Tháng 3/2011, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh - TP.HCM đã lập một vi bằng ghi nhận lại khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng (tương đương 47,6 triệu USD) của một người phụ nữ quá cố tên là T.K.P (sinh năm 1946, ngụ quận Tân Phú - TP.HCM).
Do chết bất đắc kỳ tử nên bà P. đã không để lại di chúc.
Trong khi bà không có con ruột, chỉ có một người con nuôi 22 tuổi được pháp luật thừa nhận mang họ bà là chị L.
Dưới sự chứng kiến của anh chị em bà P. và chị L. cùng công an địa phương, tài sản của bà P. phải đếm trong vòng 1 tuần mới xong: gồm 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm.
Vì khối tài sản quá lớn mà bà P. để lại nên hầu hết anh chị em trong gia đình bà P. đều muốn gửi vào ngân hàng mà không để cho người con nuôi nắm giữ.
Khối tài sản khổng lồ tạm thời chưa có chủ sở hữu trên đang thu hút sự quan tâm, tò mò rất lớn của dư luận về người sẽ nắm quyền sở hữu hợp pháp và phương thức sử dụng khi nhận quyền thừa kế.
Theo khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vậy chiếu theo điều a của bộ Luật trên thì quyền thừa kế nhiều khả năng sẽ thuộc về chị L. con nuôi hợp pháp của bà T.K.P.
Tuy nhiên, đến nay khi đã hết hạn ký gửi, chị L. muốn rút số tài sản này về nhưng ông P. lại không đồng ý vì ông cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp.
Hiện tại ông P muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết. Vụ việc vẫn đang chờ một hồi kết.
H. Huyền