Tháng 5/2008, UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục đồng thời gắn biển 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường, và 62 tuyến phố không được kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Chủ trương này nhằm tạo nên diện mạo mới cho thủ đô Hà Nội, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho xe cơ giới.
Không lâu sau đó, người đi bộ lại phải tràn xuống đường, hòa vào dòng xe cộ ngược xuôi.
Dù trên nhiều tuyến phố như Hàng Gai, Ngõ Gạch… chính quyền cho phép trông xe dưới lòng đường để dành vỉa hè cho người đi bộ.
Nhưng đơn vị trông xe tự ý để xe máy trèo cả lên vỉa hè và ôtô thì tràn ra tận giữa đường, gây cản trở giao thông.
Những tấm biển cấm của UBND phường đặt trên nhiều tuyến phố bị xe cộ, hàng quán quây kín.
Vỉa hè bị chiếm dụng, du khách nước ngoài phải đi xuống lòng đường.
Công an Hà Nội phải thừa nhận thực trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, trách nhiệm chính của tình trạng lộn xộn này thuộc về UBND các quận, huyện vì đã thu phí thuê vỉa hè và lòng đường để kinh doanh và trông xe.
Trên phố Hàng Giấy, ngay sát trụ sở UBND phường Đồng Xuân là điểm trông xe rộng vài trăm mét vuông nằm tới gần giữa đường. Thậm chí, ngay trước cửa trụ sở phường, dù có biển cấm nhưng cảnh bán hàng, đỗ xe dưới lòng đường vẫn diễn ra.
Tương tự, nằm giữa dãy xe máy trên vỉa hè phố Hàng Cót là tấm biển cấm không còn tác dụng của UBND phường Hàng Mã.
Ngay trước cửa trụ sở công an và UBND phường Hàng Mã xe cộ được để lộn xộn trên vỉa hè và dưới lòng đường.
Theo VNE