Cuộc chiến này chắc chắn là sự kiện gây chấn động thế giới nhất trong năm 2022 vì đã gây bất ổn sâu sắc về an ninh ở châu Âu và trên khắp thế giới, tác động mạnh tới năng lượng, lương thực và nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến càng kéo dài đồng nghĩa với tổn thất nhân mạng, tài sản trên chiến trường và nỗi đau của hàng triệu thường dân Ukraine ngày càng lớn.
3 giai đoạn
5h55 sáng 24-2 theo giờ Matxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga giải thích động thái của Nga là hành động tự vệ và rằng Nga không muốn chiếm Ukraine, mà sẽ "phi phát xít hóa và phi quân sự hóa" đất nước này.
Người ta nghe thấy nhiều tiếng nổ vào sáng hôm đó, với tiếng còi báo động không kích vang lên trên khắp thủ đô Kiev.
Đó là cảnh mở màn cho nhiều tháng đau thương tại đất nước 43 triệu dân ở Đông Âu. Từ phạm vi ban đầu là vùng Donbass, Nga đã mở rộng mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sang miền nam và các khu vực khác, trong đó có cả thủ đô Kiev.
Cuộc chiến kéo dài 10 tháng qua gắn với một loạt cột mốc nổi bật, nhưng có thể tạm chia diễn biến chiến sự làm ba giai đoạn: Cuộc tấn công dồn dập của Nga tại nhiều thành phố của Ukraine (từ ngày 24-2 tới đầu tháng 4); Giao tranh ác liệt chuyển sang mặt trận phía nam và phía đông Ukraine (đầu tháng 4 tới cuối tháng 8); Cuộc phản công của Ukraine và loạt không kích của Nga vào hạ tầng năng lượng Ukraine (cuối tháng 8 tới cuối năm 2022). Do cuộc chiến chưa có hồi kết, nên có thể có những giai đoạn khác tùy thuộc vào diễn biến chiến sự trong những tháng tới.
"Lên án", "kêu gọi", "hối thúc"... là những từ xuất hiện thường xuyên trong 10 tháng qua khi các bên mong Nga và Ukraine dừng cuộc chiến, nhưng rốt cuộc chẳng thể khiến các bên hạ khẩu súng trên chiến trường.
Rồi tới một loạt đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga cho tới các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng chẳng thể tìm ra lối thoát cho cuộc chiến này. Trong năm qua, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã tung từ đòn trừng phạt này tới đòn trừng phạt khác nhằm vào Nga, tác động tới Matxcơva chủ yếu theo năm cách gồm tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga; nhưng truyền thông phương Tây đánh giá xương sống của nền kinh tế Nga - xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn.
Phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine để nước này đối phó Nga. Ukraine phản công và chiếm lại nhiều phần lãnh thổ, trong khi Nga sáp nhập bốn vùng của Ukraine vào lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối của Kiev và phương Tây...
Trong khi đó, người dân ở các nước khác đâu chỉ chứng kiến cuộc chiến này qua màn hình tivi hay qua báo đài, mà chính họ cũng cảm nhận được tác động của cuộc chiến. Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra nhiều tác động tới quốc tế, từ vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng cho tới lương thực. Ở Đức, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý và nhiều nước, người dân bất mãn xuống đường biểu tình vì lạm phát, chi phí sinh hoạt leo thang...
Quân nhân Ukraine nói chuyện với người dân địa phương sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, Ukraine ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS
Kỳ vọng cuộc chiến kết thúc
Bước sang năm mới 2023, thế giới mong muốn cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đi đến hồi kết.
Các nhà phân tích đánh giá xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể leo thang hơn nữa trong năm mới. Tuy nhiên, vào năm 2023, Nga có thể có hành động quyết đoán để đi tới chấm dứt xung đột do Điện Kremlin cần tạo ra môi trường ổn định và tích cực, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Về vấn đề đàm phán, Nga và Ukraine gần đây cáo buộc nhau không có thiện chí đàm phán để chấm dứt xung đột. Thế bế tắc hiện tại nằm ở chỗ: Điện Kremlin tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình và Nga sẽ không từ bỏ các lãnh thổ mà họ đã giành được; trong khi Kiev nói rằng họ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi mọi lính Nga đều rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Không bên nào muốn từ bỏ mục tiêu của mình và đó là lý do hy vọng đàm phán vẫn còn xa vời.
Nhà nghiên cứu Thôi Hoành tại Trung tâm nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) bình luận: "Đối với Nga, năm 2023 là một năm quan trọng, bởi vì chính quyền ông Putin cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024. Nếu Nga không thể củng cố những gì đã đạt được hoặc thậm chí thỏa hiệp quá nhiều với Mỹ và Ukraine, chương trình nghị sự năm 2024 của ông Putin sẽ gặp khó khăn, vì vậy Nga không thể điều chỉnh các điều kiện đàm phán của mình".
Trước mắt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo Nga sẽ thực hiện đợt tấn công mới trước khi bước qua năm 2023. Tuy nhiên, ông tuyên bố người Ukraine "sẽ sống sót" trước cuộc tấn công của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm quân nhân Ukraine tại vùng Donetsk ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS
5 kịch bản trong năm mới
Theo Đài BBC, bước sang năm 2023, xung đột Nga - Ukraine có thể diễn biến theo năm kịch bản.
Thứ nhất, Nga sẽ thực hiện cuộc tấn công mang tính quyết định vào mùa xuân, khi hàng chục ngàn lính dự bị đang sẵn sàng.
Thứ hai, Ukraine giành lại lãnh thổ của họ.
Thứ ba, xung đột chưa có hồi kết.
Thứ tư, không có kết quả nào khác ngoại trừ thất bại của Nga.
Thứ năm, sẽ có nhiều diễn biến tương tự như trước đây, chẳng hạn lực lượng Ukraine tiếp tục chiến thuật tiến công theo các hướng hẹp.