Mặc dù TP HCM đã xóa sổ bãi giữ xe có thu phí trên vỉa hè và lòng đường tại 10 đoạn đường gây mất trật tự giao thông nhưng do thiếu bến bãi nên nhiều người vẫn vô tư đậu.
Cũng giống Hà Nội, từ trước Tết Nguyên đán 2012, TP HCM đã cho phép xóa bỏ các bãi giữ xe có thu phí dưới lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự giao thông, trước mắt thực hiện ở 10 đoạn đường thuộc quận 1. Tuy nhiên, tại những nơi từng là bãi giữ có thu phí này, hàng loạt taxi, xe cá nhân vẫn vô tư đậu.
Theo ghi nhận, sáng 16/2, tại đường Nguyễn Trung Trực (đoạn từ Nguyễn Du đến Lê Thánh Tôn) tấp nập ôtô cá nhân đi vào đậu. Đây là đoạn mà thành phố vừa xóa bỏ bãi đậu xe trên vỉa hè và cả dưới lòng đường có thu phí. Do biển báo được phép đậu xe trên vỉa hè chưa bị dẹp bỏ nên hàng chục ôtô cá nhân vẫn đậu mà không sợ bị phạt.
Vừa bước xuống xe, anh Nguyễn Văn Thành (quận 9) cho biết, anh thường xuyên đến đây uống cà phê vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, kể từ hôm có quyết định "khai tử" điểm giữ xe có thu phí trên đoạn đường này anh chưa thấy bị cơ quan chức năng xử phạt. "Xóa có khi lại hay, cứ đỗ tự nhiên mà không phải mất 5.000 đồng nộp tiền giữ xe như trước", người đàn ông này nói.
Xe ôtô cá nhân đậu dưới lòng đường và trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực (đoạn bãi giữ xe có thu phí đã bị xóa bỏ). Ảnh chụp ngày 16/2. Ảnh: Tá Lâm.
Trên đường Alexandre De Rhodes (đoạn Pasteur đến Phạm Ngọc Thạch), hàng chục ôtô cá nhân vẫn đậu tràn lan dưới lòng đường. Mỗi khi có lực lượng chức năng đến xử phạt, nhiều người chấp nhận bị phạt. Anh Quân (quận 3) vừa bị lập biên bản xử phạt vì lỗi đậu xe dưới lòng đường cho biết, dù biết khả năng bị phạt là rất cao nhưng vẫn chấp nhận bởi nếu không đỗ ở đây thì cũng không tìm được chỗ khác.
"Các điểm giữ xe ngầm dưới cao ốc tính theo giờ, mức phí có thể lên 20.000-60.000 đồng một lượt. Còn đến các điểm đậu xe 'lậu' thì quá xa chỗ mình có công việc, bất cập lắm", anh nói.
Một số tài xế khác cho biết, khi thấy lực lượng thanh tra đến là họ cho xe chạy lòng vòng. Khi các "sếp" rút, họ lại tiếp tục đậu nơi đã bị cấm để... cho tiện.
Còn tại đường Bùi Thị Xuân (quận 1), mặc dù vạch sơn và biển báo nơi đỗ xe có thu phí đã được dẹp bỏ, nhưng do tuyến đường này có nhiều nhà hàng, khách sạn và quán ăn nên ở đây thường tập trung rất đông taxi đợi khách. Tài xế cho xe đậu và tập trung bàn tán. Nhiều người bị xử phạt cho biết, thấy người khác đậu thì cũng đậu theo chứ hoàn toàn không biết bãi giữ xe này đã bị cấm.
Đội tuần tra giao thông quận 1 cho biết, hàng ngày vẫn thường kiểm tra ở đoạn đường này và mỗi lần như thế phạt ít nhất 4 ôtô đỗ dưới lòng đường nơi không được phép đậu.
Lực lượng thanh tra giao thông xử phạt ôtô cá nhân đậu dưới lòng đường nơi trước đó là bãi giữ xe có thu phí sáng 17/2. Ảnh: Tá Lâm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên những đoạn đường đã xóa bỏ điểm đậu xe có thu phí khác như Sương Nguyệt Ánh, Chu Mạnh Trinh, Trần Cao Vân, Nguyễn Siêu...
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, do một số tuyến đường vừa bị xóa sổ chưa kịp gắn biển báo "cấm đậu, cấm dừng" nên các cơ quan chức năng rất khó xử phạt. Trong thời gian tới sẽ gắn biển báo này để công an và thanh tra giao thông có cơ sở để xử phạt theo đúng luật.
"Họ khó có thể làm đúng chức năng vì phải có biển báo cấm dừng, cấm đậu. Những nơi nào đã gắn biển báo rồi mà các xe cố tình đậu thì công an và thanh tra giao thông phải xử phạt nghiêm minh", ông Tường nói.
Thừa nhận TP HCM đang thiếu điểm giữ xe, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết, hiện nay Sở Giao thông đang phối hợp với các quận, huyện rà soát toàn bộ tuyến đường được sử dụng tạm thời một phần lòng, lề đường, vỉa hè làm điểm, bãi đỗ xe có thu phí. Nếu nơi nào bất hợp lý thì xóa bỏ, còn không gây mất trật tự giao thông sẽ giữ lại.
Hàng chục xe cá nhân đậu trên bãi giữ xe dưới lòng đường có thu phí đã bị "xóa sổ" trên đường Alaxandre De Rhodes. Ảnh chụp ngày 16/2. Ảnh: Tá Lâm.
Để có thể tiến tới "xóa" hết bãi đậu xe có thu phí gây cản trở giao thông, TP HCM đang tính toán những địa điểm có thể xây dựng bãi giữ xe ngầm tập trung ở công viên lớn như Lê Văn Tám, Tao Đàn... Thành phố cũng vận động những đơn vị khi xây dựng khu chung cư cao tầng, khu thương mại... phải xây dựng bãi giữ xe ngầm để giảm tải áp lực cho thành phố.
"Thành phố đang làm, có nhiều bãi giữ xe sẽ hoàn thành vào năm 2013-2015", ông Tường quả quyết.
Cuối năm 2011, UBND TP HCM đã chấp thuận xóa bỏ và yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi các biển báo, xóa vạch sơn trên 10 đoạn đường được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe công cộng có thu phí trên địa thành phố. Những việc này phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2012.
Theo đó, thành phố đã xóa bỏ việc đậu xe trên vỉa hè có thu phí trên 3 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ Trương Định đến Huyền Trân Công Chúa), Thi Sách (từ Lê Thánh Tôn đến Công trường Mê Linh) và Nguyễn Trung Trực (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi) và xóa bỏ việc đỗ xe dưới lòng đường có thu phí trên 7 tuyến đường gồm Alexandre De Rhodes (từ Pasteur đến Phạm Ngọc Thạch), Chu Mạnh Trinh (từ Nguyễn Trung Ngạn đến Lý Tự Trọng), Nguyễn Siêu (từ Hai Bà Trưng đến Thái Văn Lung), Trần Cao Vân (thu hồi phần đậu xe bên tay trái theo hướng từ Phùng Khắc Khoan đến Mạc Đĩnh Chi), Nguyễn Trung Trực (từ Nguyễn Du đến Lê Thánh Tôn), Bùi Thị Xuân (từ Cách Mạng Tháng Tám đến Lê Thị Riêng) và Sương Nguyệt Ánh (từ Cách Mạng Tháng Tám đến Tôn Thất Tùng).
Theo Tá Lâm
VNE