Nhiều teen nam bị cắt tinh hoàn vì ngại đi khám

camnhung |

"Nếu các bạn trẻ gặp triệu chứng đau bìu cấp tính, bạn cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa", bác sĩ nhấn mạnh.

Kể lại việc này trong nỗi ân hận và mặc cảm vì sự khiếm khuyết của mình, cậu học trò 17 tuổi cho biết, khi bị đau khu vực nhạy cảm, kiểm tra thấy "túi bi" bị sưng to, em cho là do thời gian gần đây mình hay thủ dâm nên xấu hổ, không muốn ai biết. "Em cứ nghĩ rồi dần dần sẽ hết đau, không ngờ càng lúc càng không chịu được. Tới khi vào viện, bác sĩ bảo phải mổ cấp cứu, em mới hoảng hồn", Quang kể.

Cách đây không lâu, các bác sĩ Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức cũng phải cắt bỏ một bên bìu cho bệnh nhân tên Thái, 15 tuổi, bị xoắn tinh hoàn vì tới viện quá muộn.

Khi nhập viện, tinh hoàn bên trái của Thái đã ở tình trạng sưng to, có nước bên trong. Thái cho biết, em bị đau "bi" từ 4 hôm trước. Bố mẹ đã đưa em đến một phòng khám tư và bác sĩ kết luận em bị viêm mào tinh hoàn, cho thuốc về uống. Sau mấy ngày dùng thuốc vẫn không đỡ, đau đến nỗi không thể đi được, Thái mới được đưa đến gặp bác sĩ nam khoa. Em được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn và mổ ngay nhưng vẫn không cứu được "túi bi".

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm Nam học, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu khẩn cấp trong chuyên khoa tiết niệu. Đó là hiện tượng thừng tinh (cuống của tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây hậu quả là tinh hoàn bị thiếu máu, dẫn đến hoại tử, vì vậy, nếu điều trị không kịp thời sẽ phải cắt bỏ.

Nếu như tinh hoàn còn lại không hoạt động tốt thì người bị cắt một bên sẽ giảm khả năng sinh sản do tinh trùng ít, chất lượng kém. Ngoài ra, do thiếu hụt hoóc môn sinh dục nam, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu hơi, hụt sức và cơ bắp kém phát triển. Đời sống tình dục sau này cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc cắt bỏ tinh hoàn khiến nam giới luôn mặc cảm, tự ti.

Mặc dù có tính chất nguy hiểm như vậy, nhưng không mấy bạn trẻ ý thức được tầm quan trọng của bệnh này. Đến khám bệnh muộn sau khi bị xoắn tinh hoàn hay chẩn đoán nhầm với những bệnh khác là lý do dẫn đến việc cắt bỏ tinh hoàn. Tại Anh, theo thống kê, mỗi năm có khoảng 400 nam giới phải cắt bỏ tinh hoàn vì bệnh này. Ở Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Việt Đức, có tới 85% số bệnh nhân được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ một bên do đến khám muộn.

Theo bác sĩ Bắc, bệnh này hay gặp ở trẻ em và lứa tuổi xung quanh giai đoạn dậy thì. Hiện tại, y học chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố thuận lợi cho bệnh như giai đoạn dậy thì của bạn nam (khi cơ bìu hoạt động mạnh), chạy nhảy nhiều, chấn thương vùng kín, thời tiết lạnh (cơ bìu phải co lại để sưởi ấm cho tinh hoàn). Các yếu tố này chỉ có tính chất thúc đẩy xoắn xảy ra trên các tinh hoàn có bất thường về giải phẫu.

Bác sĩ cho hay, khi mắc bệnh này, các bạn trai thường e ngại, chủ quan, không muốn đến các bệnh viện có uy tín để khám nên thường tự mua thuốc uống hoặc tìm tới các phòng khám tư nhân. Tại đây, họ thường được chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn và điều trị bằng kháng sinh. Sau vài tuần điều trị bệnh vẫn không đỡ, bệnh nhân mới đến viện khám. Khi đến khám bệnh muộn, cắt bỏ tinh hoàn là điều tất yếu.

"Thời gian vàng để giữ được 'túi bi' là 4-6 giờ sau khi có triệu chứng đau cấp tính ở tinh hoàn. Nếu bệnh nhân đến vào thời gian này, bác sĩ sẽ cho siêu âm Doppler màu để chẩn đoán. Nếu xác định bị xoắn tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được mổ để tháo các vòng xoắn của thừng tinh ra", bác sĩ Bắc nói.

Ông cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám cấp cứu vì xoắn tinh hoàn có xu hướng tăng lên. Trong số đó phần lớn là đến khám muộn. Đây là một dấu hiệu báo động cho thấy nhận thức của người bệnh và y tế tuyến cơ sở còn hạn chế.

"Nếu các bạn trẻ gặp triệu chứng đau bìu cấp tính, bạn cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa", bác sĩ nhấn mạnh.

Theo VnExpress.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại