Một trực thăng quân sự của Ukraine trong cuộc triển lãm gần Kiev vào tháng 11/2021. (Ảnh: Getty)
Hiệu quả của các máy bay không người lái và những vũ khí di động hạng nhẹ khác đang làm sống lại cuộc tranh luận về tính dễ bị tổn thương của khí tài quân sự hạng nặng trên chiến trường hiện đại, trong đó có trực thăng, phần không thể thiếu trong các kế hoạch tác chiến của quân đội.
Trong bài viết đăng gần đây trên Tuần san hàng không, nhà phân tích quốc phòng và hàng không Sash Tusa cho rằng các công nghệ cảm biến và vũ khí chống tăng được sử dụng ở Ukraine là bằng chứng cho thấy tấn công bằng máy bay và sử dụng trực thăng chiến đấu đang trở nên ít hiệu quả.
Trong những giờ mở đầu chiến dịch quân sự, lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ của Nga cố gắng giành quyền kiểm soát căn cứ không quân Hostomel gần Kiev bằng cách đổ bộ từ trên không. Hàng chục trực thăng vận tải Mi-8 cùng các trực thăng tấn công Ka-52 Alligator đưa một lực lượng nhảy dù xuống phi trường của Ukraine.
Nhưng cuộc tấn công đó cuối cùng thất bại, khi quân Nga không thể tăng viện cho lực lượng theo sau và Ukraine phản công.
Sự thất bại của chiến dịch đó – giống như cách Mỹ và các quân đội mạnh khác tiến hành chiến dịch không kích – gây sốc cho nhiều nhà quan sát, Tusa viết. Nhà nghiên cứu này nói rằng Ukraine dùng pháo và tên lửa chống tăng vác vai để đẩy lùi nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát Hostomel và các chiến dịch sử dụng trực thăng khác của Nga.
Học thuyết đổ bộ bằng đường không của Mỹ mà Lầu Năm Góc cố gắng áp dụng với các lực lượng đối tác, trong đó có quân đội Afghanistan và Ukraine , dựa vào ưu thế về số lượng và công nghệ vũ khí tiên tiến.
Theo ông Tusa, các đơn vị đặc biệt của Mỹ đã quen với ưu thế vượt trội trên không, nhưng các nước khác không phải vậy. Mỹ cũng có thể không còn ưu thế này nếu chiến tranh trực tiếp với Trung Quốc và Nga, khi cả hai nước đều sở hữu nhiều vũ khí chống tăng.
Chiến tranh trực thăng
Không phận Ukraine đầy rẫy những mối đe dọa đối với trực thăng và máy bay cánh cố định.
Các hệ thống vũ khí phòng không tầm trung và tầm xa như S-200, S-300, và S-400 khiến việc thực hiện những chuyến bay tầm cao nguy hiểm với cả hai phía. Đồng thời, các hệ thống phòng không di động đe dọa phi công khi bay dưới 3.000m. Lực lượng Ukraine dùng cả tên lửa chống tăng để bắn trực thăng Nga bay ở tầm thấp.
Nga được nói là đã mất khoảng 200 trực thăng. Không rõ thiệt hại về máy bay của Ukraine nhưng có thể cũng rất cao. Có nhiều yếu tố gây thiệt hại nặng nề về máy bay đối với cả hai bên.
Hầu hết các chiến dịch trên không đều diễn ra ban ngày. Cả hai bên đều không có năng lực bay đêm như quân đội Mỹ, vì thế họ phải chấp nhận rủi ro khi bay ban ngày. Bên cạnh đó, cả hai bên đều không có biện pháp đối phó hiệu quả để giúp máy bay tránh các mối đe dọa đang lao tới.
"Họ không có thiết bị đánh giá khả năng sống sót hay tác chiến điện tử và biện pháp đáp trả mối đe dọa", Greg Coker, một phi công nghỉ hưu của Mỹ, nói với Insider.
Coker, tác giả cuốn sách "Cái chết chờ trong bóng tối", đã phục vụ 30 năm trong quân đội Mỹ. Ông đã tham gia 11 chiến dịch của Trung đoàn bay đặc biệt số 160 và có biệt danh là "Kẻ bám đuôi ban đêm".
Các trực thăng quân sự của Mỹ có thiết bị đặc biệt, bao gồm công nghệ thụ động và chủ động, được thiết kế để đánh bại tên lửa hồng ngoại, như tên lửa phòng không SA-7 và SA-14 thời Liên Xô đang được sử dụng ở Ukraine hiện nay.
Nhưng công nghệ không phải là tất cả, phi công cần phải chuẩn bị để tránh vũ khí phòng không bằng cách dựa vào tốc độ và địa hình.
"Họ phải bay thấp và nhanh, rồi liên tục đổi hướng", Coker nói khi xuất hiện trong một phim tài liệu gần đây của bảo tàng Smithsonia về trực thăng AH-6 Little Bird.
Các hệ thống vũ khí vác vai đang được sử dụng ở Ukraine, trong đó có tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất, cũng đang chứng tỏ hiệu quả cao.
Cuộc xung đột ở Ukraine mang lại những bài học quan trọng cho các quân đội, bao gồm cả Mỹ. Nếu xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc hoặc Nga, các trực thăng Mỹ sẽ phải hoạt động hiệu quả trong môi trường phức tạp, nơi đối thủ có năng lực phòng không đáng gờm.