1. Không quá khi nói, một tháng gian khổ trên đất Thường Châu tại giải U23 châu Á đã đưa những người hùng mộc mạc của U23 Việt Nam "một bước lên tiên", đặt chân lên sân khấu hào quang, danh vọng.
Đến cuối năm ngoái, Bùi Tiến Dũng vẫn còn loay hoay đấu tranh cho một suất bắt chính tại V-League và bị chê trách vì những sai lầm, nay đã trở thành "thủ môn quốc dân", phải công khai xin lỗi vì một sai lầm cỏn con và đi dự sự kiện với hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Đến cuối năm ngoái, Phan Văn Đức hay Phạm Xuân Mạnh còn vô danh với phần đông người hâm mộ nước nhà, nay đã sở hữu lực lượng cổ động viên nhiều cầu thủ cả đời không dám mơ ước.
Đấy chỉ là những ví dụ rất nhỏ, trong câu chuyện "cá chép hóa rồng" của U23 Việt Nam. Dân gian kể rằng, cá chép chỉ hóa thành rồng khi vượt qua đủ ba đợt sóng cùng ải Vũ Long Môn, và khi đã trở thành rồng, cá chép dù có muốn, cũng không thể sống lại cuộc đời như trước khi hóa rồng được nữa.
"Sự tích" của U23 Việt Nam cũng tương tự như vậy. Khi đã trở thành thần tượng, các cầu thủ (dù muốn hay không) cũng phải sống và hành động với chuẩn mực của thần tượng, với những phát ngôn, ứng xử luôn bị dư luận dò xét kỹ lưỡng. Chỉ có điều, bóng đá Việt Nam có nhiều thần tượng, song số cầu thủ sẵn sàng "sống như thần tượng" chỉ đếm trên đầu ngón tay.
2. Sáu tuần sau chiến tích lịch sử và lễ vinh danh trọng thể trên khắp cả nước, ấn tượng lớn nhất mà Lương Xuân Trường để lại là một câu chuyện không liên quan đến bóng đá. Những dòng tự sự trên mạng xã hội của Xuân Trường đang khiến cộng đồng dậy sóng, khi cầu thủ sinh năm 1995 mỉa mai một bộ phận người hâm mộ là "trẻ con", "rảnh rỗi" và "thiếu suy nghĩ".
Không lâu sau phát ngôn gây tranh cãi, Xuân Trường phải lên tiếng công khai xin lỗi người hâm mộ và mong muốn tiếp tục được ủng hộ trong thời gian tới.
Ngọn nguồn câu chuyện và việc ai đúng ai sai ở thời điểm này, có lẽ là không cần thiết, bởi đúng hay sai phụ thuộc vào từng góc nhìn, từng quan điểm. Vấn đề ở đây, với phần nổi của tảng băng, là Xuân Trường đã làm một việc tối kỵ của một thần tượng trong thế giới bóng đá: đứng ra chỉ trích cổ động viên bằng những phát ngôn không đúng mực.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi một bộ phận người hâm mộ hành xử không đúng mực với Xuân Trường cùng những người yêu thương của cầu thủ này, Xuân Trường nên có sự đáp trả tương tự. Tuy vậy, một phát ngôn thiếu cẩn trọng có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, sự nghiệp của cầu thủ.
Đó là bài học vỡ lòng với mọi cầu thủ chuyên nghiệp muốn vươn mình trở thành thần tượng trong kỷ nguyên bóng đá toàn cầu, khi nhất cử nhất động của người nổi tiếng luôn bị soi chiếu dưới hàng vạn cặp mắt và hàng triệu lời khen, ý chê.
Lựa chọn đối đầu với đám đông "vô hình, vô ý thức" chưa bao giờ là quyết định sáng suốt, bởi khi cầm bùn ném vào hư không, chưa biết ai sẽ dính, nhưng bàn tay người ném chắc chắn sẽ nhuốm bẩn. Không ai biết đám đông nói gì về Xuân Trường, song ai cũng biết Xuân Trường đã dành những lời lẽ thế nào dành cho đám đông "cổ động viên phong trào" - như cách gọi của chính cầu thủ này.
Tranh cãi, phản biện và tự vệ trước đám đông là quyền tự do của mỗi con người, nhưng khi trở thành thần tượng, mọi quyền lợi phải được soi chiếu trên một quy chuẩn khác.
Tình cảm của người hâm mộ (trong đó có cả "fan phong trào") mang lại cho Xuân Trường tiền bạc, danh vọng nên tiền vệ người Tuyên Quang phải có ý thức trách nhiệm rất rõ với "cái tiếng" và hình ảnh cá nhân, nhất là khi hình ảnh ấy là đại diện cho nhiều nhãn hiệu, cho U23 Việt Nam và cho cả một thế hệ trẻ đang nhìn vào thần tượng của mình mà cố gắng.
Video: Xuân Trường trả lời phỏng vấn lưu loát bằng tiếng Anh
Nói cách khác, khi đã tận hưởng đủ lợi ích từ mặt tốt của danh nghĩa "thần tượng", Xuân Trường phải biết cách thích nghi và sống chung với mặt trái của sự nổi tiếng.
Một cái tên vô danh sẽ được ngợi khen khi công kích người khác để bảo vệ người mình yêu thương, song một thần tượng thì không như vậy, nhất là khi thần tượng ấy công kích người hâm mộ - những người bằng cách này hay cách khác, đang đóng góp rất nhiều cho họ cũng như đội bóng của họ.
3. "Làm người nổi tiếng khó lắm, phải đâu chuyện đùa", là cách người ta hay nói vui về cái khó của thần tượng.
Đứng trên sân khấu ánh sáng không mấy dễ chịu, khi phải sống dưới sự soi mói, nâng lên đặt xuống và phán xét không ngừng của cả xã hội. Dẫu vậy, chẳng phải các cầu thủ nỗ lực cả đời, chỉ để đổi lấy một ngày, một tháng, một năm được sống trong cảm giác của người nổi tiếng hay sao?
Với từng ấy trọng trách và nhiệm vụ gồng gánh trên vai, Xuân Trường không nên (và không thể) có những công kích như đã làm trong thời gian qua. Trở thành thần tượng cũng đồng nghĩa với việc đặt bút ký vào bản hợp đồng thỏa hiệp với sự nổi tiếng, nhận lại điều gì và phải mất đi điều gì. Xuân Trường đã nhận lại, và giờ là lúc mất đi.
Mất đi cảm giác được tự do bày tỏ cảm xúc bằng những phát ngôn, mà phải chấp nhận sống trong cơ chế "kiểm duyệt" với từng lời ăn tiếng nói. Mất đi quyền được giấu kín, dù đó là những chuyện đời tư. Không phải ngẫu nhiên, những bài báo viết về chuyện bên lề của những thần tượng có lượt theo dõi nhiều hơn cả những bài báo chuyên môn bóng đá đơn thuần.
Lọt vào trận chung kết U23 châu Á đã khó, sống sao cho trọn với cái danh "thần tượng" để chiều lòng người hâm mộ, đấy còn là nhiệm vụ khó hơn vạn lần!