Nhưng lưu ý vàng, mọi "chiêu trò" nên được ứng dụng một cách vừa phải. Nếu thái quá, chàng sẽ cao chạy xa bay trước khi mong muốn của bạn trở thành hiện thực.
Chăm chỉ nhắc tới cuộc sống gia đình
Với anh ấy, công việc, sự nghiệp dường như đang được đặt lên hàng đầu. Trong các câu chuyện, chàng thường hay nhắc tới chàng được thăng tiến như thế nào, quý này chàng được thưởng bao nhiêu tiền và tỏ ra rất hạnh phúc.
Những lúc như vậy, bạn cũng nên hòa chung với niềm hạnh phúc của chàng. Nhưng bạn khéo léo kéo câu chuyện về cuộc sống gia đình. Bạn ngồi nhẩm tính, với thu nhập của chàng như vậy, sau này, hai người dư sức cho con học tại một trường nổi tiếng, mua sắm đồ dùng tiện nghi cho gia đình nhỏ.
Còn nếu chàng của bạn kém may mắn hơn, chàng luôn phàn nàn vì bị sếp đì, bạn vẫn có cách “chèo lái” câu chuyện theo mục đích của mình. Bạn an ủi chàng rằng vấn đề đó không quá quan trọng. Thu nhập của hai bạn dù không cao nhưng vẫn đủ lo cho gia đình. Với khả năng kiểm soát tài chính của mình, bạn khẳng định ngay cả khi có con, gia đình nhỏ của bạn vẫn ổn.
Thường xuyên đi ăn cưới với chàng
Trước đây, bạn thường một mình đi ăn cưới. Bạn không muốn “đèo” theo chàng vì sợ… tốn tiền mừng. Tính toán của bạn cũng hợp lý trong giai đoạn “thóc cao gạo kém” như hiện nay. Tuy nhiên, nếu muốn chàng nghĩ tới hôn nhân, có lẽ bạn nên thay đổi quan điểm này.
Bạn nên rủ chàng đi đám cưới của bạn bè bạn và “bám càng” theo chàng tới đám cưới bạn bè chàng. Không phải bạn hám ăn cỗ đâu. Chỉ đơn giản, khi đến những nơi vui vẻ, hạnh phúc như vậy, bạn và chàng sẽ gặp rất nhiều người quen. Và không ít trong số đó sẽ hỏi: “Bao giờ tới lượt hai người cho bọn này ăn cỗ đấy”. Và bạn hùa theo bằng cách trả lời: “Mọi thứ chuẩn bị xong hết rồi, chỉ thiếu lời cầu hôn của chú rể thôi”.
Những người xung quanh sẽ tưởng bạn đùa và đẩy câu chuyện đi xa hơn nữa. Còn bạn khi về nhà, bạn có cớ nhắc tới một đám cưới thật vui tươi.
Tâm sự chuyện bố mẹ giục cưới
Bạn hẹn hò với chàng đã lâu mà không nhắc gì tới chuyện cưới xin. Bố mẹ bạn chắc chắn sốt ruột, giục giã bạn. Hãy chia sẻ điều này với chàng. Hãy để chàng thấy phía bạn và gia đình bạn rất nghiêm túc trong mối quan hệ này.
Đây cũng là cách bạn “thử” chàng. Nếu chàng giãy nảy, nói rằng chưa đến lúc thì bạn nên xem lại cuộc tình của mình. Còn nếu chàng cười xòa xin lỗi: “Anh mải yêu quên cả việc phải cưới” thì rõ ràng đây là tín hiệu tốt. Bạn nên chuẩn bị một buổi tối thật lãng mạn để tạo điều kiện cho chàng cầu hôn.
Không đả động tới mặt trái của hôn nhân
Ngọc cũng có vết, cuộc hôn nhân dù hạnh phúc đến mấy cũng phải có va chạm. Vì vậy, khi nhìn vào cuộc sống gia đình của nhiều người xung quanh, bạn không nên hốt hoảng và reo rắc sự sợ hãi vào đầu chàng.
Ví dụ, hôm nay, vợ chồng người bạn thân của bạn cãi nhau vì bà vợ tiêu nhiều tiền, hôm qua, cô hàng xóm khóc tức tưởi khi bị chồng đánh đập,… Bạn tận mắt chứng kiến những điều không hay và vội vàng kể hết với chàng.
Bình thường thì không sao nhưng bạn không nên làm như vậy nếu đây là thời điểm bạn “ủ mưu” để chàng nói lời cầu hôn. Bạn nên biết, những bi kịch gia đình liên tiếp đến tai chàng có thể khiến chàng sợ cuộc sống gia đình.
Đòi về nhà chàng thường xuyên
Nếu nhà chàng ở xa, bạn chỉ có thể đòi thăm bố mẹ chàng trên… ý tưởng. Còn nếu khoảng cách không phải vấn đề lớn, bạn nên về thăm nhà chàng thường xuyên.
Bạn nên cố gắng để mỗi lần viếng thăm là một lần gây ấn tượng mạnh. Bạn sẽ trổ tài nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, thể hiện hình ảnh con hiền, dâu thảo. Lúc đó, có lẽ chính bố mẹ chàng sẽ là người giục chàng tiến hành chuyện cưới xin.