Hiện nay, hầu hết các thẩm mỹ viện đều thường xuyên sử dụng silicon trong giải phẩu thẩm mỹ. Mỗi mũi tiêm silicon có trị giá khoảng 180.000 đồng, tuy nhiên cái “giá” của nguy hiểm lại không đo lường được.
TS.BS Lê Hành, Chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho biết, những cảnh báo về biến chứng do tự ý tiêm silicon lỏng luôn được nhắc đến trong các hội thảo khoa học, kể từ năm 1993, “Đã có không ít trường hợp bị nhiễm trùng, khó thở, xuất huyết phế nang, thậm chí dẫn đến tử vong do biến chứng từ silicon lỏng. Vậy mà nhiều người vẫn cứ liều mình tìm cái đẹp ở những lọ hoá chất không tên tuổi của dân làm đẹp rong”, BS Lê Hành lo ngại.
BS Lê Hành cũng đưa ra lời khuyên, người làm đẹp cần có kiến thức, thông qua cập nhật trên báo chí, internet về những kỹ thuật làm đẹp mới, an toàn. Như trong phẫu thuật thẩm mỹ, một số chất hiện được cho phép sử dụng như: acid Hyaluronic (Restylane, Macrolane), chi phí cho 10cc khoảng 400 – 500 USD và chỉ có bác sĩ chuyên môn cao mới được phép sử dụng, làm đẹp cho bệnh nhân.
Không chỉ dùng silicon lỏng để “nâng cấp” các vòng mà nhiều bác sĩ còn cho biết đã từng gặp những nạn nhân của silicon lỏng sau khi bơm chất này để cải thiện kích cỡ cho “của quý”. Kết quả sau đó “của quý” trở nên biến dạng, méo mó. Những biến chứng nguy hiểm.
Rất nhiều người dân Tp. Hồ Chí Minh còn nhớ rõ một vụ việc “cậu nhỏ” bị dị dạng vì tiêm silicon lỏng xảy ra trung tuần tháng 5.2010, bệnh viện Bình Dân TP.HCM nhận cấp cứu cho một bệnh nhân nam. Người này đã tự bơm silicon vào dương vật, mong cải thiện kích cỡ “cậu nhỏ”. Chẳng ngờ hoá chất gây vón cục, nhiễm trùng, gây dị dạng. Các bác sĩ phải sơ cứu trước khi phẫu thuật tạo hình dương vật.
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cảnh báo, vì là chất không bảo đảm vô trùng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên khi tiêm silicon lỏng để làm đẹp sẽ rất nguy hiểm. Biến chứng sớm nhất sau tiêm là tắc mạch ở não, thận, phổi, gan, ruột… nên rất dễ tử vong. Muộn hơn là nhiễm trùng biến dạng vùng ngực, mông hoặc bị rò rỉ chất lỏng gây viêm loét và xơ vón.
Không những thế, silicon lỏng có thể hòa vào mô làm thoái hóa mô, thậm chí gây ung thư. Chính vì thế từ năm 1992, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ. Khi xảy ra các biến chứng do tiêm silicon lỏng, việc điều trị cũng không đơn giản.
Theo bác sĩ Trực, với những trường hợp tiêm ở nhiều vị trí sẽ rất khó điều trị vì chất silicon xâm lấn lan tỏa. Do vậy để điều trị, bác sĩ phải phẫu thuật lấy bỏ cả tổ chức mô xung quanh và thay thế bằng các chất làm đầy mô khác.
Theo Ngọc Trà