Tham gia chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” cuối tuần qua (phát sóng tối 5/7 trên kênh VTV10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận nhiều câu hỏi về vấn đề trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng thành viên TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Bộ trưởng Đam cho biết, vụ việc Dương Chí Dũng xảy ra năm 2007, khi đó Vinalines có nhu cầu đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan theo quy định đã trình lên Thủ tướng xin bổ sung nhà máy này vào quy hoạch. Một Phó Thủ tướng được phân công, trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, đã đồng ý chủ trương cho Vinalines lập dự án, báo cáo và cập nhật dự án này vào quy hoạch.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".
Nhưng khi chưa hoàn thành các thủ tục đó, lãnh đạo Vinalines đã tự ý mua các ụ nổi, một thành phần của nhà máy, về sửa chữa. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện việc sửa chữa này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngay khi nhận được báo cáo thanh tra, Thủ tướng đã yêu cầu chuyển cho cơ quan điều tra. Khi điều tra vụ việc cụ thể liên quan đến ụ nổi, nhận thấy dấu hiệu liên quan đến lãnh đạo tổng công ty, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan điều tra mở rộng điều tra.
Trước câu hỏi, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đến giờ vẫn được khẳng định là đúng quy trình nhưng người dân vẫn băn khoăn là tại sao thực hiện đúng quy trình mà vẫn đề lọt một tội phạm lên một chức vụ quan trọng, trách nhiệm thuộc về ai, Bộ trưởng Đam phân trần “đây là vấn đề con người”.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, quy trình, thủ tục đảm bảo đúng. Ông Đam so sánh, giống như một quy trình sản xuất, nếu xảy ra tai nạn, điều đầu tiên cần xem xét là vận hành có đúng quy trình không, nếu đúng quy trình thì phải tìm những nguyên nhân sâu xa hơn.
Công tác cán bộ là cốt lõi của mọi vấn đế, Đảng và Nhà nước có các chính sách và quy định rất chặt chẽ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đãi ngộ… Với những cán bộ cấp Chủ tịch HĐQT, quy trình từ nhận xét ở nơi làm việc đến lấy ý kiến nơi cư trú… phải mất đến 6 tháng.
“Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao quy trình chặt như thế mà vẫn để lọt? Đây là vấn đề con người. Chúng ta đều biết một người đã giữ đến chức vụ nhất định thì rất hiểu biết. Không phải không có những trường hợp, không chỉ riêng Việt Nam, mà trong lịch sử từ trước đến nay, khá nhiều cán bộ trung cao cấp che giấu rất giỏi” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích.
Một nguyên nhân nữa, ông Đam cho là công tác đấu tranh, phê bình và tự phê bình từ cấp cơ sở chưa làm thật tốt. Khi họ được tuyên dương, lên chức, bổ nhiệm, họ vẫn là một chân dung rất đẹp, rất tốt. Bất ngờ họ bị phát hiện và thành tội phạm, cơ quan quản lý mới giật mình.
Bộ trưởng Vũ Dức Đam cho rằng, đánh giá con người là vấn đề rất quan trọng và rất khó, chỉ có cách, trước hết là quy trình, thủ tục phải chặt chẽ. Sau nữa, phải tăng cường phê bình và tự phê bình trong các tổ chức đảng, chính trị xã hội, công đoàn, cơ quan chuyên môn… cũng như tăng cường giám sát của người dân để sớm phát hiện những phần tử thoái hóa biến chất, loại ra khỏi bộ máy.
Khó có thể tìm thấy một quy trình nào trên thế giới là hoàn thiện. Vì
vậy mọi quy trình phải được thường xuyên rà soát, cần thiết thì phải
sửa đổi, bổ sung. Sau sự việc Dương Chí Dũng, Chính phủ và các cơ quan
liên quan của Đảng đang xem xét và đã đề nghị bổ sung một số quy định
trong quy trình cán bộ. Ví dụ quy định khi bổ nhiệm một cán bộ mà đơn vị
đang được thanh tra, kiểm tra thì việc trao đổi với cơ quan thanh tra,
kiểm tra, dù chưa có kết luận chính thức là một thủ tục bắt buộc.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thêm một lần nhấn mạnh: “Quan trọng nhất trong công tác con người là phải có giám sát, đánh giá thật kỹ từ tất cả các cấp, đặc biệt phải có cơ chế để nhân dân biết cán bộ tham gia đánh giá và phát hiện sai phạm của cán bộ ngay từ khi còn rất sớm”.