Xe ôm thời công nghệ: Ai sống, ai tàn?

Hồ Phượng |

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014, đến nay, Grabbike đã trở thành một thương hiệu mới về vận tải khách lẻ. Sự bùng nổ của dịch vụ xe ôm công nghệ cao khiến kinh doanh theo cách truyền thống trở nên lép vế.

Xe ôm truyền thống bây giờ ra sao?

Đi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội, lúc nào cũng bắt gặp cảnh những tài xế xe ôm bồn chồn ngồi ngóng khách. Nơi chờ khách quen thuộc là bên những quán trà đá vỉa hè, cạnh bến xe buýt hay một gốc cây có bóng râm. Một số khác túc trực ngay dưới chân cầu vượt, chỉ cần một chiếc xe khách dừng lại là sẵn sàng lao theo gọi khách.

Ngồi cả ngày, chào mời cả ngày, không ít người vẫn chịu cảnh ế ẩm. "Tôi đang nghĩ đến việc bỏ nghề. Ngày xưa, mỗi ngày kiếm được 300.000- 400.000 đồng là chuyện bình thường. Bây giờ, mỗi ngày 100.000 đồng nhiều khi còn chật vật", bác Quang, 50 tuổi có thâm niên làm nghề xe ôm 6 năm kể.

Kể về lý do khiến công việc kinh doanh ngày càng khó khăn, bác Quang nói nhiều đến Grabbike – loại hình xe ôm công nghệ mới xuất hiện và trở nên phổ biến với những người trẻ. Cạnh tranh nhiều hơn trong khi sự năng động không thể bằng với giới Grabbike là nguyên nhân khiến công việc người đàn ông ngũ tuần tuần này ngày càng khó khăn.

Xe ôm thời công nghệ: Ai sống, ai tàn? - Ảnh 1.

Xe ôm truyền thống ngày càng trở nên lếp vế (ảnh minh họa)

Khi được hỏi tại sao không chuyển sang chạy Grabbike, bác Quang cho rằng mình đã già, khó có thể cập nhật được công nghệ theo yêu cầu của công việc mới. "Tôi già rồi. Việc sử dụng điện thoại thông minh để chạy xe kiểu mới cũng trở nên khó khăn. Xe tàn, người tàn, công ty nào người ta nhận".

Trong khi đó, với những khách hàng thường xuyên đi xe ôm, dịch vụ kiểu truyền thống có nhược điểm lớn nhất là không công khai về giá cả. "Nỗi sợ lớn nhất khi đi xe ôm là sợ bị hét giá", Lan, một sinh viên năm 3 Đại học Thương mại cho biết khi nói về lý do cô từ bỏ xe ôm truyền thống.

Thực tế, với lộ trình rõ ràng, giá tiền neo sẵn, chi phí phải chăng và tiện lợi khi khách không cần đi tìm chủ xe đã khiến xe ôm công nghệ chiếm ưu thế hơn hẳn so với dịch vụ kiểu cũ. Nghề xe ôm truyền thống trở nên thăng trầm hơn bao giờ hết, và những người còn bám trụ hầu như không duy trì được vị trí trụ cột kinh tế gia đình như trước nữa.

Chấp nhận lụi tàn hay thay đổi để tiếp tục tồn tại?

"Tôi chạy xe ôm tính đến bây giờ đã 7 năm nhưng chạy Grabbike thì mới từ tháng 9 năm ngoái. Trước khi có xe ôm công nghệ, thu nhập mỗi ngày có thể được 500.000 đồng. Từ khi Grabbike ra đời, khách hàng vơi bớt dần, có ngày còn chẳng có ai, vậy nên buộc phải chuyển sang chạy Grabbike", anh Kiên, 38 tuổi, người từng nhiều năm lăn lộn trong nghề cho biết.

Còn trẻ và dễ thích nghi, những người như anh Kiên lựa chọn thay đổi để tồn tại. Nhận xét về sự khác nhau giữa việc chạy Grabbike và xe ôm truyền thống, anh này nhấn mạnh vào đối tượng khách hàng.

"Sinh viên là chủ yếu. Khách đông hơn, nhưng thu nhập không hẳn tốt hơn vì giá rẻ hơn và còn phải trả phí cho công ty, tiền đăng ký mạng hàng tháng. Sau khi trừ xăng xe, tiền điện thoại, tiền phí, thu về ổn định 250.000- 300.000 đồng. Thỉnh thoảng tôi còn được thưởng doanh số. Không chạy Grabbike có khi bây giờ tôi bỏ nghề rồi".

Xe ôm thời công nghệ: Ai sống, ai tàn? - Ảnh 2.

Grabbike hiện tại phát triển khá mạnh tại Việt Nam (nguồn internet)

Nam, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, quyết định chạy Grabbike trong thời gian đang chờ xin việc. Với chàng trai này, trở thành xe ôm công nghệ dễ dàng hơn chạy theo kiểu truyền thống, bởi Nam thiếu kinh nghiệm, thiếu địa bàn lại chẳng có khách quen.

"Chạy Grabbike vừa không phải lo về địa bàn, vừa linh hoạt. Giới trẻ như tôi bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh nên làm việc kiểu đó rất đơn giản. Mỗi tháng, sau khi trừ đi các chi phí, tôi có thể kiếm được 5- 6 triệu đồng".

Khác với anh Kiên và Nam, bác Tuyên, 42 tuổi, người từng có 10 năm đợi khách trước Trung tâm Anh ngữ Langmaster, phố Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, vẫn trung thành với xe ôm truyền thống. 

Không thể sử dụng điện thoại thông minh, không xe đẹp, không còn trẻ, nhưng khách quen, giá cả hợp lý, thái độ nhiệt tình, là lý do bác Tuyên vẫn "đứng vững" khi Grabbike đang làm mưa, làm gió.

"Tôi chạy xe ôm 10 năm rồi. Mỗi tháng tôi kiếm được trung bình khoảng 4 triệu đồng, sau khi đã trừ tiền xăng xe và ăn uống. Khách của tôi đa phần là người từng quen, nên ngoài chạy xe ôm nhiều lúc người ta còn thuê tôi đi giao hàng. So với ngày xưa, thu nhập giờ chẳng hề bị ảnh hưởng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại