Chỉ trong tháng 5/2019, liên tiếp xảy ra những vụ trọng án giết người với tính chất man rợ tại nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều vụ án giết người vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, cho thấy đối tượng thực hiện hành vi rất bất thường.
Một số chuyên gia tội phạm học cho rằng, căn nguyên của những hành vi tội ác do lệnh lạc về nhận thức, hành vi và lối sống. Suy nghĩ và quan điểm sống sai lầm dẫn đến hành động sai lầm và vi phạm pháp luật.
Giết người do bản năng hay áp lực cuộc sống?
Ngày 28/5, xảy ra vụ án mạng hết sức nghiêm trọng, khiến 4 người trong gia đình ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương tử vong.
Cơ quan CSĐT tỉnh Bình Dương xác định nguyên nhân ban đầu có thể là do mâu thuẫn nên người chồng đã sát hại vợ đang mang thai, con nhỏ rồi treo cổ tự sát.
Theo người nhà các nạn nhân, gần đây 2 vợ chồng này thường xảy ra mâu thuẫn, to tiếng về chuyện tiền bạc.
Vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc vào trung tuần tháng 5 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Chỉ vì trước đó, xảy ra vụ va chạm giao thông và mâu thuẫn tình ái, nghi phạm Đỗ Văn Bình (37 tuổi, trú tại xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã lên kế hoạch sát hại 4 người.
Đặc biệt, sau khi gây ra những vụ giết người hàng loạt chỉ trong hai ngày, Bình có ý định tới huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) để đoạt mạng một cặp vợ chồng vì “mối thù khó trả” cách đây 8 năm.
Cũng trong tháng 5, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nghiêm Thị Nhi (48 tuổi, trú xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về tội Giết người. Nạn nhân là bà Hoàng Thị V. (71 tuổi) và 2 cháu nội gồm 3 và 4 tuổi.
Tại cơ quan công an, bà Nhi khai trước đây có mâu thuẫn với Đàm Văn Quyết con trai bà Hoàng Thị V. vì cho rằng anh Quyết làm sai lệch hồ sơ vay vốn ngân hàng của bà này. Và con dâu của bà V. (vợ của anh Quyết) có đổ thừa bà lấy trộm điện thoại di động nên đối tượng Nhi có ý định sát hại 3 bà cháu để trả thù
Đối tượng Nhi tại Cơ quan Điều tra. |
Những vụ thảm án xảy ra thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước khiến nhiều người bất an, lo sợ. Phân tích dưới góc độ tội phạm học, PGS-TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội phạm học- Bộ Công an cho rằng, mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống vẫn thường xảy ra, nhưng với những người nhận thức còn hạn chế, nhất là hạn chế về kiến thức về pháp luật thì khó điều chỉnh được hành vi, dễ gây ra tội ác.
Bên cạnh đó, những người gây án thường có nền tảng giáo dục hạn chế. Phần đông họ không được giáo dục về lòng yêu thương, tính nhân văn, sự độ lượng, họ thường sống theo bản năng và làm mọi việc theo ý thích của bản thân.
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm.
Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
“Nếu họ được sống trong môi trường mà ở đó có sự hòa đồng, vui vẻ, thân ái đoàn kết, mọi người chia sẻ mọi chuyện với nhau thì những mâu thuẫn xung đột có thể hóa giải được. Nhưng phần đa chúng ta hiện nay sống trong những môi trường biệt lập, nhà nào biết nhà đấy...
Trong môi trường đó thì sự kết nối của các tổ chức xã hội chưa được rõ nét. Cho nên những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc cống chưa được hóa giải, không lan tỏa được điều tốt”- PGS Đỗ Cảnh Thìn nói.
Lý giải gần đây nhiều vụ án có tính chất dã man, tàn bạo, chuyên gia tâm lý Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, do bị tác động bởi yếu tố đời sống văn hóa hiện đại. Hiện đại ở đây có hai chiều, bên cạnh giá trị văn minh thì còn những yếu tố tiêu cực.
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn. (Ảnh: Học viện Cảnh sát nhân dân). |
“Nhiều vụ án sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn được lặp đi lặp lại, khiến người tiếp cận bị chai dần. Cùng với đó, những đối tượng này có trình độ nhận thức còn hạn chế, xu hướng tiếp cận theo bạo lực nhanh hơn.
Qua đó, nếu gặp tình huống tương tự trong cuộc sống, xu hướng dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn là điều dễ hiểu.....”-PGS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ thêm.
Những nguyên nhân xã hội không được giải quyết triệt để
Theo Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, những vụ án trên đa phần đều bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội, nhưng không được giải quyết triệt để và thấu đáo, dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ trở thành lớn.
Nguyên nhân chủ yếu do, các đối tượng gây án hạn chế về mặt nhận thức, cùng với tâm lý coi thường pháp luật.
TS Lan cũng cho rằng, bên cạnh đó còn do những xử sự chưa đúng mực từ phía nạn nhân, đã làm nảy sinh ý định trả thù bằng mọi giá từ phía đối tượng nhằm giải tỏa bức xúc.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa đối với tội giết người nói riêng, nhiều chuyên gia đánh giá, căn nguyên của những hành vi tội ác đó là do thiếu đạo đức, không được trang bị đúng đắn về ý thức hướng thiện, lòng hiếu thảo và lòng nhân ái.
Bởi vậy cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó giải pháp về giáo dục là quan trọng nhất.
Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan, nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác.
Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình cần sát sao, quan tâm nắm bắt diễn biến tư tưởng và kịp thời giải tỏa những mâu thuẫn, không để bùng phát tiêu cực. Bên cạnh đó, cần phải xử lý kịp thời và nghiêm khắc các đối tượng gây án để phòng ngừa và răn đe chung.
Với những con người, nhóm người có hành động lệch lạc, suy đồi, sa đọa hoặc có biểu hiện bệnh lý bất thường, khó kiểm soát hành vi của mình do bệnh tật hoặc do sử dụng chất kích thích thì cơ quan chức năng cần có những giải pháp để quản lý, khống chế, phòng ngừa những đối tượng này có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Theo chuyên gia Đỗ Cảnh Thìn, ngoài giáo dục từ gia đình, chúng ta cần quan tâm đến giáo dục qua các phương tiện truyền thông.
Bởi hiện nay giáo dục qua truyền thông của chúng ta còn nặng về phê phán, tiêu cực mà không khơi dậy được tính tích cực, trong cộng đồng xã hội. Nếu cho họ thấy được với hành vi của mình họ phải trả giá thế nào đối với gia đình, xã hội thì họ sẽ hạn chế hành vi của mình./.