Khoang chứa vũ khí trên chiếc máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ chuyển đến châu Âu cho các lực lượng Ukraine. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin, khi các lực lượng Kiev tiêu thụ nhiều đạn dược hơn so với năng lực sản xuất của phương Tây, Lầu Năm Góc đang tìm cách đối phó với tình trạng này bằng cách huấn luyện binh sĩ Ukraine "chiến đấu giống người Mỹ hơn."
"Kho dự trữ nhiều loại vũ khí và đạn dược quan trọng sắp cạn kiệt, thời gian chờ đợi để sản xuất tên lửa mới kéo dài hàng tháng, thậm chí trong một số trường hợp là hàng năm", tờ Washington Post đưa tin hôm 23/12 trong bài phân tích về việc Mỹ đã rót khoảng 20 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine chỉ trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ 6 tỷ USD trong số này được chi cho các hợp đồng vũ khí mới, trong khi phần còn lại từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc.
Dẫn lời Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth, tờ Washington Post cho biết Mỹ có thể sản xuất khoảng 14.000 viên đạn cho lựu pháo 155 mm, trong khi lực lượng Ukraine tiêu tốn khoảng 6.000 viên mỗi ngày trong các cuộc giao tranh khốc liệt với Nga.
Chuyên gia Seth Jones tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tiết lộ ngành công nghiệp - quân sự của Mỹ đang ở trong tình trạng khá tồi tệ.
"Chúng ta đang ở thế yếu, mặc dù chúng ta thậm chí còn chưa chiến đấu", ông Jones nói, đồng thời cho biết nếu Mỹ đối đầu với Trung Quốc hoặc Nga trong một cuộc xung đột thông thường, Washington "sẽ không trụ được 4 - 5 ngày trong một cuộc chiến trước khi cạn kiệt tên lửa chính xác".
Trong khi đó, hôm 22/12, tờ Wall Street Journal đưa tin các đồng minh của Washington ở châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự. Ông Michal Strnad, Chủ tịch Tập đoàn đạn dược phẩm của Cộng hoà Séc, cho biết Ukraine sử dụng đến 40.000 viên đạn mỗi tháng, trong khi tất cả các thành viên NATO ở châu Âu gộp lại mới có thể sản xuất 300.000 viên mỗi năm.
"Năng lực sản xuất của châu Âu hoàn toàn không đủ", ông Strnad nói, đồng thời cho biết sẽ mất tới 15 năm để bổ sung kho vũ khí với tốc độ sản xuất hiện tại, ngay cả khi cuộc xung đột kết thúc vào ngày mai.
Trong khi các quan chức phương Tây đã yêu cầu tăng cường sản xuất vũ khí từ nhiều tháng nay, đạo luật gần đây của EU đã chặn nhiều khoản đầu tư vào sản xuất vũ khí vì cho rằng hoạt động này "không bền vững". Đức đang trong quá trình tài trợ cho một nhà máy ở Romania để có thể sản xuất đạn dược theo thiết kế của cả NATO và Liên Xô cho Ukraine.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách huấn luyện quân đội Ukraine "chiến đấu giống người Mỹ hơn" và sử dụng các chiến thuật khác nhau.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta có thể huấn luyện các đội hình lớn hơn, như đại đội, tiểu đoàn, cách sử dụng hỏa lực, tạo thời cơ để các binh sĩ Ukraine có thể sử dụng chiến thuật, chiến đấu như quân đội Mỹ trên chiến trường, tôi nghĩ chúng ta đang ở một nơi khác. Khi đó, bạn không cần một triệu viên đạn pháo", một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói với nguồn tin.
Trong chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Mỹ vào tuần này, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Kiev, trong đó lần đầu tiên có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hiện đại. Quyết định gửi hệ thống tên lửa Patriot cho Kiev của Chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra bất chấp những lời cánh báo từ Nga. Moskva cho rằng việc Washington cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến này sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Trước đó, Moskva đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc cung cấp các loại vũ khí ngày càng hiện đại cho Ukraine có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, đồng thời cáo buộc phương Tây kéo dài cuộc xung đột và gây thương vong cho dân thường ở Ukraine.