Chồng chỉ mặt vợ, xơi xơi mắng chửi

havan |

Anh quản lý và đòi hỏi vợ phải hoàn hảo trong mọi việc chẳng khác gì như đối với nhân viên của mình.

Ngày còn yêu, anh trẻ trung, phóng khoáng và vui tính so với cái tuổi hơn 30 của anh bao nhiêu thì giờ về nhà, chị lại thấy sợ cái tính cầu toàn, chi li của anh trong nếp sống gia đình bấy nhiêu.

Chồng chị là giám đốc một trung tâm ngoại ngữ có tiếng, còn chị chỉ là cô nhân viên làm công ăn lương cho một công ty tầm tầm, mức lương không phải là tệ nhưng cũng chưa một lần nếm trải mùi vị của chiếc ghế lãnh đạo.

Anh chị quen nhau và yêu nhau khi cả hai đã có công việc ổn định, và đến với nhau trước sự vui mừng của cả hai gia đình. Những tưởng chuyện tình yêu êm đẹp sẽ mang đến một cuộc sống hôn nhân cũng yên ả không kém. Nhưng rồi, chị ngày càng nhận ra chồng mình đã quá quen làm “sếp”, nên dường như không thể làm chồng.

chong-chi-mat-vo-xoi-xoi-mang-chui

Quen làm sếp nhưng anh lại lạ lẫm với vai trò của một người chồng

Cưới nhau chưa được bao lâu, anh đi tu nghiệp ở trời Tây, bố mẹ đôi bên thì ở quê, mình chị bụng mang dạ chửa đã đến giai đoạn gần sinh nở loay hoay với căn nhà chung cư rộng hoác và thiếu vắng hơi người.

Bụng bầu vượt mặt nên việc hương khói những ngày giỗ lễ trước chiếc bàn thờ cao ngất ngưởng, buộc phải leo bằng thang với chị quả thật là khó khăn và đáng sợ. Chị bàn với chồng chuyển chiếc bàn thờ sang vị trí khác. Ngay lập tức anh ra chỉ thị:“Em cứ làm rồi chụp ảnh gửi sang anh xem”, và không một lời dặn dò dù chị là phận đàn bà, chẳng thể nào rành rọt trong những việc này như đàn ông được.

Mất 3 ngày tự phi xe máy đi mua bàn thờ, thuê thợ đến lắp đặt, rồi dọn dẹp những tàn dư, chị nhận được một tràng mắng té tát của chồng:“Sao lại để nó ở vị trí đó? Sao lại mua cái bàn thờ màu tối như vậy?Không biết thì cô phải hỏi chứ?”.

Tích góp được ít tiền, hai vợ chồng chị vừa mua một chiếc xe ô tô, trước là để chị có phương tiện đi lại lúc gần sinh, sau sẽ để lại cho bố chồng sử dụng khi anh chị sang bên kia sống. Từ việc mua bảo hiểm, anh đã dặn dò:“Phải mua cái loại cao nhất, có bảo hiểm trầy xước và ngập nước”. Chị y lời dặn, yêu cầu nhân viên bảo hiểm bán cho mình loại đó. Nhưng khi hoàn thành xong thủ tục, chồng chị bỗng dưng hỏi:“Thế cái bảo hiểm đấy có những gì?”.

Ngơ ngác, chị đáp lại:“Em mua đúng loại như anh dặn rồi mà”. Vậy mà, anh nổi đóa lên và bắt đầu giảng giải:“Cô tiêu một khoản tiền lớn mà cô không tìm hiểu xem nó có cái gì à? Sao cô không sống chủ động lên nhỉ? Ít ra tôi không ở đó thì cô cũng phải lên mạng tìm hiểu xem nên mua loại nào, cái mình cần là gì chứ?”. Chị vẫn cho rằng, trong một nhà, vợ lo lắng chuyện này thì chồng phụ trách chuyện kia, lúc cần thì đỡ đần cho nhau – như thế mới là một gia đình.

Mới đây, mẹ chồng chị ra chơi đúng dịp 20/10. Rút kinh nghiệm những lần mua quà trước không hợp “gu” của mẹ chồng khó tính, chị cẩn thận gọi điện cho chồng xin ý kiến. Chị trình bày rành rọt:“Sở thích của em và mẹ khác nhau, nên em không mua sẵn quà mà chờ mẹ ra chở mẹ đi mua để mẹ chọn cho thoải mái. Ban đầu em cũng định mua sữa canxi vì thấy mẹ kêu đau lưng…”.

Chưa để chị nói hết câu, anh đã cắt ngang lạnh lùng:“Lại còn ‘định’ cơ à, đã định thì mua luôn đi chứ còn chờ gì nữa?”. Mỗi lần nữa, chị chẳng biết phản ứng thế nào trước thái độ của anh. Hễ không hài lòng là anh chỉ thẳng vào mặt chị, xơi xơi mắng chửi. Nếu chị đã mua rồi, biết đâu anh sẽ chuyển sang hướng khác để bắt bẻ, rằng chị mua món quà như vậy là thực dụng và chưa đủ giá trị, hay chăng mua như thế là áp đặt không cho mẹ lựa chọn...

Những câu chuyện tương tự cứ diễn ra hàng ngày như cơm bữa. Người ta bảo rằng khi người phụ nữ mang thai, vợ chồng sẽ dễ xảy ra xung đột, nhưng đấy là với những đôi ở cạnh nhau. Còn với anh chị, đã ở xa nhau gần nửa vòng trái đất mà tại sao xung đột xảy ra còn nhiều hơn cả những đôi vợ chồng bình thường?

Chị biết chồng mình có nhiều năm làm “sếp”, nên anh quen thói cầu toàn và đòi hỏi chất lượng công việc cao. Thế nhưng chị đâu phải là nhân viên dưới quyền, chị là người vợ anh đầu ấp tay gối, nay lại đang cận kề ngày sinh nở mà vẫn phải loay hoay xoay xở mọi việc một mình.

Khi mới cưới, những lần lạnh lùng “cô – tôi” kéo theo sự im lặng của đôi bên chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút. Giờ đây, khoảng thời gian đó đã giãn ra thành vài ba ngày. Chị tự hỏi, cho đến lúc vợ chồng chị có thể im lặng không nói gì với nhau, không liên lạc với nhau cả tuần, cả tháng, thì cuộc hôn nhân này rồi sẽ đi về đâu?!

Theo Afamily/TTVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại