Chồng không muốn mỗi ngày nhìn thấy mẹ “tẹt” cứ cặm cụi hết việc nọ đến việc kia, đến nỗi cơm dọn ra rồi còn lọ mọ mãi trong bếp chưa chịu ngồi ăn cùng 3 bố con. Chồng không muốn mỗi khi về nhà nhìn thấy mẹ “tẹt” cứ biến cái nhà thành nơi “vô trùng” với các tiêu chí: Không bụi, không tàn thuốc lá… Đến nay mẹ “tẹt” chợt nhận ra có lẽ mình sai thật.
Cái lần chồng cau có: “Sao chưa hôm nào về nhà anh thấy em ngồi xem phim hay nghỉ ngơi nhỉ? Lúc nào cũng thấy em dưới bếp vậy?”.Mẹ “tẹt” bĩu môi: “Hàng tá việc không tên, chẳng làm thì ai làm?”. Chồng muốn mẹ “tẹt” nghỉ việc cơ quan là để có thời gian chăm sóc con cái và làm đẹp chứ không phải đa mang việc nhà. Chồng đề xuất thuê ô sin, mẹ “tẹt” phản ứng:“Vừa tốn tiền lại dễ mất chồng như chơi, khi ấy ai đền chồng cho em?”.
Lần chồng đưa “mẹ” tẹt đi du lịch cùng cơ quan thì mẹ “tẹt” cứ như người ngoài cuộc, ai hỏi gì thì trả lời nấy. Chồng thường nói muốn mẹ “tẹt” lúc nào cũng đẹp chứ không phải lấm lem với cái tạp dề. Mẹ “tẹt” thấy chồng vô lý quá độ, có cơm dẻo canh ngọt, có nhà cửa sạch sẽ lại còn này nọ.
Nhìn chồng bỏ rơi để đi cụng ly cùng người này người khác, vợ thấy nhói đau (ảnh minh họa)
Chồng mua cho mẹ “tẹt” cái áo mới liền bị phủ đầu:“Lại tiền thật mua của giả rồi. Quần áo em cả đống, anh mua làm gì?”.Chồng chẳng nói chẳng rằng, lững thững ra ghế ngồi xem vô tuyến. Chồng muốn đưa mẹ “tẹt” đi ăn nhà hàng, uống cà phê vào cuối tuần cũng khó bởi những lý do giản đơn:“Tốn kém gấp trăm lần mình tự nấu”.
Nhớ tuần trước, cơ quan chồng tổ chức tiệc đêm. Mẹ “tẹt” tìm mãi trong tủ đồ cố moi bằng ra một bộ váy cho hợp với cuộc vui. Nhưng lục tung cả nhà lên cũng chẳng “bói” đâu ra một bộ váy bặt mắt mà toàn là quần tây, áo sơ mi hay những bộ đồ lỗi mốt, cũ kỹ.
Mẹ “tẹt” thẫn thờ hỏi chồng: “Em mặc vậy đi được không anh?”.Chồng ái ngại nhìn mẹ “tẹt” nhếch nhác với bộ đồ “xưa như trái đất” trả lời gọn lõn: “Đành vậy”.Nhìn chồng phong độ, lịch lãm đi bên mình, mẹ “tẹt” thấy sao xa cách thế này?
Đến nơi, nhìn những đôi vợ chồng hạnh phúc bên nhau, chồng mặt veston, thắt cà vạt, đi giày bóng loáng. Vợ mặc váy đầm quý phái, quyến rũ. Mẹ “tẹt” bỗng nhiên lạc lõng giữa những con người lịch sự kia. Mẹ “tẹt” chẳng dám đi gần chồng nữa vì sợ người ta biết phu nhân của sếp lại giản đơn và quê mùa đến thế. Bữa ấy, mẹ “tẹt” không nắm tay chồng như mọi khi nữa. Hòa vào cuộc vui, chồng cũng buông tay mẹ “tẹt” tự lúc nào.
Nhìn chồng cười tươi, bỏ rơi mẹ “tẹt” ở bàn để đến cụng ly cùng người này người khác, mẹ “tẹt” buồn kinh khủng. Chả hiểu sao nước mắt cứ lã chã rơi. Cố ngước nhìn, chao ôi, bố cu bi đẹp quá, sang trọng quá. Nhìn lại mình, mẹ “tẹt” thấy tụt hậu thật rồi. Nghe loáng thoáng những câu hỏi: “Vợ sếp đâu rồi?”,mẹ “tẹt” thấy nước mắt mình nhòa đi.
Khi đến màn khiêu vũ, mẹ “tẹt” lọt thõm giữa những tiếng nhạc, giữa những bước nhảy, những cái nhìn tình tứ, những nụ cười ấm áp trong bữa tiệc đêm. Đường đường là vợ sếp mà sao mẹ “tẹt” lại phải ngồi ở góc này, bâng quơ với những câu hỏi của một nhân viên: “Sao chị không ra nhảy cùng anh? Chị uống gì để em lấy?”. Giá như đây là câu hỏi của chồng thì có lẽ mẹ “tẹt” sẽ vui lắm.
Có một ngày vợ nhận thấy mình tụt hậu quá đỗi (ảnh minh họa)
Đi một đôi giày cao gót với mẹ “tẹt” còn khó khăn huống hồ khiêu vũ. Lẽ ra mẹ “tẹt” có thể cùng chồng đưa những bước chân theo tiếng nhạc êm dịu, thay vì nhìn chồng đang mời một người phụ nữ khác một điệu nhảy. Mẹ “tẹt” không ghen đâu nhưng thử hỏi khi nhìn chồng đặt tay vào eo người đàn bà khác, có ai cầm lòng được?
Mẹ “tẹt” trước đây từng là hoa khôi của trường đại học đấy, nào phải là cô gái kém nhan sắc, cũ kĩ cho cam? Nhưng chẳng hiểu từ lúc nào, mẹ “tẹt” quên dành thời gian cho mình, quên trang điểm, quên những bộ váy áo, quên những thứ gọi là lãng mạn. Trong suy nghĩ của mẹ “tẹt” chỉ có cuộc sống gia đình với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, chỉ cần chăm sóc cho chồng con là đủ.
Mua một bộ trang điểm, mẹ “tẹt” cũng tiếc tiền cho dù chồng sẵn sàng chi. Mỗi khi chồng đề nghị mẹ “tẹt” thay đổi hình thức bề ngoài chút xíu, mẹ “tẹt” lại xù lông lên: “Có tuổi rồi, giờ còn diện cho ai ngắm? Anh chỉ bày đặt”.
Để rồi đến một ngày chồng chẳng muốn đưa mẹ “tẹt” đến cơ quan nữa. Mẹ “tẹt” biết chồng cũng có những sĩ diện rất đàn ông. Tuy không nói thẳng ra nhưng tiếng thở dài thườn thượt cũng đủ để khẳng định rằng mẹ “tẹt” đang bị bỏ rơi thê thảm. Có lẽ đã đến lúc mẹ “tẹt” phải nhìn lại mình để nắm giữ bàn tay chồng, kẻo có ngày lạc mất nhau.
Theo Eva.vn