Trong khi đó, Trung Quốc cũng thể hiện sự thay đổi trong lập trường về cuộc xung đột tại Libya, và xem quân nổi dậy là “đối tác đối thoại” quan trọng của nước này.
Quân nổi dậy Libya cho biết các cuộc không kích của NATO đã tấn công các kho vũ khí của chính phủ ở phía nam thị trấn Zintan do phe này chiếm đóng, trong khi một nguồn tin chưa được kiểm chứng của đài truyền hình Libya nói rằng “hàng chục” người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công riêng rẽ của Nato ở Zlitan.
Một ngôi nhà bị hư hại trong cuộc tấn công của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi (Ảnh Reuters)
Juma Ibrahim, một phát ngôn viên của phe nổi dậy nói rằng các cuộc không kích của NATO đã tấn công các kho vũ khí của chính phủ ở thị trấn Zintan vào tối qua (22.6).
Hàng loạt vụ nổ lớn đã được nghe thấy sau cuộc không kích. Kênh truyền hình Al Jazeera phát đi hình ảnh trực tiếp từ Zintan cho thấy những quả cầu lửa lớn rơi xuống tại đây.
Theo một nguồn tin y tế, bốn binh sĩ nổi dậy và ít nhất 12 người bị thương trong một cuộc tấn công riêng rẽ khác ở mặt trận Dafniya gần thành phố duyên hải Misrata.
Cùng ngày, lực lượng trung thành với Gaddafi đã nã pháo vào khu vực Nalut gần biên giới với Tunisia và bắn hơn 20 quả tên lửa Grad vào thị trấn này. Một số ngôi nhà đã bị hư hại trong cuộc tấn công.
Việc NATO lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận đã gây thương vong cho thường dân có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của các nước đối với sứ mệnh mà LHQ ủy thác cho liên minh quân sự này.
Phát biểu trước quốc hội Ý hôm qua, Ngoại trưởng Ý Franco Frattini cho biết việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ngày càng trở nên cấp bách.
“Ngoài lệnh ngừng bắn, là bước khởi đầu để tiến tới một cuộc đàm phán chính trị, việc chấm dứt hành động quân sự là rất cần thiết để cho phép cứu trợ nhân đạo,” ông Frattini nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ý sau đó tuyên bố Rome không đưa ra một đề nghị cụ thể nào, nhưng quan tâm đến bất kì đề xuất nào để giảm thương vong ở thường dân. Tuy nhiên, điều này không nhận được sự quan tâm của các nước đồng minh Nato.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero nhận định điều cần làm hiện nay là phải tăng cường sức ép đối với ông Gaddafi, việc tạm hoãn chiến dịch sẽ cho ông này thêm thời gian để tái tổ chức mọi thứ.
Anh, một trong những nước đầu tiên ủng hộ quân nổi dậy cùng với Pháp, cũng có chung quan điểm trên. “Phương án đúng đắn hiện nay là tăng cường sức ép đối với ông Gaddafi,” người phát ngôn của thủ tướng Anh David Cameron cho biết.
(Theo Reuters)