Ông Trần Chí Trung (trưởng phòng Kế hoạch, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn): Trong hồ sơ thiết kế về thông số kỹ thuật theo dõi được duyệt thì hiện trong hầm có 12 quạt phản lực với lực hút tương đương gió cấp 6, chia 2 chiều, mỗi chiều 6 cái, cường độ tiếng ồn của mỗi quạt là 91dB và cuối mỗi chiều lưu thông có 1 quạt hút khí khói, bụi ra ngoài.
Ông Trần Chí Trung
Đó là chưa tính đến tiếng ồn do xe lưu thông. Với mô hình đường hầm của một số nước trong đó có Nhật Bản, nguyên tắc của họ là không cho người già, trẻ em lưu thông bằng xe gắn máy qua hầm. Người tham gia giao thông qua hầm bằng mô tô thì phải đội mũ bảo hiểm có bịt tai.
Do đó, trong Quyết định số 66 của UBND TPHCM quy định cho các phương tiện được phép lưu thông qua hầm có khuyến cáo người lưu thông qua hầm bằng xe gắn máy nên sử dụng loại mũ bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn. Đồng thời, hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe gắn máy, nếu cho trẻ em phải có dụng cụ bịt tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn, đặc biệt khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong hầm.
Trong trường hợp có sự cố như kẹt xe thì tiếng ồn sẽ rất lớn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vừa qua chúng tôi cũng đã tiến hành đo độ ồn trong hầm ở giờ cao điểm với lưu lượng xe tham gia giao thông đông nhất thì tiếng ồn lên tới hơn 100dB đã vượt ngưỡng cho phép. Do đó, người tham gia giao thông nên thực hiện theo khuyến cáo đã đề ra.
Cần bảo vệ tai nếu lưu thông thường xuyên qua hầm
GS.TS Nguyễn Hữu Khôi (trường Đại học Y Dược TPHCM): Thứ nhất, với ngưỡng từ dưới 80dB trở xuống thì không ảnh hưởng tới độ thính lực của người tham gia giao thông, còn lớn hơn ngưỡng này thì sẽ gây điếc và tiếng ồn càng lớn tác hại càng nặng và khó hồi phục thính giác.
Thứ hai, đôi khi tiếng ồn không lớn nhưng thời gian tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên cũng gây giảm thính lực. Nếu tiếng động vừa phải thì có thể điều chỉnh được, tiếng động quá lớn thì cơ chế tự bảo vệ của tai không còn hiệu quả nữa.
GS.TS Nguyễn Hữu Khôi
Đường hầm kín tường, sâu, không cách âm, hút âm và cũng không có bộ phận giảm âm... tiếng động trong hầm không có lối thoát nên sẽ dội ngược vào tai. Hơn một cây số hầm mà như một cái thùng tăng âm, đủ loại tiếng ồn từ các phương tiện tạo một tạp âm rất lớn, cho nên chắc chắn tiếng ồn sẽ ảnh hưởng sức khoẻ. Việc thực hiện bịt tai đối với người lưu thông qua hầm bằng phương tiện xe gắn máy, mô tô là cần thiết.
Nếu đi lại thường xuyên qua hầm thì nên có thiết bị bảo vệ tai như nút tai, mũ bảo hiểm có bịt tai, giúp giảm phần nào tiếng ồn động cơ dội vào tai.
Đối với trẻ em khi qua hầm bằng xe máy thì càng phải giữ kỹ cho trẻ, vì thính giác của trẻ chưa thích nghi tốt như người lớn do đó nếu tổn thương thính giác thì khó phục hồi.
Các triệu chứng do tiếng ồn lớn gây lên như tổn thương tai làm nghe kém, ù tai, chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, ảnh hưởng thần kinh.
Theo Việt Nhân - Quỳnh Hương
Bee.net.vn