Nghe Thanh nói, tôi trố mắt ngạc nhiên: “Trúc bị chồng đánh à? Nhìn chồng nó lịch lãm thế cơ mà?”. Chẳng là dịp đám cưới Trúc cách đây nửa năm, chúng tôi đã được diện kiến dung nhan anh chàng “Việt kiều về nước” của cô bạn. Gặp bạn bè của vợ, Lâm – chồng Trúc – tỏ ra vô cùng nhã nhặn và lịch sự, dù rất giàu có nhưng không hề kênh kiệu hay lên mặt, làm ai cũng thấy mừng cho cô bạn.
Ấy thế mà… Thanh bật cười nhìn cái mặt “ngố” của tôi rồi bảo: “Không đánh đập gì cả. Đâu cứ phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay mới là bạo hành. Nàng ta đang bị “bạo hành xã hội” đấy. Cứ tưởng anh Việt kiều sống ở nước ngoài lâu thì phải có tư tưởng phóng khoáng, ai dè còn cổ hủ, khắt khe với vợ quá thời phong kiến!”. Qua lời kể của Thanh, tôi mới biết Trúc cũng chẳng sung sướng gì.
Trước khi cưới, Lâm tỏ ra chiều chuộng và thoải mái với Trúc bao nhiêu thì sau ngày cưới lại khó khăn bấy nhiêu. Lâm bắt Trúc nghỉ việc, ở nhà… chơi, vì mọi việc có người giúp việc lo cả. Lý do của Lâm là: “Em cứ ăn mặc đẹp rồi ra đường thì gã nào cũng thèm thuồng hết. Mà dân công sở anh còn lạ gì, thời nay “tình một đêm” nhan nhản, em khù khờ thế này dễ bị dụ lắm”. Trúc năn nỉ hết lời cũng không thay đổi được chồng, mà khổ nhất là bố mẹ cô cũng về phe với Lâm.
Ông bà cho rằng được vào làm dâu một gia đình giàu có, không phải bươn chải kiếm tiền là sung sướng quá rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Không dừng lại ở đó, Lâm còn ngăn cản Trúc ra ngoài gặp gỡ bạn bè với lý do “tốn thời gian vô bổ”, đi mua sắm hay giải trí gì thì luôn phải có Lâm đi cùng để thanh toán (Lâm cũng giữ chặt hầu bao với lý do: Trúc không ra ngoài thì cần gì có nhiều tiền trong người). Kiểu sống này với ai có thể là bình thường, chứ với một người năng động và hướng ngoại như Trúc, tôi nghĩ thật sự quá áp lực và căng thẳng đối với cô ấy.
Biến vợ thành “công cụ giải trí” vì thù hận
Đó là trường hợp đáng buồn của chị Hạnh – chị họ của chồng tôi. Chị lấy chồng được hơn một năm thì anh Toàn (chồng chị) đi tu nghiệp nước ngoài. Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng trẻ chưa kéo dài lâu đã bị ngắt quãng, anh Toàn đi học ba năm mới về Việt Nam. Trong suốt ba năm đó anh không về thăm vợ lần nào, công việc nghiên cứu cũng quá bận rộn nên có khi cả tuần anh mới gọi điện hỏi thăm vợ vài câu.
Chị Hạnh ở nhà “đánh vật” với nỗi cô đơn và những khó khăn hàng ngày, dù rất nhỏ nhưng cũng khiến lòng chị nức nở mỗi khi đêm về. Để rồi sau gần hai năm xa chồng, chị đã ngã vào lòng một người đàn ông khác. Chỉ một lần duy nhất, sau đó chị đã ân hận, dằn vặt mình hàng tháng trời đến độ suy sụp thần kinh và phải nhập viện. Khi khỏe lại, chị đã thu hết can đảm viết một email thú tội và gửi cho chồng. Chị không ngờ, sự thành thật của mình đã khởi đầu cho chuỗi ngày đầy cay đắng và tủi nhục…
Anh Toàn về nước, vẫn giữ thái độ bình thản và tỏ vẻ vui mừng khôn xiết khi được gặp lại vợ. Chị Hạnh thở phào khi chồng đủ bao dung để tha thứ cho phút ngã lòng của mình. Nhưng đêm đầu tiên vợ chồng gặp lại nhau, chị đã phải thét lên kinh hoàng khi thấy chồng chị rút từ trong túi ra một… chiếc dương vật giả to tướng, gằn giọng bảo: “Cô thèm cái của này đến thế thì để tôi chiều cô cho thỏa nhé!”. Rồi, mặc cho vợ khóc lóc van nài, anh Toàn vẫn nhất quyết “tra tấn” vợ theo cách đó. Mỗi khi đêm xuống là chị Hạnh lại nơm nớp sợ hãi như sắp gặp phải cơn ác mộng.
Hôm thì anh trói tay, trói chân, nhét cả giẻ vào miệng chị để chị khỏi kêu la, hôm khác anh dùng hàng đống sextoy mua ở nước ngoài về, làm đủ trò với chị, miệng không ngừng xỉ vả bằng những lời cay độc. Cứ thế, cuộc sống như địa ngục ấy kéo dài đến nay đã hai năm. Tâm sự với tôi, chị Hạnh bảo, dù rất tủi nhục và đau đớn nhưng chị vẫn không dám ly hôn với anh Toàn, bởi trong thâm tâm chị nghĩ “mình có lỗi”…
Im lặng để “trừng trị”
Gia đình anh Khánh chị Thương “nổi tiếng” khắp phố vì mỗi lần anh chị giận hay cãi nhau là cả xóm đều biết hết. Đáng nói là ở chỗ, không phải anh chị đánh lộn hay cãi vã to tiếng gì, ngược lại, mỗi khi có bất hòa, anh Khánh đều dùng cách “im lặng là vàng”. Ngặt nỗi, nhà anh chị lại bán hàng ăn, chồng nấu, vợ phục vụ. Lúc vợ chồng vui vẻ thì không sao, chứ đến nhà anh chị ăn sáng nhằm lúc vợ chồng giận nhau là y như “mất hứng” cả ngày: khách gọi món gì thì vợ ghi ra giấy rồi đặt trước mặt chồng. Nếu chỉ nói miệng thì chắc chắn khách “nghỉ ăn” vì anh cứ… giả điếc.
Mà những lý do để anh Khánh giận chị Thương thì thật sự “trời ơi” chứ nào phải to tát gì: khi thì do chị quên bỏ rác, khi lại do chị giặt quần áo xong quên ngâm với nước xả vải… Chị Thương kể, mỗi lần như vậy anh Khánh có thể giận chị vài ba ngày liền. Khi tôi bảo rằng đó cũng là một hình thức “bạo lực tinh thần” khiến người phụ nữ mệt mỏi, căng thẳng và nếu kéo dài lâu có thể bị trầm uất, chị Thương thở dài: “Tôi cũng lựa lúc vợ chồng tình cảm mà nhỏ nhẹ bảo với ông ấy là đừng có dùng cách đó. Nếu không hài lòng chuyện gì thì cứ nói ngay để vợ sửa chữa, đằng này ông ấy cứ lừ lừ, cạy răng cũng không nói, tôi chẳng biết mình làm sai cái gì mà sửa nữa”.
Theo Afamily.vn