữ - vốn được coi là yếu đuối, thụ động, mới lập gia đình theo kiểu "nhắm mắt đưa chân," nhưng thực tế, không ít nam giới cũng "lấy bừa", dù không có tình cảm với bạn đời.

Có nhiều nguyên nhân khiến các đấng mày râu lấy vợ cho xong chuyện: Vì đã nhiều tuổi nên ngại "cưa cẩm", vì từng trải qua nhiều mối tình nên chán yêu, hay bị người thân giục giã... Những người lấy vợ theo kiểu "thực hiện nghĩa vụ" thường có một vài tiêu chí chọn bạn đời nhất định, như: cô gái đó có nghề nghiệp ổn định, được lòng phụ huynh, ngoan ngoãn, dễ bảo, gần nhà... và họ nghĩ điều này có thể đảm bảo để xây dựng một gia đình êm ấm.

Thế nhưng, khi yếu tố cần và quan trọng nhất để bắt đầu một cuộc hôn nhân là tình yêu không có, thì hai người rất khó tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc. Khi đó, cuộc sống chung của họ đơn thuần là sự cố gắng chấp nhận, chịu đựng nhau. Người đàn ông khi không có tình cảm với vợ sẽ rất dễ ngã lòng khi có điều kiện thuận lợi.

Trường hợp của anh Toàn (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình. Cách đây 5 năm, khi đang chán nản sau khi mối tình sâu đậm tan vỡ, Toàn được một cô gái thổ lộ tình cảm và chủ động tấn công. Dù không hề rung động, nhưng anh chẳng nỡ từ chối sự chăm sóc, quan tâm của người đẹp. Rồi đám cưới diễn ra như mong muốn của cô gái và gia đình hai bên.

Người ngoài nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ tổ ấm của anh, khi chồng là một người thành đạt, có vị trí cao trong xã hội, vợ trẻ đẹp, khéo thu vén, được lòng cả nhà chồng. Thế nhưng, anh Toàn lại không hề cảm thấy hạnh phúc. Rồi chị vợ phát hiện anh ngoại tình, hết lần nọ đến lần kia. Cuối cùng, không thể cố gắng níu giữ người chồng "đồng sàng, dị mộng", chị đành viết đơn ly dị khi đã có hai đứa con. Anh Toàn cũng chẳng tha thiết xin vợ nghĩ lại.

Nhà tâm lý Minh Hoa nhận định, thực tế, những người đàn ông lấy vợ cho xong việc chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân, cuộc đời của mình. Có thể họ chỉ nghĩ đơn giản là lấy vợ cho vừa lòng bố mẹ, hoàn thành trách nhiệm làm trai, mà không lường đến hậu quả của điều này. Họ kết hôn khi chưa nhận thức được vai trò của mình sau hôn nhân nên có thể vẫn sống như một người còn độc thân, không có trách nhiệm với gia đình, vợ, con.

"Lấy vợ, lấy chồng là cho chính mình trước tiên và sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mình. Hôn nhân là chuyện của hai người, nhưng lại liên quan đến rất nhiều mối quan hệ khác, nên không thể chỉ làm cho xong chuyện. Đó là một quyết định quan trọng và cần được cân nhắc kỹ lưỡng, để nó không bắt đầu cho sự bất hạnh của chính mình và những người khác", bà Hoa nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại