Hai mươi lăm năm trước đây, một trong những cuộc thảm sát tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại đã xảy ra tại Iraq, dọc theo quốc lộ 80, khoảng 32 km về phía Tây thành phố Kowait.
Vào đêm 26 và ngày 27/2/1991, hàng chục ngàn binh sỹ và thường dân Iraq đang rút lui về Baghdad sau khi một lệnh ngừng bắn được công bố. Cùng thời điểm đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm George Bush ra lệnh cho quân đội tấn công các lực lượng Iraq đang rút lui.
"Những cabin xe tải hứng nhiều bom đạn nằm la liệt trên mặt đất, và không thể nhìn thấy có tài xế bên trong hay không", nhà báo người Mỹ gốc Lebanon Joyce Chediac viết.
Máy bay chiến đấu của lực lượng liên quân nhanh chóng tiếp cận con đường và gần như ngay lập tức đã vô hiệu hóa những chiếc xe vũ trang đi phía trước. Đồng thời, một đội bay khác cũng xuất hiện để khóa chặt trận địa từ phía sau. Giữa sa mạc hoang vu, đoàn người - xe coi như đã bị hãm vào tử địa.
Sau đó, những đợt tấn công ồ ạt liên tiếp đổ ập xuống đoàn quân đang hoảng loạn, trong nhiều giờ liền.
Cuộc tàn sát đã để lại hơn 2.000 xác xe và thiết bị quân sự của quân đội Iraq, cùng với hàng chục ngàn thi thể cháy đen hoặc không còn nguyên vẹn, trải dài hàng dặm, biến con đường thành một "xa lộ chết" theo đúng nghĩa đen.
Vài trăm xác chết nằm rải rác dọc theo một con đường gần đó, quốc lộ số 8 dẫn đến Basra. Những cảnh tàn phá trên hai con đường này đã trở thành một trong những chứng tích rùng rợn nhất của cuộc chiến tranh Vùng Vịnh.
Một ngày trước đó, đài phát thanh Baghdad đã thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao Iraq chấp nhận đề nghị ngừng bắn của Liên Xô và đã ra lệnh cho tất cả quân đội Iraq rút khỏi Kuwait theo đúng Nghị quyết 660 của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tổng thống Bush đã không tin vào điều đó và trả lời rằng "không có bằng chứng cho thấy quân đội Iraq đang rút lui. Trong thực tế, các đơn vị Iraq đang tiếp tục chiến đấu… Chúng tôi (cũng) tiếp tục theo đuổi chiến tranh".
Ngày hôm sau, Tổng thống Iraq đã tự mình công bố trên đài phát thanh rằng việc rút quân đã thực sự bắt đầu trên hai đường cao tốc và sẽ hoàn tất trong ngày. Nhưng Bush phản ứng bằng cách gọi thông báo của Hussein là "một sự xúc phạm" và "một trò lừa bịp tàn nhẫn".
Thay vì chấp nhận lời đề nghị của Iraq được đầu hàng và rời khỏi chiến trường – một hướng giải quyết mạo hiểm có thể không có lợi cho Hoa Kỳ. Tổng thống Bush và các chỉ huy quân sự của Mỹ đã quyết định đơn giản là ném bom và tàn sát.
Vụ đánh bom bắt đầu lúc gần nửa đêm. Lúc đầu máy bay Mỹ và Canada ném bom cả phía trước và phía sau đoàn xe để ngăn chặn đối phương di chuyển, sau đó mới liên tiếp dội xuống đầu đội quân đang mắc kẹt hết đợt này đến đợt khác.
Các chỉ huy trưởng của Bộ tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ đã nhận được chỉ thị từ chính quyền Bush "không để cho bất cứ ai hay thứ gì ra khỏi Kuwait City". Do đó, bất kỳ chiếc xe nào di chuyển ra khỏi đường cao tốc đều bị theo dõi, săn đuổi và tiêu diệt.
Ngay cả những người lính Iraq đã giải giáp đầu hàng cũng bị tàn sát. Không một người Iraq nào sống sót để rời khỏi Kuwait City ngày hôm đó.
"Những cabin xe tải hứng nhiều bom đạn nằm la liệt trên mặt đất, và không thể nhìn thấy có tài xế bên trong hay không. Kính chắn gió đã tan tành, và những thùng xe khổng lồ bị xé vụn ra từng mảnh nhỏ", nhà báo người Mỹ gốc Lebanon Joyce Chediac viết.
"Vụ thảm sát các binh sỹ Iraq đang rút lui đã vi phạm Điều III Công ước Geneva năm 1949: cấm giết hại những người lính đã rời khỏi cuộc chiến", Joyce Chediac viết tiếp.
"Các binh sỹ Iraq rút khỏi Kuwait không phải do quân đội của chính quyền Bush đánh lui (nghĩa là không phải rút quân trong lúc chiến đấu). Họ cũng không rút quân để rồi lại tập hợp và tái tham chiến. Thực tế là họ đang rút lui, họ sẽ trở về nhà."
"Việc tấn công những người lính đang trở về nhà trong trường hợp này là một tội ác chiến tranh", Chediac viết thêm.
"Ngay cả ở Việt Nam tôi cũng chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này. Thật thảm hại", Thiếu tá Bob Nugent, một sỹ quan tình báo quân đội cho biết.