“Khổ lắm, năm mô cũng có lũ”
Sau cơn lũ, chúng tôi đến xã Phương Mỹ là một trong những xã nghèo nhất, cũng là xã chịu ảnh hưởng nặng nhất của cơn lũ ngày 5/9 vừa qua của huyện Hương Khê. Mặc dù, nhiều nơi nước lũ đã rút nhưng riêng ở xã này thì nhiều thôn xóm vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.
Người dân vùng rốn lũ Phương Mỹ làm nhà chòi, nhà nổi để phòng lụt
Quang cảnh nhếch nhác, tiêu điều, hoa màu chìm trong biển nước mênh mông, những nơi nước rút, người dân lại bắt đầu công việc vệ sinh, dọn dẹp bùn đất, nhà cửa, đường xá. Cái công việc đã quá quen với những người dân vùng rốn lũ này. Không chỉ có thế, mỗi mùa lũ đi qua là không biết bao nhiêu tiền của của người dân chắt chiu cả năm trời cuốn theo dòng nước lũ.
Mặc dù đã quá quen với cảnh lũ lụt nhưng người dân vẫn không lường hết được sự tàn phá của lũ và luôn bị bất ngờ vì mỗi năm một khác lũ lụt diễn biến phức tạp và bất thường.
Anh Đinh Ngọc Hùng ở xóm Trung Thượng cho biết: “Bọn tui luôn phải cảnh giác và sẵn sàng 24/24. Thường xuyên nghe bản tin dự báo thời tiết. Mỗi khi thấy có mưa to là chúng tôi chuẩn bị thuyền bè, gói gém đồ đạc để sẵn sàng chuyển đi đến những nơi cao hơn để gửi”.
Nhưng không phải lúc nào người dân nơi đây cũng biết chính xác lúc nào lũ về để biết mà chuẩn bị các phương án. Nhiều lúc nước lũ về bất ngờ, nước dâng nhanh đến mức người dân nơi đây không kịp trở tay, chỉ biết tìm cách để đảm bảo tính mạng cho mình và người thân. Thế là bao nhiêu tài sản trong nhà như thóc, gạo, trâu bò, lợn gà đều không cánh mà bay.
Ông Nguyễn Đình Hùng nhớ lại: “Năm 2007 và năm 2010 lũ ở đây to lắm, có lẽ to nhất trong lịch sử tới giờ. Nước ngập quá nóc nhà có nơi tới hơn 1m. Nước to và lên nhanh đến mức nhà tui đã chuẩn bị vật liệu để làm bè mà không kịp, bao nhiêu trâu bò, gà vịt bị trôi hết, may mà nhà tui không ai bị sao cả”.
Người dân luôn sẵn sàng đồ đạc để chuyển đến những nơi cao tránh lũ
“Cứ mỗi khi đến mùa mưa lũ là nhà ai cũng phải tích trữ lương thực, muối một vại cà thật to để ăn. Không có tiền cũng phải vay mượn để mua gạo, mì tôm và thức ăn dự trữ. 2-3 tháng liền chỉ ở trong nhà, không làm gì được, con cái thì phải nghỉ học thường xuyên. Khổ lắm!” - ông Hùng chia sẻ.
Có an cư mới lạc nghiệp, người dân nơi đây cũng đã an cư nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phương Mỹ hơn 16% và là một xã nghèo nhất của huyện Hương Khê.
“Ở đây khổ lắm các chú ạ. Năm mô cũng lũ, nước ngập tới nóc nhà. Bao nhiêu tiền của tích góp được cả năm trời chỉ một trận lũ là mất hết. Chuyển đi nơi khác thì không có tiền mà cứ ở lại thì không biết bao giờ cuộc sống mới khá lên được” - chị Nguyễn Thị Lan ở xóm Tân Hạ rầu rĩ.
Nỗi lo muôn kiếp
Ở xã Phương Mỹ hầu hết các hộ gia đình đều phải tự sắm cho mình một chiếc thuyền để chạy lũ, nhiều nhà có điều kiện hơn thì mua thùng phi (mỗi thùng có giá hơn 400 nghìn) làm nhà nổi để trú mỗi khi nhà bị ngập. Nhiều nhà còn làm nhà tránh lũ cao 4-5m.
Mỗi nhà phải tự sắm một chiếc thuyền để chạy lũ
Không chỉ lấy đi rất nhiều tài sản, tiền của, lũ lụt còn mang đến nhiều mầm mống bệnh tật đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của hàng ngàn người dân. Tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt, thiếu nước sạch sinh hoạt... luôn hiện hữu mỗi khi mùa lũ đi qua.
Nước lũ ngập sâu, có nơi 3-4m, nhiều chuồng trâu, lợn gà bị ngập khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, giếng nước bị ngập khiến người dân rơi vào cảnh chìm trong biển nước nhưng lại thiếu nước.
Nhà cửa ngổn ngang sau lũ
Anh Phan Văn Toàn ở xóm 9, xã Phương Điền, huyện Hương Khê cho biết: “Trước khi đến mùa lũ là mọi người phải lo lòng đi mua thuốc tiêu chảy, thuốc đau mắt, thuốc xịt muỗi. Vì sau mỗi trận lụt có rất nhiều người mắc các căn bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết nhất là trẻ em”.
Anh Toàn cũng cho biết thêm, do nguồn nước giếng bị ô nhiễm, mà lại bị cô lập nên đa số người dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước bẩn đó để ăn uống, sinh hoạt nên làm cho nguy cơ bùng phát dịch càng cao.