"Tháng 9-10 trong năm là thời điểm có thể thu hoạch hồng. Nếu như trước đây, thời gian này, ở xã rất đông vui. Ngoài thương lái thì nhiều khách du lịch cũng ghé qua đây để chụp ảnh lưu niệm. Năm nay mất mùa, cả xã vắng lặng" – ông Nguyễn Đình Khoa (trú xóm 6, xã Nam Anh) nói.
Gia đình ông Khoa có hơn 20 năm trồng hồng với gần 80 gốc cây. Chủ yếu là hồng trứng, hồng cậy, hồng trái tim. Những năm được mùa, vườn hồng nhà ông cho thu hoạch hơn 2 tấn quả có giá trị hơn 40 triệu đồng. "Năm nay mất mùa sản lượng giảm hơn 70%. Coi như mùa năm nay, gia đình chẳng có đồng nào từ cây hồng" – ông Khoa cho biết.
Cùng tỉnh cảnh như ông Khoa, ông Trần Văn Tam ngậm ngùi: "Gia đình tôi trồng hồng ít hơn ông Khoa. Chỉ hơn 40 gốc hồng nhưng năm nay các gốc hồng hầu như không ra quả. Nếu có cũng rất ít. Năm nay, gia đình tôi coi như mất trắng".
Theo những người trồng hồng ở xã Nam Anh thì nguyên nhân chủ yếu khiến hồng mất mùa là do nắng nóng kéo dài, nước tưới không có khiến cây không thể ra quả được. Ngoài ra, số lượng gốc hồng đã già cỗi, người dân không có kỹ thuật chăm sóc cũng là nguyên nhân khiến nhiều cây hồng không có quả.
Ông Trần Văn Nam – Trưởng ban nông nghiệp xã Nam Anh cho biết, xã có hơn 80 ha hồng, trồng tập trung ở triền núi Đại Huệ. Nếu như các năm trước, sản lượng toàn xã ước đạt 700 tấn hồng thì nay chỉ khoảng hơn 100 tấn. Ngoài yếu tố thời tiết thì việc các cây hồng có tuổi đời lâu năm khiến sản lượng sụt giảm.
Hiện, xã đang thực hiện đề án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình phục hồi, phát triển giống hồng bản địa (hồng trứng) để tăng năng xuất cho bà con.
Một số hình ảnh do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận:
Sản lượng hồng năm nay giảm 70% so với mọi năm.
Nhiều cây hồng không có quả.
Ông Khoa ngậm ngùi khi năm nay hồng mất mùa.
Nhiều cây hồng chỉ có ít quả trên cây.
Phần vì thời tiết, phần các cây hồng đã già cỗi khiến sản lượng sụt giảm.
Những gốc hồng mới được ươm mong sẽ cho sản lượng cao hơn.