Ảnh minh họa
Thời điểm căng thẳng nhất đối với phụ nữ là lúc 17h55 mỗi chiều khi họ phải cuống cuồng đón con và nấu bữa cơm tối cho kịp giờ, Telegraph cho biết.
Stress…
Những ngày nắng nóng như thêm một tác nhân khiến chị Dung thêm ái ngại, mệt mỏi. Là dân văn phòng, guồng quay công việc và gánh nặng việc nhà luôn khiến chị phải xoay như chong chóng. Sáng, vội vàng lo cho con ăn, đi học đúng giờ, chị lại tất tả lên cơ quan, chỉ lo tắc đường, nhỡ vài phút cũng bị trừ lương. Công việc cả ngày trong phòng máy lạnh làm bớt đi cái oi ả của thời tiết. Nhưng chưa tới 16h, khi công việc còn đang dang dở, chị Dung lại mắt trước, mắt sau thu dọn để kịp giờ đón con. Cả ngày quay cuồng trong công việc, song có lẽ khoảng thời gian từ 16- 20h tối là chị thấy oải nhất.
Giống như hầu hết các bà mẹ trẻ trong các gia đình trẻ, chị Dung phải đối mặt với “khung giờ ác mộng”, khi mà chị đã quá mệt mỏi sau giờ làm việc. Mỗi ngày, “chiến đấu” gần chục km, về tới trường đón con là chị muốn lả. Cho con chơi ở trường, cũng là lúc trong đầu chị phải tính toán xem hôm nay ăn món gì. Riêng việc này cũng khiến chị ù tai, bởi cả nhà chỉ có bữa tối quây quần. Chị muốn chồng con ăn uống ngon miệng, vui vẻ.
“Nhiều hôm về đến trường đón con, ngồi nghỉ mà không muốn về nữa. Mệt rũ ra khi nghĩ tới một núi việc đang chờ mình ở nhà”, chị Dung than thở. Với nhiều phụ nữ trẻ, thời gian chuẩn bị bữa ăn tối chính là lúc họ cảm thấy căng thẳng và ức chế nhất, trong khi bận rộn với bao công việc: Chuẩn bị bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con… Lại thêm phần con nhằng nhẵng bám váy mẹ, lải nhải đòi một thứ gì đó, muốn mẹ chơi với con. Ông chồng thì chỉ nằm xem tivi hoặc không ngó ngàng tới công việc của vợ.
Dù đã tự nhủ phải kiềm chế, vui vẻ với chồng con, song chị Dung không thể kìm chế cảm xúc của bản thân. Chị không tránh được những cơn quát tháo, mắng mỏ con và cằn nhằn chồng. Sau đó, chị lại cảm thấy có lỗi, nhưng thực ra đó đâu phải lỗi tại chị.
Trong cái khoảnh khắc mà người Mỹ gọi là “giờ ma thuật” này thì thần kinh có cứng như thép của các bà mẹ trẻ cũng phải chảy ra. Tiến sĩ tâm lý Kathleen A. Kendal - Tackett, tác giả cuốn“The Hidden Feelings of Motherhood”(Những ẩn giác của người mẹ) nhận xét: “Chẳng có bà mẹ nào khoái “cảnh tượng khủng khiếp này”, có người còn ao ước giá như được ở luôn trong cơ quan làm có lẽ còn khỏe hơn”.
Lời khuyên
Tiến sĩ Kendal - Tackett cho biết thêm: “Lỗi lầm thường gặp ở các bà mẹ trẻ là khi đi làm về, họ cảm thấy có bổn phận lao ngay vào công việc nhà”. Trong khi con cái đã phải xa mẹ cả ngày, chiều về bé sẽ được gần mẹ, nhưng mẹ lại bận rộn bao nhiêu thứ không tên. Vì thế mẹ cần phải dành cho con cái những giây phút đầu tiên sau khi về nhà.
Chị Thùy, một bà mẹ có 2 con nhỏ ở khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi làm bất cứ cái gì, ngay cả cởi giày ra, tôi trao cho con cái trọn niềm âu yếm. Vì thế sau đó chúng sẽ không “tranh giành ảnh hưởng” và để yên cho tôi làm việc bếp núc. Chúng chỉ cần có 10 phút thương yêu, sau đó chúng sẽ chạy đi làm công việc khác ngay!”.
Bà Laura Markham, tiến sĩ tâm lý người Mỹcũng cho rằng, dại nhất là về nhà lăn ngay vào bếp. Bà khuyên việc đầu tiên là đi thay đồ, mặc ngay một bộ quần áo có thể làm dịu cơn nhức đầu trong công việc cơ quan. Nếu nhà ai có vườn, dù là một cái vườn rất nhỏ, nên thơ thẩn ra vườn vài phút. Hãy chú ý nhìn những bụi hoa hồng, những con sâu nhỏ và hãy nhìn cảnh mặt trời lặn, bao ưu phiền sẽ từ từ… lặn theo!
Cũng theo ý kiến các nhà tâm lý, sau một ngày dành trọn thời gian cho việc cơ quan, về nhà các bà mẹ trẻ nên tắt hết điện thoại, không mở máy tính để trả lời email… Tốt nhất là không vặn đèn quá chói, mở những bản nhạc êm đềm, nói chuyện bông đùa với chồng vài câu để chuẩn bị bữa tối trong tâm trạng tươi trẻ và hạnh phúc.
Chị em không nên quá cầu toàn về việc nhà, bữa tối có thể đơn giản hơn, nhà cửa có thể không được gọn gàng như mong muốn… nhưng niềm vui được vui đùa bên cha mẹ, con cáisau một ngày xa cách mới là điều quý giá. Hơn nữa, nếu suy nghĩ một chút về cách sắp xếp công việc, chị em có thể để những việc kém cần thiết hơn để làm sau khi bé đã ngủ.
Trong khi bận nấu nướng, chị em hãy mời ông xã vào cuộc: Đưa con ra sân chơi hoặc phụ giúp việc bếp núc, dọn dẹp. Bên cạnh đó, cũng có thể “tạo việc làm” cho con như cho chúng vẽ tranh, tô màu hoặc giúp đỡ mẹ việc dọn bàn, trẻ sẽ rất thích vì chúng hãnh diện được giúp bố mẹ. Những lời khen ngợi và động viên sẽ rất có ích trong lúc này.
Bữa cơm tối rất quan trọng cho tất cả mọi người. Trẻ con sẽ gắn bó với cha mẹ nhiều hơn qua những bữa cơm chiều. Đó là giờ “tan chảy” những ưu phiền nhọc nhằn ngoài xã hội. Hi vọng, những lời khuyên trên sẽ giúp chị em “lấy lại thăng bằng” và tổ chức bữa tối vui vẻ hơn, đầm ấm và hạnh phúc hơn.
Theo NN