Xóm "đồng nát" Hoàng Cầu (quận Đống Đa) có khoảng 15 hộ dân chung sống. Đó là những khoảng không gian u tối, ẩm thấp và nồng nặc mùi xú uế của rác thải. Họ sống biệt lập với xung quanh bởi cái nhìn “ái ngại” của mọi người.
Thu nhập mỗi tháng của những người thu nhặt rác khoảng 3 triệu đồng nhưng đã phải chi trả 1 triệu tiền thuê một “chiếc chiếu ngủ” tại nơi được cho là "đất vàng” giữa lòng Thủ đô. Đó là chưa kể tiền điện nước, tiền ăn, tiền tích cóp gửi về cho gia đình… và hàng trăm thứ tiền khác trong thời buổi giá cả đắt đỏ hiện nay.
Những cư dân của xóm rác Hoàng Cầu sống lạc lõng với thế giới xung quanh
Những người tại xóm rác Hoàng Cầu đa phần là phụ nữ. Họ đến từ các vùng quê Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam… Công việc hằng ngày bắt đầu từ 10h sáng đến 2h đêm. Đó là cao điểm đổ rác của các hộ kinh doanh ăn uống và người dân.
"Làm nghề đồng nát sợ nhất trời mưa. Người bán quán ế khách thì bọn chị cũng chẳng có rác mà nhặt. Đội mưa ra ngoài đường thì cũng chỉ nhặt được một ít túi nilon, vỏ lon bia... Không đi làm thì không có tiền gửi về quê cho các cháu"- chị Hương (Thanh Hóa) cho biết. Mỗi ngày, chị Hương phải nhặt 10 kg nilon mới kiếm được 7.000 đồng, 3 kg vỏ lon thì được 12.000 đồng...
Chị Lan (Nam Định) dù có bầu vẫn đi nhặt rác đến tận lúc sinh. Chị nói: “Đi làm cho dễ… đẻ. Chị ít chữ, lại càng không biết tiếng Tây, nhiều khi không may nhặt phải bình axit hay hóa chất độc hại khiến mình điếng cả người, đứa bé trong bụng đạp mạnh vào bụng chị. Chị phải xoa bụng và nói chuyện với con hồi lâu, bé mới nằm yên…”.
Biết là làm nghề này rất ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cư dân của "xóm ổ chuột" Hoàng Cầu vẫn nhọc nhằn bám... rác. Chị Nhàn (Hà Nam) cho biết: “Vài hôm nữa, tôi sẽ đưa con gái dưới quê lên làm cùng cho có mẹ có con. Ở nhà, không có ai chăm sóc nó, mà “nhàn cư thì bất thiện”, nó mà hư thì đời tôi cũng thành rác rưởi".
Phút nghỉ ngơi của chú Sơn sau những giờ làm việc mệt nhọc
Chú Sơn, một cư dân trong "xóm ổ chuột" chia sẻ: “Cách chỗ chúng tôi ở không xa là khu bãi rác Thành Công bên kia, nhiều người cũng như chúng tôi từ quê lên làm ăn nhưng lại lựa chọn con đường đâm thuê, chém mướn, mỗi tháng thu nhập rất khá. Nhưng chúng tôi thà nghèo khổ chứ hất quyết không chịu làm những điều trái với lương tâm và pháp luật. Chúng tôi luôn tâm niệm “sống cho sạch, rách cho thơm”.
Chùm ảnh "Xóm ổ chuột giữa lòng Hà Nội":
Những người thu nhặt ve chai tại xóm rác Hoàng cầu sống trong căn phòng ọp ẹp rộng từ 5 -10m2 và thường không được che chắn bởi nắng, mưa..
Cuộc sống của họ gắn liền với rác. Rác luôn hiện hữu ở khoảng sân trước nhà...
Rác trong nhà…
…và ở cả mảnh sân sau
... Rác thậm chí còn là đồ trang trí nội thất
…Vật nuôi cũng là những con thú hoang nhặt bên đường
Nhiều người còn gửi đồ chơi, đồ gia dụng cũ về quê cho con cái và gia đình
Chú Sơn trong “căn phòng” của mình. “Phòng riêng” của chú và vợ là chiếc chiếu 1,5m x 2m. Đây cũng chính là bếp, nơi ăn, nơi ngủ và nơi sinh hoạt chung của gia đình
Những người thu nhặt rác cùng sinh hoạt trong không gian chật hẹp
Nhiều người còn đưa cả con trẻ lên cùng chung sống. Chị Vân, một người làm nghề đồng nát lâu năm cho biết: “Tôi biết bọn trẻ sống gần rác sẽ không tốt cho sức khỏe của cháu nhưng thỉnh thoảng vẫn cho các cháu lên chơi vì nhớ cảm giác được chăm sóc cho các cháu quá”.
Tiếp xúc quá lâu với rác, có người đã bị hoại tử một phần bàn tay. Nhưng vì mưu sinh, họ vẫn phải tiếp tục làm công việc này.
Công việc nhặt rác bắt đầu từ 10h sáng đến 2h đêm. Thu nhập trung bình của người nhặt rác khoảng 3 triệu đồng/tháng. Vì thế, họ phải chi tiêu rất tằn tiện để dành tiền gửi về cho gia đình ở quê.