Hai quốc gia Trung Á giao tranh vì xung đột biên giới từ ngày 14-9 đến ngày 16-9, cáo buộc lẫn nhau sử dụng xe tăng, súng cối, pháo và phương tiện không người lái quân sự tấn công tiền đồn và các khu dân cư lân cận.
Cả 2 quốc gia giáp Trung Quốc, trong khi Tajikistan có đường biên giới chung dài hơn với Afghanistan.
Xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan thường gây tổn thất lớn cho 2 nước. Đợt giao tranh hồi tháng 4-2021 đã khiến hơn 50 người thiệt mạng và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột diện rộng hơn.
Liên quan đến đợt xung đột mới nhất, Kyrgyzstan đêm 18-9 (giờ địa phương) thông báo thêm 13 người thiệt mạng, lên tổng số 59 người. Xung đột đến giờ đã khiến tổng cộng 102 người bị thương, thông báo cho biết thêm.
Trước đó, Kyrgyzstan cho biết đã sơ tán khoảng 137.000 người ra khỏi vùng giao tranh. Chính phủ nước này tuyên bố 19-9 là ngày cả nước để tang các nạn nhân.
Xung đột biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan đến giờ đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Truyền thông Kyrgyzstan, vốn mô tả đợt xung đột hiện tại là một cuộc xâm chiếm, ngày 18-9 cho biết một vài nhóm được sơ tán đã bắt đầu trở về nhà.
Đến chiều 18-9 (giờ địa phương), giới chức Kyrgyzstan khẳng định tình hình biên giới đang dần "ổn định".
Trong khi đó, Tajikistan ngày 18-9 cho biết xung đột đã khiến tổng cộng 35 công dân nước này thiệt mạng. Tajikistan đến giờ chưa thông báo về bất cứ đợt sơ tán diện rộng nào.
Bộ Ngoại giao Tajikistan khẳng định Kyrgyzstan tiếp tục thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống lại họ, đồng thời xoáy vào việc Tổng thống Sadyr Japarov sử dụng từ "kẻ thù" để nói về Tajikistan trong một tuyên bố hôm 18-9.
Hai nước đồng ý ngừng bắn vào ngày 16-9. Lệnh ngừng bắn phần lớn vẫn được duy trì dù thi thoảng xuất hiện cáo buộc pháo kích.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị hỗ trợ giải quyết xung đột biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan. Ảnh: Reuters
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon vào ngày 18-9.
Tổng thống Putin kêu gọi 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ xuống thang căng thẳng, triển khai các biện pháp giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao càng sớm càng tốt.