Xe tăng Ukraine ở Lyman, thuộc vùng Donetsk ngày 28/4/2022. Ảnh: Reuters
Tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á diễn ra hồi tuần này tại Kazhakstan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan một lần nữa khẳng định mong muốn tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ từng 2 lần đứng ra tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine và cùng với Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy thành công Sáng kiến Biển Đen, góp phần giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nước này cũng duy trì mối liên hệ khá mật thiết với Nga. Lãnh đạo hai nước đã có ít nhất 13 cuộc trao đổi điện thoại kể từ đầu năm đến nay và Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.
Theo Tổng thống Erdogan, mục tiêu của nước này là thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như đảm bảo việc thực thi các thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc.
"Chúng tôi quyết tâm tăng cường và tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận Istanbul, cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga sang các nước kém phát triển hơn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra nhiều cán cân có lợi cho chúng ta trên thế giới", ông Erdogan nói.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây Saudi Arabia và các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất cũng đề nghị làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman mới đây đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, trong đó bày tỏ việc Vương quốc Hồi giáo sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực trung gian và ủng hộ mọi bước đi góp phần giảm căng thẳng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia thời gian qua đã cho thấy rất tích cực trong nỗ lực hòa giải các bên xung đột khi tham gia thúc đẩy thỏa thuận trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev.
Những nỗ lực này được các bên đón nhận một cách tích cực. Nga đã để ngỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng đón nhận các đề xuất mới, cũng như làm việc với các quốc gia có ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "Nga sẵn sàng đàm phán và đây cũng chính là những gì mà chúng tôi vẫn luôn nói tới. Chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận ở Istanbul. Những thỏa thuận đó gần như đã được ký tắt. Nhưng ngay sau khi quân đội Nga rút khỏi Kiev, giới lãnh đạo ở Ukraine đã mất hết mong muốn đàm phán. Nếu Ukraine thực sự mong muốn, thì tất cả các nỗ lực đàm phán sẽ được thực hiện".
Tuy nhiên các nỗ lực hòa giải đang ngày một khó khăn hơn cùng với những diễn biến căng thẳng trên thực địa và những dự đoán về khả năng Mỹ và phương Tây vượt ra ngoài khái niệm hỗ trợ Ukraine để tham chiến trong thời gian tới. Cả Nga và NATO đều được cho là sẽ tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn trong những tuần tới. Một số chuyên gia lo ngại những động thái này có thể đào sâu hơn nữa bất đồng và chia rẽ giữa các bên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hồi giữa giữa tuần tuyên bố Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào, song để ngỏ khả năng đáp trả phù hợp trước sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc xung đột.