Trong xã hội Nhật Bản cổ đại, giới quý tộc và văn nhân thường thích kết giao với những kỹ nữ cao cấp trong lầu xanh. Đây là hành động được thừa nhận và được coi là thói phong lưu thường tình của đàn ông. Họ có quyền trêu hoa, ghẹo nguyệt bên ngoài, nhưng vẫn phải giữ êm ấm gia đình.
Người xưa có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người chồng luôn phải làm tròn trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là chuyện sinh con đẻ cái để kế thừa hương hỏa.
Lui tới lầu xanh, trêu đùa tình tứ với kỹ nữ là chuyện phổ biến, nhưng một khi nảy sinh quan hệ yêu đương, họ sẽ bị coi là mang tội, phải chịu sự dè bỉu, nguyền rủa, ngăn cấm của xã hội.
Đàn ông Nhật Bản xưa được mặc sức hưởng lạc tại kỹ viện, nhưng không có quyền nảy sinh tình cảm yêu đương với gái lầu xanh.
Thời đại Heian ở Nhật Bản có một quy phạm xã hội rất hà khắc: Nam giới thỏa sức ra ngoài phong lưu, quan hệ giường chiếu với kỹ nữ, nhưng một khi nảy sinh tình cảm yêu đương thì đó là trọng tội. Mối quan hệ ngoài luồng này sẽ ảnh hưởng đến địa vị xã hội của người đàn ông và làm xáo trộn gia đình anh ta.
Chính vì vậy, trong thế giới của ca kỹ thời xưa, dù cho nam nữ có thề non hẹn biển thì đó cũng chỉ là những lời nói gió bay. Chính thâm tâm cả hai đều hiểu rõ, những phút vui vẻ bên nhau chỉ là trò chơi và không được phép chạm vào điều cấm. Một khi đi ngược lại quy tắc xã hội và chế độ đẳng cấp đương thời, xã hội sẽ tạo ra những áp lực rất lớn với họ, hoặc là hạ cấp của gái làng chơi trong kỹ viện, hoặc khiến cho người đàn ông hồi tâm chuyển ý, thậm chí ép buộc hai người phải chia xa rồi ôm hận thiên cổ.
Theo quan niệm xưa, tình yêu giữa các văn nhân hoặc tầng lớp quý tộc với gái lầu xanh là mối quan hệ không cùng đẳng cấp. Nó sẽ làm vấy bẩn xã hội, làm hoen ố những giá trị thanh tao mà chỉ những tầng lớp thượng lưu mới có. Thậm chí, để giữ thể diện và vẻ thanh tao, quý tộc của mình, quan khách tới xem múa đều không được động chân động tay vào cơ thể kỹ nữ. Chỉ tới khi trả tiền, lần lượt từng vị khách mới có quyền nhẹ nhàng sờ lên phần ngực của cô gái đứng chào ở cửa rồi lịch sự ra về. Các kỹ nữ không quên thực hiện lễ nghi tiễn khách truyền thống với câu chào quen thuộc: “Cảm ơn quý khách đã đến, hy vọng lần sau lại hân hạnh đón tiếp”.
Nếu trót lỡ mang nặng yêu thương, cao trào tình cảm của khách làng chơi và kỹ nữ không phải là những đêm mây mưa, mà được thể hiện trong những vần thơ tao nhã được làm theo quy tắc nghệ thuật nghiêm ngặt. Những bài thơ với các từ ngữ sáo rỗng rất ít khi nhắc đến tình yêu, hay chủ thể trong mối tình, đó đơn thuần chỉ miêu tả những vạt áo thấm đẫm nước mắt của buổi bình minh chia tay hoặc là tiếng gà gáy vô tình báo hiệu giây phút lìa xa…
Theo Thùy Liên
Báo Đất Việt