Vùng đất hữu tình và lời đồn kho báu giữa đại ngàn

daquynh |

Truyền thuyết về đội quân Cờ Vàng và kho báu chôn cất cứ thế lan truyền từ đời này sang đời khác ở Nghinh Tường.

Thời gian gần đây, tin đồn về ở xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có kho báu đã được lan tuyền đi nhiều nơi với nội dung: Lại vừa có người đào được vàng, cổ vật…
“Tam sao thất bản”, những câu chuyện đó dần thêu dệt nên những lời đồn ly kỳ về kho báu bí ẩn đang bị chôn vùi dưới lòng đất hàng trăm năm nay. Vượt qua hàng trăm cây số, PV đã có chuyến tìm hiều sâu hơn về những tin đồn này.

Kho báu bị chôn vùi hơn 100 năm?

Nghinh Tường là xã có ngã ba ranh giới giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Từ thành phố Thái Nguyên đi khoảng 60km về phía Tây Bắc, nơi đây là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Mông và Dao. Với 12 bản được phân bố từng cụm, mỗi bản cách nhau bởi những dãy núi trùng điệp và những con đường cheo leo quanh sườn dốc.

Một xã Nghinh Tường hiện lên yên bình trong vụ gặt, trên đồng ruộng mọi người hăng say với công việc gặt hái. Tuy nhiên, có ai biết đằng sau những khung cảnh yên bình đó là cả một câu chuyện ly kỳ về kho báu đã khiến cho nhiều người dân trong xã đã phải “điêu đứng” một thời.

Từ đầu xã Nghinh Tường, vượt qua 5km đường núi, theo chân anh Nông Văn Mẫn ( một thanh niên Tày thuộc bản Cái) chúng tôi tới gặp cụ Nông Văn Quán, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Cụ Quán là một trong những cao niên của xã Nghinh Tường. Chúng tôi hy vọng, cụ có thể giúp tìm hiếu thực hư về những lời đồn thổi từ xa xưa về một kho báu thuộc vùng đất hữu tình này.

Ngược dòng lịch sử, cụ Nông Văn Quán cho biết: “Đội quân Cờ Vàng”; “Đội quân Cờ Đen”; “Đội quân Cờ Trắng”… vốn là tàn dư của quân Thái Bình Thiên Quốc sau khi bị nhà Thanh truy quét đã chạy sang Việt Nam và chia thành 3 quân như trên.

Trong đó có quân Cờ Vàng và quân Cờ Trắng, sau khi sang nước ta liền trở thành quân Thổ phỉ, chuyên đi cướp bóc người dân miền núi khu vực phía Bắc, bắt họ khai thác các mỏ vàng trên vùng cao.

Duy còn lại quân Cờ Đen là hợp tác với Triều đình nhà Nguyễn để kháng Pháp và tiêu diệt quân Cờ Vàng và Cờ Trắng. Tháng 2/1868 quân Cờ Đen phối hợp cùng quân nhà Nguyễn đã truy quét quân thổ phỉ Cờ Vàng.

Sau hơn 7 năm hoạt động thổ phỉ tại địa bàn miền núi phía Bắc, quân Cờ vàng đã bị tiêu diệt. Trong những năm cướp phá và khai thác vàng ở địa bàn ấy, đội quân này đã tích trữ được rất nhiều của cải.

“Có thể trong đợt truy quét cuối cùng của quân đội triều đình, từ Cao Bằng chạy về phía Lạng Sơn để về bên Tàu, họ đã chôn lại một số của cải ở đây để chờ cơ hội sang lấy về”, cụ Nông Văn Quán suy đoán về nguồn gốc của kho báu của đội quân Cờ Vàng.

Cụ nói thêm: “Tôi nghe bố tôi kể lại, từ thời ông nội tôi, một hôm có nhóm người lạ mặt đến bản bắt nhiều thanh niên đi cùng lên núi Khau Hon.

Chỉ trong 3 đêm, không biết bọn chúng đã làm gì họ mà không thấy một ai trở về bản nữa. Cái này bố tôi vẫn thường hay kể lại nên tôi biết thế chứ cũng không chứng kiến.

Có tin đồn là khi đội quân Cờ Vàng đi qua đấy, chúng đã chôn một phần của cải cướp được trên đường đi vì thế rất nhiều người dân vùng hàng ngày vẫn đổ xô đi tìm kho báu mong có một ngày tìm thấy mà… đổi đời”.

vung-dat-huu-tinh-va-loi-don-kho-bau-giua-dai-ngan

Truyền thuyết về đội quân Cờ Vàng và kho báu được chôn cất cứ thế lan truyền từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác. Trải qua thời gian những tin đồn đó còn được thêu đệt thêm nhiều chi tiếp hấp dẫn: Đã có người tìm thấy vàng hay cổ vật trên đất Nghinh Tường….

“Quan tài bằng đá” – Điểm mốc phương hướng của kho báu

“Từ khi tôi sinh ra đã thấy nó ở đó, dạo đó trông nó còn vuông vắn, đẹp và cổ kính. Theo như bố tôi kể lại thì đó là mốc định hướng để tìm kho báu của quân Cờ Vàng.

Nhưng đã mấy đời nay, người trong bản đi tìm cũng nhiều, người ở các nơi lên đó nghiên cứu cũng nhiều nhưng chưa ai phá giải được bí mật của nó – hòn đá quan tài”. Cụ Quán cho tôi biết về một dấu tích mà theo như người dân nơi đây coi đó giống như “bản đồ” chỉ dẫn tới kho báu.

Quá hiếu kỳ và thích thú tôi liền xin cụ chỉ dẫn đường tới chỗ chiếc “quan tài bằng đá” bí hiểm đó. Cụ Quán xua tay bảo : “Ối, chỗ đó xa lắm, đường đi lại hiểm trở nữa, tôi già rồi không còn sức để leo lên nữa đâu. Chỉ có người già trong bản còn biết chỗ đó chứ bọn trai làng chưa chắc đã biết đường đi đến đó”.

Nhưng thấy tôi tỏ ý quyết tâm lên bằng được chỗ “hòn đá quan tài”, cụ Quán liền gọi cậu con trai út cùng với đứa cháu nội tới sau đó tỉ mỉ vẽ đường cho tới chỗ “hòn đá quan tài”.

Anh Nông Văn Mẫn và Nông Văn Sáng dẫn tôi men theo con đường vào núi Khau Hon. Con đường độc đạo lởm chởm đá, những viên đá to bằng đầu người đua nhau “nhung nhúc” trên mặt đất vốn đã gồ ghề. Con đường liên tục bị bẻ cong bởi những tảng đá lớn nằm chắn ngang. Hai bên đường bụi gai mọc thành từng dãy, xen kẽ đó là những khóm hoa mua đang cố chen chân hứng lấy chút ánh nắng mặt trời đang lập lờ sau một con núi ngút ngàn – đó là núi Khau Hon.

“Theo như chỉ dẫn của bố tôi thì từ đây vào đó còn khoảng 5km đường núi nữa. Nếu chúng ta đi nhanh thì có thể về nhà kịp trước khi mặt trời lặn.

Trước đây nó (hòn đá quan tài – PV) cũng không có gì là đặc biệt. Khoảng năm 1998, tự nhiên có mấy người Trung Quốc sang đây tìm kiếm thứ gì đó cả mấy ngày. Sau đó họ khoan vào hòn đá này và cho nổ mìn nhưng hòn đá không vỡ.

Có lời đồn, ở dưới chân hòn đá ấy có người đã đào được mấy quển sách cổ. Những người sành về các kho báu bảo đây chính là cột mốc để đối chiếu với cột mốc ở trên đỉnh núi. Họ cho rằng đấy là những mốc để lần ra kho báu thực sự”, anh Mẫn (con cụ Quán) cho tôi biết.

Càng vào sâu về phía núi, khung cảnh hoang sơ càng hiện rõ hơn. Chúng tôi đặt chân tới chân núi Khau Hon khi mặt trời đã nằm trên đỉnh đầu.

Ngồi nghỉ ngơi ăn tạm mấy sát lương khô tôi chuẩn bị từ hôm qua mà trong lòng lâng lâng khó tả. Không biết ẩn chứa trong tảng đá khổng lồ mà người dân nơi dây vẫn gọi là quan tài đó là bí ẩn về một kho báu hay đơn thuần chỉ là một hòn đá tự nhiên?

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, đường lên núi nằm ẩn trong cánh rừng bao quanh Khau Hon. Giữa trưa nắng mà vào trong đó tôi còn có cảm giác rùng mình ớn lạnh.

Trên con đường thăm thẳm ấy, chốc chốc anh Sáng lại pha trò cho nỗi mệt nhọc của mọi người tan đi: “Anh yên tâm đi, chỗ này không có hổ đâu. Mà nếu như có hổ thì bọn tôi sẽ bắt nó ngay, nghe nói người Kinh rất thích cao hổ”. Nói xong cả bọn cười vang cả rừng khiến cho mấy chú chim đi kiếm ăn giật mình bay toán loạn.

Cuối cùng thì “hòn đá quan tài” cũng xuất hiện trước mặt chúng tôi trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của cả đoàn.

Theo quan sát của PV, “hòn đá quan tài” là một tảng đá khổng lồ, vuông vắn, to bằng cỡ 2 gian nhà nhỏ nằm trên đỉnh núi đã phủ một lớp rêu dày bên ngoài. Xung quanh tảng đá, cây cối, dây leo um tùm. Nhiều cây bụi rậm chết quanh tảng đá tạo thành một lớp “áo vàng” trông khá thú vị.

Ở trên tảng đá loang lổ những vết khoan, vết bổ mà theo như anh Mẫn cho biết thì đấy chính là dấu tích còn lại của những người đi “giải đáp bí ẩn bên trong” của nó. Một góc của tảng đá đã bị sứt, nham nhở do người ta nổ mìn.

Những dấu vết để lại cho thấy đã có rẩt nhiều người lên đây tìm hiểu về “chiếc quan tài ngày nhưng chắc chắn một điều rằng vẫn chưa có ai tìm ra được bí mật của nó. Xung quanh thân tảng đá, rêu mọc phủ dày, không có kí hiệu hay bất kỳ chữ viết nào trên tảng đá cũng như những vùng xung quanh.

“Chắc người ta tìm không thấy ký hiệu gì nên mới khoan lỗ để nổ mìn? Thật là phí cho một vật kỳ lạ như thế này”. Anh Sáng nói với tôi.

Ngồi nghỉ bên tảng đá trò chuyện một lúc, chúng tôi trở về khi mặt trời đã dần xuôi về phía Bản Cái – bản của anh Sáng và Mẫn. Phía sau lưng, “chiếc quan tài đá” vẫn đứng im lạnh lẽo và hoang sơ. Liệu nó có ẩn chứa trong mình một bí mật gì đó về kho báu mà người dân xã Nghinh Tường này vẫn truyền tai nhau?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại